Ước mơ xa xỉ của người đàn ông tật nguyền trong căn nhà chờ sập
Anh Nguyễn Ngọc Thắng trong căn nhà tạm bợ (Ảnh: dantri)
Nằm khuất sâu trong một con hẻm vắng của đường Y Ni Ksor (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là căn nhà tạm bợ, rách nát của ông Nguyễn Ngọc Thắng (58 tuổi).
Gọi là nhà có lẽ hơi "sang" đối với ông Thắng, nơi ở của ông thực chất là những bức tường xây vội, lợp qua loa mấy tấm tôn cũ nát rồi dùng tấm bạt ni lon phủ xung quanh tứ phía để che mưa, nắng qua ngày.
Trong căn nhà không có bất cứ gì vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc tủ lạnh đã cũ kỹ. Nơi nấu ăn chỉ kê tạm chiếc bàn và những vật dụng đơn giản. Ngay cả khu vực nhà tắm, vệ sinh cũng không có nổi một chiếc cửa lành lặn.
Cả căn nhà được vá víu chằng chịt để chống chọi với cái nắng rát da hay những cơn gió thốc lạnh thấu xương của mảnh đất Tây Nguyên.
Ngồi lọt thỏm trên chiếc giường cũ kỹ được trải tấm bìa carton thay vì trải chiếu, ông Thắng buồn bã kể, ông sinh ra, lớn lên ở tỉnh Phú Yên. Khi đến tuổi trưởng thành, trước gia cảnh khó khăn ông đã một mình rời nhà lên Đắk Lắk lập nghiệp bằng nghề bốc vác thuê tại các khu chợ. Những ngày tháng lam lũ cơ cực, không nhà cửa nương thân, ông thường ngủ luôn tại chợ để đi làm.
Trong một lần bốc vác ở chợ, ông Thắng tình cờ quen với một người phụ nữ giúp việc bán hàng và sau đó nên duyên vợ chồng. Lấy nhau, vợ chồng nghèo sinh được 4 người con. Hoàn cảnh lúc ấy tuy khó khăn, gia đình chạy ăn từng bữa nhưng ông Thắng vẫn thấy hài lòng với cuộc sống hạnh phúc đơn sơ ấy.
Tuy nhiên, số phận trớ trêu khi vào một buổi tối cách đây 20 năm, sau chuyến bốc hàng đêm mệt nhọc, ông Thắng nằm ngủ một mạch đến sáng sớm. Khi tỉnh dậy, ông không cử động được tay chân, còn miệng thì bị méo lệch sang một bên do bị tai biến.
Được đưa vào bệnh viện cấp cứu nên ông may mắn giữ được tính mạng nhưng sức khỏe giảm sút trầm trọng, tay chân yếu đi hẳn. Bị bệnh, ông không thể hành nghề bốc hàng mà chuyển qua bán vé số kiếm sống qua ngày. Khi con gái út được hơn 1 tuổi, vợ của ông cũng bỗng dưng bỏ bốn cha con ở nhà để đi làm ăn xa và biệt tích.
Để nuôi 4 con thơ, người đàn ông bệnh tật chống nạng vất vả đi bán vé số qua ngày. Không có điều kiện, 3 người con lớn của ông Thắng chỉ được học cho biết cái chữ rồi nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền nhưng rất chật vật. Riêng người con gái út được học đến lớp 12 nhưng không thể tiếp tục đi học đại vì ông không còn khả năng.
Khoảng 3 năm nay, tay chân ông yếu hẳn, co quắp lại khiến ông không thể chống nạng. Thương ông, một người bạn làm nghề lái xe ôm thường qua đưa ông tới chỗ bán vé số cố định để ông có thể kiếm được thêm vài chục ngàn mỗi ngày đong gạo. Thời gian gần đây, ông Thắng yếu đi rất khó khăn trong di chuyển nên chỉ toàn ở nhà.
Đã nhiều năm nay, ông Thắng luôn ao ước có được một chiếc xe lăn điện để có thể đi bán vé số kiếm thêm tiền lo cho người con gái út.
Ông Thắng tâm sự: "Hiện tôi chỉ sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp cho người khuyết tật, địa phương cũng cho tôi một chiếc xe lăn nhưng sức khỏe rất yếu không thể tự lăn xe di chuyển mà cần một chiếc xe lăn điện. Do vậy tôi đã nhường chiếc xe ấy lại cho người khác, tôi ao ước có chiếc xe lăn điện lâu lắm rồi, chỉ cần có xe tôi sẽ đi làm ngay".
Cũng theo ông Thắng, chiếc xe lăn điện có giá trên 20 triệu đồng là khoản tiền "khổng lồ" đối với gia đình ông. "Cả mấy tháng nay tôi dành dụm tiền mua mấy tấm tôn vá nhà nhưng dành mãi không đủ để mua huống chi mua chiếc xe lăn điện đắt đỏ ấy", ông Thắng bùi ngùi.
Vừa nói chuyện, ông Thắng chỉ lên phần mái nhà dột từng mảng lớn, những ngày trời nắng chiếu thẳng vào nhà, những ngày mưa nước dột tứ bề phải nhờ hàng xóm lấy tấm ni lon che tạm.
"Nguyện ước cuối cùng của cuộc đời tôi là lo được cho con gái út được đi học, nó ham học lắm mà vì bố nghèo khổ không đủ khả năng nên đành bỏ dở. Nhiều đêm thấy con gái khóc thầm mà lòng tôi quặn thắt, nay chỉ cần có phương tiện đi làm để kiếm thêm chút ít đi học là tôi mãn nguyện lắm rồi", ông Thắng chia sẻ.
* Tít bài đã được thay đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.