Việt Nam xếp thứ 54/190 quốc gia về tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội
Sáng nay, 25/2, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”.
Tới dự tọa đàm có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Đông Timor, Philippine và Lào).
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững. Cụ thể, số nữ đại biểu Quốc hội chiếm: 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,20% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khoá XII và 24,4% ở khóa XIII.
Như vậy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Chính vì vậy, tọa đàm ngày hôm nay được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những hoạt động hướng tới kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”.
Để góp phần đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đặt ra, bà Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền các nội dung cụ thể như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt từ 35% trở lên; Tuyên truyền về những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý; Tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ và các định kiến giới; Thông tin về nỗ lực của các ngành, các cấp nhằm đảm bảo chỉ tiêu phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan báo chí tích cực đưa tin về các hoạt động chuẩn bị bầu cử và có các thông điệp phù hợp để cổ vũ cho những phụ nữ ưu tú tham gia ứng cử lần này”- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.