Vì đâu thương hiệu Vinaconex trượt dài?

2015-11-27 09:58:53 0 Bình luận
Mới đây, với việc Chính phủ vừa cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT… được đánh giá là tín hiệu tích cực, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp ăn nên làm ra được SCIC xem xét thoái vốn theo lộ trình thì vẫn có nhiều doanh nghiệp “được” SCIC đầu tư dòng vốn và trực tiếp quản lý phần vốn đại diện vẫn làm ăn bết bát, bấp bênh chưa tìm được hướng ra cho sự phát triển…


Xử lý vỡ đường ống nước Sông Đà, do Vinaconex đầu tư (Ảnh TL)

Khi “ông lớn” làm ăn tụt dốc, bấp bênh

Câu chuyện kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (Vinaconex) làm ăn bết bát, không hiệu quả nhiều năm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất điều này.

Hơn chục năm trở về trước, thương hiệu Vinaconex được nhiều người biết bởi doanh nghiệp này là đơn vị uy tín, tiềm lực mạnh trong lĩnh vực xây lắp, vật liệu xây dựng, đầu tư và kinh doanh bất động sản, xuất khẩu lao động… Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này lại có dấu hiệu tụt dốc đi xuống, kết quả và lợi nhuận kinh doanh lên xuống bấp bênh.

Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Vinaconex đạt 387,95 tỷ đồng; nhưng năm 2012, Vinaconex lại lỗ “khủng” hơn 619 tỷ và năm 2013 lợi nhận của Vinaconex là 550 tỷ đồng; năm 2014 lại giảm xuống chỉ còn là 368,7 tỷ đồng.

Mới đây nhất, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2015 của Vinaconex công bố cho biết, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 76 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết và chỉ lãi ròng 124,37 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó nợ vay của Vinaconex vẫn ở mức cao. Nợ ngắn hạn hơn 3.763 tỷ đồng, nợ dài hạn 2.168 tỷ đồng. Cho dù trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp quản lý phần vốn của nhà nước tại Vinaconex từ năm 2007 đã đầu tư vào đây hơn 1000 tỷ đồng, nâng mức tỷ lệ nắm giữ cổ phần của SCIC tại doanh nghiệp này lên đến 57,79%. Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực đầu tư cả nghìn tỷ vào doanh nghiệp nhưng tình hình kinh doanh của Vinaconex vẫn không mấy khả quan, trồi sụt, lên xuống thất thường. Doanh nghiệp vay nợ nhiều, nhiều công ty con trực thuộc vẫn làm ăn thua lỗ, tụt dốc thê thảm.

Và đi liền với đó, những doanh nghiệp trực thuộc Vinaconex cũng liên tiếp “dính” phải lùm xùm, tai tiếng đã được báo chí nêu tên: Vụ việc đình đám vỡ đường ống nước Sông Đà, do Vinaconex đầu tư đã khiến 9 lãnh đạo của các Công ty con của Vinaconex bị khởi tố, bắt giam; Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính do Vinaconex đầu tư đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chủ đầu tư lại chiếm giữ nhiều chục tỷ đồng tiền bảo trì nhiều năm không trả cho cư dân; Rồi tình trạng nợ lương, bảo hiểm trong thời gian dài cũng đã khiến Vinaconex đau đầu giải quyết; Và do làm ăn, kinh doanh không hiệu quả, Vinaconex đã phải bán nhiều dự án như Nhà máy xi măng Cẩm Phả, dự án Khu đô thị ParkCity; Khu đô thị Spedoral – Bắc An Khánh… để trả nợ. Đó là thực trạng kinh doanh không mấy sáng sủa của Vinaconex thời gian qua.

Theo những con số từ Đại hội cổ đông năm 2015 của Vinaconex đưa ra thì tính đến ngày 31/12/2014, vốn chủ sở hữu của Vinaconex là 5.454 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư vào các đơn vị thành viên, liên doanh, liên kết là 3.353 tỷ đồng, cho các đơn vị vay vốn theo khế ước là 2.544 tỷ đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định, bất động sản đầu tư là 907 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu so với giá trị các khoản đầu tư dài hạn đang thiếu 1.350 tỷ đồng nên thực tế, Vinaconex không có vốn chủ khả dụng.

