Vietnam House Tower: Ai dung dưỡng cái sai?
“Không gặp, muốn viết sao thì tùy”
Để làm rõ những vấn về mà các cư dân sống tại khu nhà ở “Vietnam House Tower” lo lắng. Hòa Nhập Online đã nhiều lần liên hệ Ban giám đốc của công ty VNH, nhưng đều bị né tránh. Trong một lần trao đổi qua Email, bà Tân, đại diện công ty VNH khẳng định, sản phẩm trên “công ty không rao bán mà chỉ đứng ra môi giới cho thuê dài hạn”.
Công trình “Vietnam House Tower” vẫn chưa được cưỡng chế tháo dỡ |
Tuy nhiên, trên nhiều website và mạng xã hội, các nhân viên công ty này đã đăng tải nhiều bài quảng cáo rao bán với những ngôn từ “có cánh”: “Sở hữu ngay một chung cư tại TP.HCM là ước mơ của tất cả những ai muốn an cư lạc nghiệp. Chỉ với 415 triệu/căn là bạn đã sở hữu ngay một chung cư với đầy đủ tiện nghi, công năng đầy đủ…”.
Theo công ty VNH, việc đặt tên cho công trình nhà ở riêng lẻ của ông Quãng và ông Trí chỉ là cách “để nhận dạng khu nhà nào đang cho thuê trong hệ thống sản phẩm của công ty chúng tôi đang môi giới.”
Rõ ràng, việc đặt tên để nhận dạng, biến công trình nhà ở riêng lẻ thành một dạng căn hộ đã được Công ty này thừa nhận là hành vi có chủ đích, xác lập việc công ty VNH rao bán, cho thuê đối với công trình này. Việc đặt tên này đã được tiến hành từ khi công trình nhà ở riêng lẻ đang được xây dựng và bị Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản xử lý vi phạm.
Việc công trình vi phạm nghiêm trọng, sai giấy phép xây dựng như nâng tầng, sử dụng sai mục đích... Công ty VNH đã biết rõ nhưng vẫn rao bán và ký hợp đồng cho thuê đối với diện tích sai phạm tại công trình này. Đại diện công ty này cũng đã khẳng định, “công ty chỉ đứng ra môi giới sản phẩm”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về căn cứ pháp lý nào để công ty đứng ra môi giới và ký kết hợp đồng, thì phía công ty này không đưa ra được bằng chứng để chứng minh mình có đầy đủ giấy tờ, pháp lý trong hoạt động môi giới Bất động sản.
Những thông tin rao bán mà nhân viên Công ty đăng trên nhiều website và mạng xã hội cách đây hơn 2 tháng. |
Theo Luật Kinh doanh Bất động sản, công ty, cá nhân đứng ra môi giới là “Đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê...; Cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp...”
Ngoài ra, khi Hòa Nhập Online đặt vấn đề để làm rõ trách nhiệm của công ty trước những sai phạm và tài sản của người dân thế nào, thì trong phần trả lời, đại diện công ty này đã nhanh chóng đá “quả bóng trách nhiệm” cho chủ đầu tư và dừng lại ở mức tham gia hỗ trợ, giải quyết hậu quả.
Thêm vào đó, công ty VNH còn luôn miệng khẳng định góp phần giải quyết nhu cầu thiếu hụt nhà ở tại Tp.HCM. Nhưng cách làm của công ty này biến những công trình sai phạm thành sản phẩm “lỗi” phân phối trên thị trường đã gây thêm nhiều rắc rối cho chính quyền trong việc xử lý sai phạm và khiến cho môi trường kinh doanh bị “vẩn đục”.
Trước những sai phạm nghiêm trọng và xem thường Pháp luật của công ty VNH, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, lấy lại công bằng cho người dân và trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh. Quan trọng hơn, giúp cho người dân tiếp cận được nhiều sản phẩm “sạch” trên thị trường.
Không xử lý dứt điểm, “để lâu có hóa bùn”?
Bên cạnh việc liên hệ Công ty VNH, phóng viên cũng đã liên hệ Thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM để làm rõ những sai phạm và hướng xử lý của các công trình này và đơn vị đứng ra phân phối sản phẩm.
Văn bản trả lời của Thanh Tra Sở xây dựng Tp.HCM không nhắc đến những sai phạm của Công ty VNH |
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của Thanh tra Sở chỉ nhắc đến những Quyết định xử phạt ông Lưu Nguyên Quãng; ông Lê Thành Trí và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng đo đạc Việt Khang (đơn vị thi công công trình), nhưng không thấy nhắc đến việc xử lý sai phạm của công ty Việt Nam House.
Điều đáng nói, ngày 29/8/2018, Thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM đã ra 4 Quyết định số: 1457/QĐ-CCXP; 1458/QĐ-CCXP; 1459/QĐ-CCXP; 1460/QĐ-CCXP. “Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” những hạng mục sai phạm đối với 2 công trình nhà ở của ông Lưu Nguyên Quãng và ông Lê Thành Trí.
Thế nhưng, Phóng viên có mặt tại công trình vào ngày 15/11, đến nay đã hơn 2 tháng kể từ ngày ra Quyết định nhưng công trình trên vẫn chưa được “cắt ngọn”.
Hàng loạt Quyết định từ cấp sở được đưa ra, thế nhưng sau nhiều tháng công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại như một lời thách thức trước pháp luật. Dựa trên thực tế này, công ty VNH còn tự tin tuyên bố rằng mình đã góp phần giải quyết sự thiếu hụt quỹ đất thành phố và nhu cầu nhà ở của người dân.
Từ những bất cập trên, dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn, phải chăng công trình này đã được “đỡ lưng” để nghiễm nhiên tồn tại? Thanh tra Sở đã “quên” xử lý đơn vị đã đứng ra phân phối sản phẩm “lỗi” trên thị trường? Hay những sai phạm của các công trình này quá lớn khiến Thanh tra Sở gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý?
Nếu công trình “Vietnam House Tower” không xử lý dứt điểm thì trong tương lai gần, Thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều “Vietnam House Tower” tương tự. Lúc đó, Sở Xây dựng sẽ giải quyết thế nào?
Một công trình sai phạm nghiêm trọng nhưng trong cách giải quyết, khắc phục hậu quả sự cố lại có quá nhiều “lỗi”. Với những hạn chế này, việc xử lý sẽ kéo dài thời gian và không thể loại trừ việc “đi vào dĩ vãng”.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải kiên quyết lập lại trật tự xã hội nói chung, trật tự xây dựng nói riêng là điều cấp bách, đảm bảo tính nghiêm minh của Pháp luật trong công tác quản lý đô thị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.