Vai trò của ngành ngân hàng trong phát triển kinh tế
2016-06-13 15:19:02
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập của đất nước, Việt Nam đã từ một trong những nước nghèo và khó khăn nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức dưới 100 USD lên khoảng 2.100 USD vào năm 2015, tăng trưởng GDP thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực…
Để đạt những thành tựu đó, Việt Nam đã luôn kiên trì đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế trong đó ngành ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính thế giới (2008 đến nay), vai trò ngành ngân hàng trong nền kinh tế càng được khẳng định, cụ thể:
Ngành ngân hàng đã thực hiện mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thông qua điều hành chính sách tiền tệ: trong từng thời kỳ, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, căn cứ định hướng mục tiêu điều hành của Chính Phủ, ngành ngân hàng đã áp dụng linh hoạt các công cụ của CSTT như:
Trong giai đoạn 2009-2010, khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra, ngành ngân hàng đã áp dụng CSTT linh hoạt theo hướng nới lỏng, áp dụng quy định về trần lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất...
Giai đoạn 2011-2012, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mà điển hình là lạm phát tăng cao, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dự trữ ngoại hối mỏng, lãi suất cho vay cao (18-21%), thanh khoản trong hệ thống ngân hàng căng thẳng, nợ xấu tăng cao, thị trường vàng bất ổn, tỷ giá biến động… Phù hợp với định hướng chung của Chính Phủ, ngành ngân hàng trong giai đoạn này phát triển theo hướng chặt chẽ, thận trọng với những đặc điểm: tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức dưới 20%, CSTT được thắt chặt với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%, các loại lãi suất được điều chỉnh để bảo đảm kiềm chế lạm phát...
Giai đoạn từ giữa năm 2012 đến nay, kinh tế vĩ mô dần ổn định với mức tăng CPI giảm dần về mức kiểm soát nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức cầu nền kinh tế giảm sút, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngành ngân hàng trong giai đoạn này phát triển theo hướng linh hoạt ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng. Đặc biệt nhất trong giai đoạn này, ngành ngân hàng triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điển hình nhất là việc ngành ngân hàng quyết liệt trong thực hiện giảm mặt bằng lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện giảm lãi suất, ngành ngân hàng đã triển khai hiệu quả hàng loạt các chương trình, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, hệ thống các NHTM được phát triển ở quy mô lớn, là kênh dẫn vốn chủ chốt trong nền kinh tế. Xét trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam, tính đến hết năm 2015, khu vực ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn với tổng tài sản chiếm tới 75% tổng tài sản hệ thống tài chính, trong đó, tổng dư nợ tín dụng hệ thống cung cấp cho nền kinh tế lên tới 4.656 nghìn tỷ, bằng 111% GDP. Với quy mô lớn như vậy, nguồn tín dụng ngân hàng đang đóng vai trò là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế với tỷ trọng chiếm khoảng 40-45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong thành công chung của ngành, khối Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đóng vai trò trọng yếu bằng việc đi đầu, dẫn dắt toàn ngành trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và ngành. Đến cuối năm 2015, khối NHTMNN gồm 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) chiếm 45% tổng tài sản, 50,2% tổng dư nợ tín dụng và 46,3% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống tính. Trong giai đoạn 2011-2015, khối NHTMNN đã đóng góp chính vào tăng trưởng toàn ngành với mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân ở mức 13,8%/năm cao hơn mức 10,3%/năm của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng ở mức 17,1%/năm so với mức 13,5%/năm toàn ngành.
Đặc biệt, vai trò của các NHTMNN được thể hiện rõ nét trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD vừa qua.
Theo đó, các NHTMNN không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân mà còn tích cực tham gia định hướng, dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện các biện pháp chính sách của Chính phủ, NHNN. Điển hình nhất có thể kể đến là:
Tham gia tích cực, hiệu quả trong tái cơ cấu, tiếp quản, nhận sáp nhập các NHTMCP yếu kém;
Đề xuất, thực hiện và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN;
Đi đầu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN đặc biệt trong giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay và góp phần quyết định hình thành mặt bằng lãi suất trên thị trường theo đúng định hướng của ngành trong từng thời kỳ;
NHTMNN là lực lượng chính trong phát triển các dự án, chương trình kinh tế lớn có vốn lan tỏa của đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Diệu Thúy