Cảm phục nữ giám đốc xe lăn, chị cả của các em tật nguyền từ nhỏ

2024-07-05 06:05:00 0 Bình luận
Tôi gặp chị Lê Thị Mai, Giám đốc HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân khi chị đến dự đại hội lần thứ nhất Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Nam Định năm 2024 bằng xe lăn. Sau đại hội, tôi đã tìm về cơ sở sản xuất của chị ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định).

Hợp tác xã May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân do chị Lê Thị Mai làm giám đốc ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Về gặp chị, ấn tượng đầu tiên của tôi là chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 54 bởi gương mặt sáng, dáng người nhỏ gọn và nụ cười thân thiện. Tuy đôi chân bị liệt nhưng chị di chuyển rất nhanh nhẹn trên chiếc xe lăn chạy bằng pin đời mới.

Chị Mai xúc động kể rằng, năm 1970 chị sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo khổ, chỉ biết làm nghề nông. Bố chị là ông Lê Văn Tiến bị lây nhiễm chất độc da cam chưa rõ nguồn gốc. Ông có hai đời vợ, người vợ đầu sau khi sinh được ba người con thì bị mất sớm vì bom giặc Mỹ. Người vợ kế sinh được 6 người con, trong đó con trai đầu là Lê Văn Thoại và con gái thứ tư Lê Thị Mơ đã mất sớm. Chị Mai là con thứ hai của người mẹ kế, dưới chị có 3 người em. Giáp chị là Lê Thị Thắm sinh năm 1972 may mắn không bị tật nguyền. Cậu em trai Lê Văn Tới sinh năm 1976 thì hơn một tuổi chân tay đã không phát triển được nữa, chỉ bé xíu như chân tay trẻ sơ sinh, lại không cử động được. Cô em gái út Lê Thị Ngát sinh năm 1978 ngay từ bé cũng bị liệt đôi chân, không đi lại được.

Chị Lê Thị Mai, Giám đốc HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân - Ảnh: Hồ Thanh

Trong nhà chỉ có Lê Thị Thắm được bố mẹ cho đi học đến hết THCS, còn lại ba chị em chưa một lần được cắp sách tới trường. Chị Mai lúc nhỏ cũng phát triển bình thường nhưng đến năm 4 tuổi đôi chân cứ teo dần lại, đi đứng đều rất khó khăn. Đến năm 8 tuổi, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh” thì đôi chân của chị bị liệt hoàn toàn, không đi lại được nữa. Bị tật nguyền, không tránh khỏi mặc cảm, tự ti, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn nhưng chưa bao giờ Lê Thị Mai thấy tuyệt vọng.

Không được đi học thì chị nhờ em gái Lê Thị Thắm dạy lại văn hóa cho mình rồi tự học nâng cao dần trình độ. Một lần được bố mẹ cho đi Hà Nội chữa bệnh, khi đi qua một cửa hàng may chị thấy có nhiều bộ quần áo đẹp thì rất thích, cứ ngắm mãi. Và ý tưởng phải học nghề để tự tay cắt may quần áo, tự kiếm sống, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em cứ làm chị day dứt mãi. Về nhà chị xin bố mẹ cho đi học may, vì thương con nên bố chị cũng tặc lưỡi đưa con gái đến một ông thầy dạy nghề cách nhà 20 km để học may. Ban đầu mới được thầy dạy học nghề, đôi chân của chị đạp rất yếu ớt, hai tay lóng ngóng, run rẩy khi cầm kéo, cầm thước.

Thấy khó quá chị cũng đã định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến hoàn cảnh, nỗi vất vả của bố mẹ, tương lai bản thân và thương các em, chị đã quyết chí học nghề cho bằng được. Sau ba tháng nén đau tập luyện, miệt mài học nghề, chị đã may được quần áo. Đặc biệt là trí nhớ chị rất tốt, chỉ cần nhìn mẫu là ghi nhớ, tự mình cắt may được luôn. Học được nghề may, chị về mở một tiệm may đo ngay tại nhà. Ban đầu cũng ít khách, nhưng rồi cũng đông dần lên do chị khéo tay, may đẹp, nhiều người quý mến, muốn giúp đỡ NKT như chị. Từ đó công việc và thu nhập từ xưởng may của chị tốt hơn rất nhiều.

Nữ giám đốc người khuyết tật Lê Thị Mai (bên trái ảnh) tự tay thiết kế mẫu quần áo mới, bên phải là em gái út Lê Thị Ngát - Ảnh: Hồ Thanh

Năm 1992, chị mạnh dạn bàn với bố mẹ dùng vốn tích góp cộng với tiền bán ngôi nhà trong làng mua một mảnh đất gần đường trục chính của thôn để xây nhà mới và mở một hiệu may. Nhờ có tay nghề vững, khéo tay, luôn giữ uy tín với khách hàng nên xưởng may của chị rất đông khách. Khi đã có việc làm, có tiền nuôi được bản thân cùng các em, chị tiếp tục đầu tư mua thêm máy khâu, mở lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho  gia đình cùng hàng chục thanh niên nam nữ tại địa phương. Năm 1998 chị Mai dành hẳn một năm để vào miền Nam học nâng cao tay nghề và kinh nghiệm quản lý. Nhờ vậy, những năm sau đó xưởng may của chị phát triển mạnh, thu hút nhiều NKT và lao động thiếu việc làm trong, ngoài xã đến học nghề, làm nghề.

