Vì tương lai tươi sáng
Với mục đích dạy nghề miễn phí cho các em khuyết tật, Cơ
sở dạy nghề Hy Vọng ra đời ngày 6-8-1999, theo quyết định số 401/TC-QĐ của
Sở LĐTBXH TP HCM. Năm 2009, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh Cơ sở
đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hy Vọng do Sở Kế hoạch Đầu Tư
TP. Hồ Chí Minh cấp.
Xưởng may của Công ty
Ngay từ buổi đầu thành lập còn nhiều khó khăn, vất vả cả về
cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, phải
lo tiền để trả lương cho giáo viên và cho các em có thể tự nuôi sống bản thân nên
Hy vọng phải tính đến việc sản xuất, kinh doanh. Để giải được bài toán khó này
người đứng đầu Cơ sở phải ngày đêm suy nghĩ, tìm tòi những phương án tối ưu để
làm sao Cơ sở tồn tại, phát triển được nhằm lo cho đời sống của cán bộ, giáo
viên và học viên. “Cái khó ló cái khôn” để có máy may cho các em học nghề, Hy Vọng
đã mượn máy của các trường dạy nghề khác như: Trường Lý tự Trọng, Trường Dạy
nghề Việt Hàn... Lãnh đạo Hiệp hội VAIDE cũng đã quan tâm, tạo điều kiện cho Cơ
sở hy vọng mượn 10 máy may để phục vụ cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho
học viên.
Sau khi mượn được “cần câu” Hy Vọng lại phải đi tìm ao để “câu cá”. Vận dụng các mối quan hệ, Lãnh đạo Công ty Hy vọng liên hệ với các trường học để may gối, yếm, chăn, màn cho học sinh, sau đó, Công ty Hy Vọng đã “vươn dài cánh tay” vào các siêu thị để giới thiệu các mặt hàng như: tạp dề, bắc nồi, tấm lót bàn ủi…. Suy nghĩ và quyết tâm thực hiện “có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhờ vào sự khéo léo, tỉ mẫn, tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá rẻ nhưng chất lượng cao nên giá thành sản phẩm của Hy Vọng đã chiếm lĩnh được thị trường. Hiện nay, hàng của Công ty Hy Vọng đã có mặt trong 100 siêu thị tại Sài Gòn Co. op, Metro, Lotte, Maximak, Nhật Nam Hà Nội. . .
Trao đổi với chúng tôi, cô Võ Ngọc Liên - Giám đốc Công ty
cho biết: Thị trường kinh doanh có tính cạnh tranh quyết liệt. Nếu sản phẩm không
đạt chất lượng sẽ bị loại ngay. Vì vậy, tiêu chí của Hy Vọng là không thể trông
chờ vào sự “thương hại” của xã hội mà phải tìm chỗ đứng bình đẳng như các Công
ty bình thường khác. Vì vậy sản phẩm của Hy vọng bao giờ cũng bảo đảm chất
lượng như đã đăng ký với cục Đo lường chất lượng.
Tạp dề - Sản phẩm mới của Hy vọng được người tiêu dùng ưa chuộng
Mặt khác, Hy vọng phải nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.
Trước đây, sản phẩm của Hy Vọng chỉ nhằm đến đối tượng có thu nhập thấp, sau đó,
Hy vong phát hiện xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày
càng tăng và đa dạng, phải có sản phẩm của tầng lớp trung lưu. Vì vậy, Hy Vọng
đã cải tiến mẫu mã để phục vụ cho tầng lớp này - Cô Liên chia sẻ thêm.
Đã trải qua 16 năm thăng trầm, cũng có nhiều lúc một số mặt
hàng của Hy Vọng bị loại khỏi siêu thị, song đến nay, Hy Vọng vẫn đứng vững
được. Hy vọng đã đào tạo 165 em học viên khuyết tật, các em hiện nay phần nhiều
làm việc trong các công ty may. Những em trình độ văn hóa kém, hoặc sức khỏe
yếu thì hợp đồng dài hạn với Công ty. Số học viên làm việc thường xuyên ở Công
ty là 25 em, các em được Công ty chăm lo, tạo điều kiện về mọi mặt, mức lương
trung bình của các em từ 3,5 dến 5 triệu đồng/tháng/người (chưa kể tiền ăn
18.000đ/ngày/em). Ngoài ra, các em còn được hưởng các chế độ bảo hiểm như: BHXH,
BHYT, BHTN. Các dịp lễ, tết hay ốm đau, bệnh tật các em cũng được Công ty thăm
hỏi, động viên kịp thời nhằm tạo sự gắn bó lâu dài giữa học viên và Công ty.
Dịp Tết Nguyên Đán hàng năm các em được thưởng tháng lương thứ 13. Đấy là nguồn
động viên, khích lệ để các em có thêm nghị lực, ý chí vươn lên vượt qua mặc
cảm, tự ti của bản thân để lao động, học tập, thu nhập ổn định, hòa nhập cộng
đồng.
Để có được những thành công như ngày hôm nay là nhờ vào sự
đoàn kết, nhất trí trong Lãnh đạo Công ty cũng như sự đồng lòng từ trên xuống
dưới. Các cán bộ quản lý và giáo viên hết lòng thương yêu các em khuyết tật
song vẫn bảo đảm kỷ cương rất nghiêm khắc, xử phạt phân minh, công bằng. Giáo
viên của Công ty ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo để tạo ra các mẫu mã mới đáp ứng
được thị hiếu của người tiêu dùng. Các em học viên tuy khuyết tật nhưng các em
rất giàu tình cảm, chịu khó học hỏi, tuân theo kỷ luật nghiêm minh của
Công ty đề ra.
“Phụ huynh rất tin tưởng vào Hy vọng. Có phụ huynh đã nói
với tôi rằng, mỗi khi thắp nhang cúng tổ tiên, bao giờ anh ấy cũng cầu mong cho
Hy Vọng được đứng vững để các em có công ăn, việc làm” - Cô Liên vui vẻ bộc
bạch.
Thời gian tới, Công ty Hy Vọng mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật như: Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ tiền cho giáo viên… Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, cô Liên cho biết: Từ lúc thành lập đến nay, Công ty Hy Vọng chưa được Nhà nước hỗ trợ về bất cứ thứ gì. Nên chăng, cần có những hành lang pháp lý để các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật và cơ sở sản xuất, kinh doanh giành cho người khuyết tật thật sự đi vào cuộc sống. Có như vậy, Công ty Hy Vọng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung cùng có cái tâm hướng đến chăn lo cho người khuyết tật giảm bớt khó khăn, chung tay vì người khuyết tật Từ đó giúp cho người khuyết tật giảm bớt rào cản, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như những người bình thường khác.
Với nỗ lực cố gắng của Lãnh đạo Công ty cũng như sự hợp tác, toàn tâm, toàn ý của cán bộ, nhân viên, giáo viên và học viên Hy Vọng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận không chỉ tăng nguồn thu ngân sách địa phương mà còn góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Công ty luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng dành cho người khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.