Vinasun đòi Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng
Theo dự kiến, hôm nay (6-2), TAND TP HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ kiện "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi). Theo đó, Vinasun yêu cầu GrabTaxi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỉ đồng.
"Grab gây náo loạn thị trường"
Theo đơn khởi kiện, Vinasun lập luận dù tự nhận là "công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải" nhưng về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, GrabTaxi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Vinasun cho rằng vì Grab mà công ty đã thiệt hại nặng nề nên đòi bồi thường hơn 41 tỉ đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Thế nhưng, từ khi GrabTaxi Việt Nam hoạt động tại thị trường Việt Nam, thông qua "Quyết định 24" của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Grab Taxi thực hiện nhiều hành vi kinh doanh trái pháp luật. Cụ thể, xét về mặt bản chất, đây là loại hình kinh doanh vận tải taxi nhưng GrabTaxi cố tình vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường vận tải taxi. Bằng chứng là đến hết quý II/2017, hơn 8.000 người lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Vinasun dẫn chứng thêm: "Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi" do Công ty Nghiên cứu thị trường - Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỉ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017 là 52,52%. Thiệt hại này tương ứng số tiền là 39,9 tỉ đồng.
Dựa trên văn bản của Sở GTVT TP HCM, tính đến tháng 6-2017, số xe đăng ký chạy GrabTaxi là 12.913 xe thì tổng số thiệt hại GrabTaxi gây ra cho Vinasun đến hết quý II/2017 là 41,2 tỉ đồng. Vinasun cho rằng việc khởi kiện yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ đồng là có cơ sở vì có hành vi trái pháp luật của GrabTaxi; có thiệt hại của Vinasun; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của GrabTaxi với thiệt hại của Vinasun.
Nói một đằng, làm một nẻo (?!)
Theo Sở GTVT TP HCM, ngay từ khi xây dựng và thực hiện đề án thí điểm, GrabTaxi và Uber Việt Nam khẳng định chỉ là đơn vị kinh doanh phần mềm ứng dụng mà không tham gia kinh doanh vận tải. Qua đó, các đơn vị này chỉ cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thực tế, các đơn vị này đang tự quy định giá cước vận tải (giá cước giờ cao điểm, thấp điểm), tự điều động phương tiện và có thực hiện thu tiền hành khách. Sở GTVT TP HCM nhận định đây là các yếu tố chỉ quy định ở đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải do các đơn vị cung cấp phần mềm. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp phần mềm (Grab, Uber) không ngừng thực hiện việc khuyến mãi, giảm giá khi sử dụng dịch vụ vận tải.
Từ đó, Sở GTVT TP kiến nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (Grab, Uber…); đồng thời nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng 9 chỗ ngồi trở xuống ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh vận tải nhằm phù hợp với thực tế quản lý trong hoạt động vận tải hiện nay. Đồng thời, Sở GTVT TP đề nghị Bộ GTVT ban hành hướng dẫn sau khi kết thúc thí điểm "Quyết định 24" thì loại hình này sẽ hoạt động như thế nào?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.