Năm 2022, chị thành lập HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân, thực hiện điều tâm huyết đã ấp ủ từ lâu là đào tạo, hỗ trợ việc làm cho NKT, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vượt lên số phận, sống hòa nhập cộng đồng. Chị tận tâm dạy nghề miễn phí cho NKT, nâng cao tay nghề cho từng người lao động, giúp họ có mức thu nhập cao. Tính ra, trung bình mỗi năm chị đã đào tạo, dạy nghề thành công cho 15 lao động tại xã Hải Đông cùng các xã lân cận, trong đó có nhiều NKT.

Nữ giám đốc người khuyết tật Lê Thị Mai (bên phải ảnh) hướng dẫn công nhân may mặt hàng mới tại HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân - Ảnh: Hồ Thanh

Năm 2016 chị đã tích góp, xây dựng được ngôi nhà mới hai tầng diện tích 100 m2, trị giá gần 1 tỷ đồng. HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân được  chị đầu tư mở rộng thành 2 xưởng sản xuất. Tại xóm Tây Cát, xã Hải Đông xưởng sản xuất của chị có diện tích 640 m2, có khu nhà ăn rộng 300 m2, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động. Ở xã Giao Châu, huyện Giao Thủy chị thuê 300 m2 tạo lập một xưởng sản xuất mới, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động.

Hiện tại HTX của chị có 80 máy khâu, tạo việc làm thường xuyên cho 90 lao động (gồm 80 lao động ngồi may, 10 lao động phụ trợ, đóng gói), trong đó có 30 NKT. Doanh thu của HTX năm 2024 ước tính đạt 400 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động mỗi tháng đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/người. Tại đây có 10 lao động ở xa,  hoàn cảnh khó khăn không thể đi về thường xuyên, chị Mai đã bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo.

Mỗi bữa ăn chị chỉ thu 5.000 đ/người, mỗi tháng chỉ thu mỗi người 500.000 đồng tất cả các khoản chi phí, còn lại chị tự lo toan hỗ trợ từ A đến Z. Chị Mai tâm sự: Khó nhất là tìm được nguồn đặt hàng có số lượng lớn để tạo việc làm và mức thu nhập ổn định cho người lao động. Cơ sở vật chất, thiết bị ngành may, nguyên vật liệu đã có sẵn, thợ giỏi tay nghề đã có đủ, nhưng còn thiếu khách hàng tiềm năng có hợp đồng may số lượng lớn.

Nếu được sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo địa phương, nhất là lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cũng như các trường học cho đặt hàng may đồng phục học sinh thì HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân chắc chắn sẽ bảo đảm uy tín và chất lượng. Tôi đồng cảm với suy nghĩ, ước mong này của chị Mai vì nhu cầu đồng phục học sinh hàng năm rất lớn, nếu được đặt hàng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho những NKT.

Đây cũng chính là hành động thiết thực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh các cấp tại địa phương đã quan tâm, giúp đỡ NKT để họ vượt lên số phận, có việc làm, nâng cao mức thu nhập, sống hòa nhập cộng đồng. Mong rằng ngành GD&ĐT huyện Hải Hậu, các nhà trường có nhu cầu về đồng phục học sinh sẽ giúp cho HTX May mặc Tình thương & Hướng nghiệp Thiên Ân có thêm niềm vui này.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nhân sinh quan trong lãnh đạo là nền tảng hướng đến phát triển bền vững

Công ty Cổ phần Rượu Phú Lễ, kết hợp cùng Nhà phân phối Viễn Đông, đã tổ chức thành công talkshow mang chủ đề “Nhân sinh quan trong lãnh đạo” tại khách sạn La Thành. Sự kiện này thu hút đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và đại biểu từ nhiều tổ chức trong nước.
2024-12-08 10:36:59

Herbalife Việt Nam mở rộng Chương trình Casa Herbalife Việt Nam đến 15 địa phương trên toàn quốc

Herbalife Việt Nam thành lập Trung tâm Casa Herbalife thứ 15 nhân dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hoạt động này nhằm giúp cải thiện dinh dưỡng mỗi ngày cho hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn.
2024-12-08 08:20:15

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”

Tạp chí điện tử Hòa Nhập xin giới thiệu bạn đọc công trình nghiên cứu sâu sắc của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu về tư tưởng “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc thực hiện xuất sắc tư tưởng này. Tạp chí điện tử Hòa Nhập trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết đến quý độc giả.
2024-12-07 23:26:54

CANDVT – K74 Thanh Trì tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ (06/12/1974 - 06/12/2024)

Sáng ngày 06/12/2024, tại Hội trường HTX Dịch vụ Nông nghiệp Khuyến Lương, số 24 đường Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, Hội K74 Thanh Trì (thuộc Lực lượng CANDVT, nay là Bộ đội Biên phòng) đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ (06/12/1974–06/12/2024).
2024-12-07 19:21:21

Những dấu ấn đáng nhớ tại Caravan Group Quản trị và Khởi nghiệp

Chương trình Team building là một trong những hoạt động chính của các lớp CEO SG10 - Group Quản trị và Khởi nghiệp với mục tiêu tăng tính giao lưu kết nối, hiểu nhau hơn, gần nhau hơn giữa các thành viên.
2024-12-07 12:33:25

Đánh thuế bất động sản thứ 2: Liệu có gây “đóng băng” thị trường bất động sản?

Ngày 6/12, liên quan đến việc đánh thuế bất động, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung và thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất ra quy định này trong thời điểm hiện tại có thực sự phù hợp, hay có khả năng sẽ dẫn đến việc “đóng băng” thị trường bất động sản.
2024-12-07 07:58:01
Đang tải...