Về Nam Định chiêm ngưỡng vẻ đẹp Chùa Hổ Sơn - Đền Huyền Trân
Cổng lên Tam Bảo chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Ngày đầu tháng Tư, trong ánh nắng chan hòa chúng tôi về chùa Hổ Sơn (còn gọi là chùa Nộn Sơn hay Quảng Nghiêm tự) tọa lạc trên sườn núi Hổ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đại đức Thích Nhẫn Trực, trụ trì nhà chùa cho biết: Chùa Hổ Sơn được xây dựng cách đây đã hơn 700 năm, có bề dày lịch sử gắn với các giá trị nghệ thuật kiến trúc, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng. Đây là một trong những ngôi chùa gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Ngoài thờ Phật, chùa Hổ Sơn còn thờ tôn tượng hai công chúa Thụy Bảo (Ni sư Tĩnh Quang) và công chúa Huyền Trân (Ni sư Hương Tràng).
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá Sapia cao 5,1 mét, nặng 75,2 tấn (tượng trưng Phật Hoàng 51 tuổi và thời gian nhập niết bàn) tại chùa Hổ Sơn - Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Công chúa Trần Huyền Trân sinh năm 1287, mất năm 1340 là con gái út của vua Trần Nhân Tông và Hoàng hậu Khâm Từ. Cuộc đời công chúa Huyền Trân là một tấm gương cao cả về đức tính hy sinh trước vận mệnh đất nước, được lịch sử và dân gian lưu truyền, ca tụng. Hàng năm, chùa Hổ Sơn không chỉ tổ chức các lễ trọng của đạo Phật mà còn duy trì các hoạt động văn hóa cộng đồng. Riêng ngày mùng 9 tháng Tư âm lịch hàng năm là ngày viên tịch ni sư Hương Tràng (công chúa Trần Huyền Trân)còn diễn ra các nghi thức cúng giỗ trang trọng do làng Hổ Sơn tổ chức. Lễ hội chùa Hổ Sơn thực sự đã trở thành nét đẹp truyền thống, nền nếp sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân xã Liên Minh.
Con thuyền “Lịch sử văn hóa thời Trần đưa đón công chúa Huyền Trân” tại chùa Hổ Sơn - Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Về kiến trúc, chùa Hổ Sơn được thiết kế theo kiểu “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”, gồm có ba tòa: Bái đường, Trung đường và Tam Bảo. Tòa bái đường rộng ba gian, xây mái cuốn vòm, chính giữa treo đại tự “Quảng Nghiêm tự”. Tòa trung đường rộng ba gian, được xây dựng chắc chắn bằng gỗ lim theo kiểu “chồng rường giá chiêng, mê cuốn”. Gian bên trái đặt đặt khám thờ ghi “Bồng lai cung khuyết” (Lầu gác ở cõi tiên), bên phải đặt tượng hai công chúa Huyền Trân và Thụy Bảo. Đặc biệt, chùa Hổ Sơn còn bảo tồn được nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ quý, chạm khắc rất tinh xảo, lưu trữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ. Trong đó có nhiều cổ thư, cổ vật quý hiếm như: Bốn đạo sắc phong riêng và chung của các triều đại phong kiến cho Ni sư Tĩnh Quang, Ni sư Hương Tràng; tượng nhị vị công chúa Huyền Trân, Thụy Bảo; bát hương thờ tự…
Ông Vũ Quang Bảo, Chủ tịch Tập đoàn BBGRUOP - Nhà công đức chính trong dự án trùng tu, tôn tạo chùa Hổ Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng Đại đức Thích Nhẫn Trực, trụ trì nhà chùa trước hạng mục công trình thời điểm đang thi công - Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Chúng tôi được biết, từ năm 2006, chùa Hổ Sơn đã được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 16-01-2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã có Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Nhẫn Trực, thế danh Phùng Việt Hải về trụ trì chùa Hổ Sơn. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, ngôi Tam Bảo và các công trình khác của chùa Hổ Sơn đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nguyện vọng, tâm huyết lớn nhất của Đại đức Thích Nhẫn Trực trụ trì nhà chùa, người dân địa phương và các đạo tràng phật tử gần xa là mong muốn được trùng tu, tôn tạo chùa cổ Hổ Sơn. Và ngày 22-01-2020 Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định cho phép chùa Hổ Sơn được tu bổ, tôn tạo ngôi Tam Bảo là nơi phụng thờ chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh tăng. Như nhân duyên trời định, cuối năm 2020, chùa Hổ Sơn đã có nhà công đức chính là ông Vũ Quang Bảo, Chủ tịch Tập đoàn BBGRUOP cùng các phật tử tâm huyết đã tự nguyện chung tay, góp sức trùng tu, tôn tạo lại ngôi cổ tự.
Quang cảnh chùa Hổ Sơn - đền Huyền Trân trong đêm Đại Lễ Phật đản 2023 - Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Lễ khởi công xây dựng các hạng mục công trình trong khuôn viên nhà chùa đã được tổ chức long trọng ngày 5-12-2020. Sau 8 tháng thi công, các hạng mục gồm Tam Bảo, Tổ đường, Tổ ni đường, Nhà Mẫu, Đền Huyền Trân, Vườn Tháp, các công trình phụ trợ trị giá đầu tư khoảng 165 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay trụ trì chùa Hổ Sơn đang tiếp tục cho hoàn thiện các hạng mục, tạo dựng cảnh quan môi trường và xây dựng thêm các công trình phụ trợ. Nhìn tổng thể, khuôn viên chùa Hổ Sơn có dáng dấp kiến trúc mới lạ, vừa bề thế, trang nghiêm vừa mang nét độc đáo, hiện đại, tạo nên cảnh quan đẹp mắt. Nơi đây xứng đáng là điểm du lịch hấp dẫn, nơi hội tụ tín ngưỡng tâm linh, nơi trải nghiệm văn hóa truyền thống của du khách gần xa cùng người dân xã Liên Minh Anh hùng vừa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Bài viết được thực hiện theo hoạt động phối hợp, hợp tác tuyên truyền, quảng cáo.