Lãnh đạo Vinaconex cũng thừa nhận, trong năm 2015 doanh nghiệp sẽ không còn nguồn doanh thu từ các công trình, dự án nhận thầu có giá trị sản lượng lớn và kéo dài từ những năm trước như Bảo tàng Hà Nội, các công trình chuyển giao cho E&C.

Lối thoát nào?

Hàng loạt những bê bối, khó khăn bủa vây Vinaconex trong suốt thời gian qua không khỏi khiến dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi: đâu là nguyên nhân khiến Vinaconex làm ăn kém hiệu quả trong những năm gần đây? Và dư luận cũng không khỏi có những đồn đoán, đánh giá về trách nhiệm của SCIC - đơn vị quản lý phần vốn nhà nước tại Vinaconex đến đâu khi mà dòng vốn đầu tư vào đây chưa mang lại hiệu quả? Rồi từ câu chuyện Vinaconex làm ăn tụt dốc đi xuống chắc chắn sẽ dấy lên những nghi ngại cho rằng, việc SCIC “ôm đồm”, quản lý vốn nhà nước quá nhiều doanh nghiệp sẽ gây khó cho sự phát triển của doanh nghiệp?

Trao đổi với phóng viên xung quanh trách nhiệm của SCIC khi quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, PGS.TS Bùi Quang Bình – Trưởng bộ môn Kinh tế Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, nhà nước dồn vốn vào một Công ty để quản lý các phần của nhà nước, vì vậy về mặt kinh doanh tùy thuộc tỷ lệ cổ phần chi phối nắm và quản lý tại các doanh nghiệp, nếu nắm lớn và nhiều thì đương nhiên SCIC phải có trách nhiệm.

Ông Bình cũng phân tích nếu doanh nghiệp làm ăn yếu kém thì cần phải thoái vốn ngay để tránh ôm cục nợ, lỗ lớn.

“Thoái vốn sẽ là xu thế tất yếu, vai trò của nhà nước không đứng ra kinh doanh mà chỉ đứng vai trò tạo ra môi trường kinh doanh, Vì vậy, nhà nước không thể ôm cục lỗ ấy mãi được, càng ôm, càng lỗ. Nhà đầu tư cảm thấy có cơ hội kinh doanh được thì sẽ mua hoặc không thì sẽ giải thể” – ông Bình cho hay.

Về vấn đề này, ở một góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia Chính sách Công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, với những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, yếu kém thì rất khó để thoái vốn, hoặc bán. Và nếu có bán thì cũng không có người mua. Vì vậy theo ông Thọ thì với những doanh nghiệp loại này thì nên cho phá sản.

Cũng theo phân tích của PGS.TS Phạm Quý Thọ: “Những doanh nghiệp làm ăn bết bết thì nên cho phá sản. Và những doanh nghiệp làm ăn bết bát, lỗ thì SCIC chắc chắn phải có trách nhiệm. Vinaconex lỗ do nhiều lý do khác nhau. Trường hợp như Vinaconex thì nên có lộ trình giải tán, phá sản, phải có người chịu trách nhiệm. Không thể doanh nghiệp lay lắt như thế.”

Từ câu chuyện của Vinaconex trượt dài trong kinh doanh, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Văn Hà – Công ty Luật Hợp Danh Đông Nam Á nhìn nhận: Nếu việc đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó mà lại lỗ, thất thoát vốn thì nên tạm dừng việc đầu tư vốn đó, và việc thoái vốn cần phải tính đến. Việc thoái vốn này sẽ giúp phần vốn đó không bị mất thêm và có thể đầu tư vào việc khác hiệu quả hơn. Đừng lo việc thoái vốn, rút vốn, vì có rất nhiều doanh nghiệp khổng lồ của các cường quốc như Sony (Nhật), Google (Mỹ)… cũng phải dứt bỏ các lĩnh vực đầu tư, thậm chí là phải bán một công ty trong tập đoàn để tránh sa tiếp vào vũng lầy, nhường cuộc chơi cho doanh nghiệp khác có khả năng tốt hơn tiếp tục kinh doanh.

