Việt Nam sẽ có thêm 3% GDP từ người khuyết tật
Năm 2008, cầm tấm bằng cử nhân ngành Quản trị nhân lực trong tay, Phạm Văn Vinh (sinh năm 1982) làm 30 bộ hồ sơ xin việc, mang đi “rải” khắp các doanh nghiệp ở Hà Nội.
Anh biết, tìm việc làm không bao giờ là dễ với một cử nhân vừa mới ra trường. Với người bị liệt nửa người do căn bệnh viêm tuỷ năm 17 tuổi như anh thì lại càng khó.
Anh được 14/30 doanh nghiệp gọi đi phỏng vấn. Nhưng khi biết tình trạng cơ thể của anh, họ lần lượt từ chối bằng những lý do: Sức khoẻ không đảm bảo công việc, trình độ không đạt, ngoại hình không phù hợp, chúng tôi sẽ xem xét…
Hai tháng sau, Vinh làm tiếp 10 bộ hồ sơ, kiên trì với con đường đi xin việc. Đến khi không nhận đươc bất cứ lời đề nghị nào nữa, anh chấp nhận làm cộng tác viên cho một công ty xuất khẩu lao động. Đó cũng là công việc đầu tiên của Vinh.
Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, tài chính, anh mở kênh tuyển dụng riêng cho mình chuyên về xuất khẩu lao động. Không lâu sau, công ty phá sản, Vinh về quê làm công nhân cho một công ty may chuyên tiếp nhận người khuyết tật với mức lương 600 nghìn đồng/ tháng - số tiền đủ để anh sống nửa tháng vào thời điểm năm 2010.
Nửa năm sau, Vinh bỏ việc ra làm tự do cho đến bây giờ. Anh xây dựng được một hệ thống bán đồ ăn nhanh với hơn 100 điểm bán. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống của Vinh giờ chỉ còn 10 điểm và đang có nguy cơ phá sản.
Không tận dụng người khuyết tật - Việt Nam mất 3% GDP
Số liệu từ Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam công bố tháng 1/2019 của Tổng cục Thống kê.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, đến năm 2018, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên - chiếm 7,8% dân số. Theo dự báo, số lượng người khuyết tật sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Trong số đó có khoảng 40% người khuyết tật ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, nhưng chỉ có 30% trong số đó có việc làm tương đối ổn định. Như vậy, cả nước còn 2 triệu người khuyết tật có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm.
Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động. Chưa kể, việc tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thị trường lao động còn là vấn đề nhân văn và bình đẳng - không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Theo kết quả Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật được công bố tháng 1/2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành trong 2 năm 2016 và 2017, khi được hỏi quan điểm về việc thuê người khuyết tật làm việc, câu trả lời từ người sử dụng lao động như sau: 54,8% không thuê; 24,4% mong muốn thuê; 1,4% thích thuê người khuyết tật hơn; 19,4% từ chối trả lời.
Thế giới làm gì với dân số khuyết tật?
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), đa số các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đều đã quan tâm đến việc hoà nhập người khuyết tật tại nơi làm việc. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn e dè trong việc tuyển dụng người khuyết tật.
Ông Cử cũng cho biết, theo Luật Người khuyết tật Việt Nam năm 2010, chúng ta chỉ khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động khuyết tật chứ không bắt buộc như trước kia.
Trong khi đó, nhìn ra thế giới, các quốc gia phát triển và một số nước đang phát triển ở gần chúng ta lại đang rất kiên quyết và mạnh mẽ trong việc ban hành và thực thi các chính sách pháp lý dành riêng cho lao động khuyết tật.
Trong Điều 33, Luật bảo hộ người khuyết tật của Trung Quốc quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thuộc Chính phủ cần phân bố một chỉ tiêu nhất định để tuyển dụng và sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Pháp luật Ấn Độ cũng quy định tỷ lệ phần trăm không thấp hơn 3% các vị trí trong mỗi cơ sở sử dụng lao động là người khuyết tật. Trong trường hợp vì lý do nào đó DN không tuyển đủ người khuyết tật thì vị trí này sẽ được chuyển sang năm tuyển dụng tiếp theo.
Tương tự, Luật người khuyết tật Thái Lan yêu cầu DN phải tuyển dụng người khuyết tật với tỷ lệ ít nhất là 1%. Đồng thời, nước này có chính sách thu thuế riêng biệt đối với những DN không muốn sử dụng người khuyết tật.
Với Hàn Quốc, ngoài việc quy định các cơ quan Nhà nước và tổ chức công phải tuyển dụng ít nhất 3% lao động là người khuyết tật, nước này còn thành lập Tổng cục Tuyển dụng người tàn tật và 18 chi nhánh khác ở địa phương có chức năng tư vấn, đào tạo nghề… cho người khuyết tật.
Đối với những cơ quan không tuyển đủ số lượng người khuyết tật sẽ bị phạt tương đương 60% mức lương của số lượng người khuyết tật tuyển thiếu. Các đơn vị này cũng sẽ bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở Nhật Bản, ngoài chỉ tiêu 1,8% lao động là người khuyết tật trong tổng số biên chế, các tập đoàn lớn của quốc gia này đều có “công ty con” với 100% người khuyết tật làm việc và hầu hết làm gia công cho các “công ty mẹ”. Trên cả nước, có khoảng 176 “công ty con” để đảm bảo cho 176 tập đoàn “công ty mẹ” có đủ tỷ lệ người khuyết tật làm việc.
Số liệu từ Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam công bố tháng 1/2019 của Tổng cục Thống kê.
Mặc dù đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng người khuyết tật rất chặt chẽ, song trong các quy định về điều kiện làm việc và chăm sóc sức khoẻ, dường như ngược lại với Việt Nam, nhiều quốc gia không yêu cầu người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật thường xuyên hơn và đặc biệt hơn những lao động bình thường khác.
Thay vào đó, họ yêu cầu đảm bảo quyền làm việc an toàn và sức khoẻ cho người khuyết tật dựa trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Bởi vì theo góc nhìn này, việc càng tạo ra những khác biệt giữa người khuyết tật và người không khuyết tật sẽ càng làm tăng thêm những rào cản về việc làm giữa họ. Điều này cũng phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Điển hình trong câu chuyện này có thể kể đến Nam Phi và Mỹ. Cụ thể, Luật sửa đổi Người Mỹ khuyết tật nghiêm cấm người sử dụng lao động quyết định chấm dứt hoặc có hành động bất lợi với người lao động khuyết tật dựa trên kết quả khám sức khoẻ.
Điều này cho thấy, các nhà làm luật Mỹ đã đứng trên góc độ quan ngại người sử dụng sẽ lợi dụng kết quả khám chữa bệnh để từ chối người khuyết tật tiếp tục làm việc, thay vì góc độ phải chăm sóc sức khoẻ thường xuyên cho người khuyết tật.
Theo nhận định của Uỷ ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trong một báo cáo năm 2018, quy định của Công ước quốc tế và pháp luật một số nước cho thấy những điều kiện chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cho người lao động khuyết tật được quy định khá mềm dẻo, nhằm tránh tình trạng các quy định bị lợi dụng trên thực tế, tạo thành những rào cản vô hình, khiến người khuyết tật trở thành bất bình đẳng với người khác vì khuyết tật của họ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.