Hội Đình Cầu A ở Văn Yên, Yên Bái
Đình Cầu A tọa lạc trên một gò đất thấp (gò Đình) thuộc địa phận thôn Cầu A, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Theo kết quả tổng hợp từ các nguồn dã sử, người dân vùng đất Mậu A, tổng Đông Cuông (Đông Quang), huyện Trấn Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa xưa đã chung tay tạo dựng cho cộng đồng mình một ngôi nhà chung, một thiết chế tín ngưỡng gọi tên là Đình Cả, vào khoảng thế kỷ XVIII. Đình thờ “Tản Viên Sơn Tam vị Đại vương”, tức ba vị thần, gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương.
Đình Cầu A, là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh thường xuyên của nhân dân xã Mậu Đông, và nhân dân quanh vùng huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Ngay từ khi hình thành, ngôi đình đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện toàn bộ các chức năng cơ bản của thiết chế đình: đình là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng dân cư, là trung tâm văn hóa làng xã, địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng dân cư xã Mậu A, tổng Đông Cuông (Đông Quang), huyện Trấn Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa xưa.
Quá trình hình thành và phát triển của đình Cầu A mang nhiều dấu ấn lịch sử lâu đời, gắn liền với các thời kỳ xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời là địa điểm ẩn chứa dấu ấn lịch sử, cội nguồn về vùng đất, văn hóa và con người tại khu vực Mậu A, Mậu Đông, huyện Văn Yên, những giá trị di sản đã trở thành một phần quan trọng hình thành lên hệ thống tín ngưỡng dân gian những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bồi đắp qua các thế hệ. Di tích đình Cầu A là sản phẩm văn hóa vật chất chứa đựng giá trị văn hóa tinh thần to lớn, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên, mang ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội suốt ngàn đời của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cùng Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền mà còn biểu hiện cho tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng, mang lại sự bình an cho bản thân và mọi người, với nghề nông mong ước mùa màng bội thu.
Theo ông Vũ Văn Đán, được nhân dân giao làm thủ nhang của đình cho biết: Hàng năm ở đình diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên, lớn nhất có 02 kỳ lễ lớn là Lễ Mùa xuân, vào ngày 6-7 tháng Giêng. Cứ ba năm một lần, đình Cả Cầu A sẽ mổ trâu, những năm không mổ trâu thì sẽ mổ lợn tế lễ, và Lễ mùa thu hay còn gọi là Lễ tháng bảy, Lễ đón cơm mới, tổ chức vào ngày 16-17/7 Âm lịch.
Đình Cầu A được công nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Yên Bái.
Đình Cả Cầu A không chỉ là ngôi nhà chung, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng các dân tộc Mậu A – Mậu Đông qua nhiều đời, mà còn là nơi ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được hình thành và bồi đắp qua nhiều đời, trở thành một trong những biểu tượng của vùng đất, là một phần quan trọng của cội nguồn của dân tộc Việt.
Sự hình thành, tồn tại của đình Cả Cầu A thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường cùng khát vọng, niềm tin chinh phục, chế ngự thiên nhiên từ ngàn đời của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền mà còn biểu hiện cho tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng theo suốt chiều dài lịch sử địa phương nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, ngày 19/12/2023 vừa qua, đình Cầu A đã được UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định công nhận và xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Qua đó, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và lưu giữ tại đình, xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, góp phần làm phong phú và đa dạng các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn huyện Văn Yên. Đây là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong công tác quy hoạch và phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện Văn Yên trong thời gian tới. Đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên nhân dân xã Mậu Đông quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch tín ngưỡng tâm linh bền vững.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.