“Quan điểm của tôi là SCIC nên thoái vốn khỏi Vinaconex vì thời gian qua việc đầu tư này cho thấy không hiệu quả và có thể còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, với vai trò là đơn vị quản lý tiền vốn của nhà nước, SCIC nên đầu tư vào những lĩnh vực nào mà tư nhân không thể, không nên, không muốn làm. Còn lĩnh vực xuất nhập khẩu và xây dựng thì chúng ta đều biết rằng đó là việc mà hiện nay các công ty tư nhân làm rất tốt. Họ có khả năng về công nghệ, quản lý chặt chẽ, sinh lợi tốt. Do vậy, chẳng có lý do gì để SCIC tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này cả” - Luật sư Hà cho biết.

Cũng theo Luật sư Hà thì muốn giúp Vinaconex thoát khỏi khó khăn hiện tại thì cần thực hiện các giải pháp như: việc chuyển nhượng (M&A) các doanh nghiệp trong Tổng công ty Vinaconex là phương án có thể xem xét. Công ty này hiện có nhiều doanh nghiệp con. Nếu các doanh nghiệp nào mà cổ phần hóa được thì nên cổ phần hóa, nhà nước thoái toàn bộ vốn khỏi các doanh nghiệp này. SCIC chỉ giữ phần vốn ở vài công ty con. Hiện nay, Vinaconex có quá nhiều công ty con, hoạt động ở quá nhiều lĩnh vực, khiến việc quản trị kinh doanh gặp khó khăn. Việc tập trung chuyên sâu vào một vài lĩnh vực có thể sẽ giúp doanh nghiệp này trở nên lớn mạnh hơn.

Và luật sư Hà cũng không quên lưu ý rằng, Nếu SCIC tiếp tục giữ phần vốn chi phối ở các doanh nghiệp nhà nước thì theo tôi nên chú trọng đến vấn đề con người – những cá nhân lãnh đạo trong doanh nghiệp đó. Sự yếu kém của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của nhà nước, mà suy cho cùng là tiền của mỗi người dân.

“Tôi cho rằng một khi doanh nghiệp nào đó đang kinh doanh tốt thì SCIC không nhất thiết phải quản lý vốn của các doanh nghiệp này. Gần đây tôi thấy tín hiệu khả quan là Nhà nước (cụ thể là Chính phủ) đã khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước phải cổ phần hóa - thoái vốn. Điều đó cho thấy các chính sách của chúng ta đã sát với thực tế hơn, đã rút tỉa được nhiều bài học sau những vấp ngã của các đại doanh nghiệp do nhà nước đầu tư. Tôi còn nhớ năm 2013 báo chí đã rộ lên vấn đề SCIC dùng rất nhiều tiền vốn để cho các ngân hàng vay lấy lãi mà không dùng để đầu tư vốn như nhiệm vụ của mình, và đó cũng là một dấu hiệu cho thấy không hiệu quả. SCIC cần phải thực hiện đúng chức năng của mình. Có lẽ cũng cần phải khoanh vùng các lĩnh vực mà SCIC được phép đầu tư, việc đầu tư vốn của SCIC nên tập trung vào các lĩnh vực mà nhà nước buộc phải làm mà thôi, Còn lĩnh vực nào mà tư nhân làm tốt thì hãy để họ làm” – Luật sư Hà phân tích.

“Theo thông tin và những con số báo cáo của Vinaconex công bố trên báo chí cho thấy trước khi về với SCIC quản lý, Vinaconex là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngày 30/12/2006, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chính thức chuyển thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 19/6/2007, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinaconex được chuyển giao từ Bộ Xây dựng về SCIC với giá trị phần vốn Nhà nước chiếm 63,35% vốn điều lệ Vinaconex. Đến nay, giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex của SCIC sở hữu 57,78%, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu 21,28% và các cổ đông khác sở hữu số vốn còn lại. Để quản lý phần vốn nhà nước tại Vinaconex, SCIC đã cử Người đại diện tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...