Tôi vừa bước vào cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas (số 16, lô P, Nguyễn Hữu Hào, phường 6, quận 4-TPHCM), bức tranh 9 con cá chép tung tăng trong hồ sen đập ngay vào mắt mình bởi sự hài hòa, sống động. “Đây là bức cửu ngư. Nó dùng để làm quà tân gia, quà tặng đối tác làm ăn với ý nghĩa vạn sự như ý, kinh doanh thành đạt. Cá chép là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí, linh thiêng, cao quý; là biểu tượng của sự tăng tiến công danh, nguồn tài lộc dồi dào” - chị Huỳnh Huệ Liên, chủ cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas, giới thiệu .
Trái đắng ngày đầu
Khi nhỏ, được sống trong sự đùm bọc và hết mực yêu thương của cha mẹ, anh chị em nên chưa bao giờ chị Liên mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân. Nhưng từ lúc đi học, những ánh nhìn ái ngại, những câu chọc ghẹo “con què”, “què mà còn bày đặt đi học”…như gáo nước lạnh dội vào trái tim ấm áp của chị.
Chị Huỳnh Huệ Liên đang chăm chú thêu bức tranh bát tiên
Lần đầu tiên chị Liên thấy tủi hổ về sự khuyết tật của mình. “Hồi đó, người khuyết tật bị kỳ thị nhiều lắm. Bạn bè trong lớp nhiều người không muốn chơi chung với tôi. Nhiều lúc muốn bỏ học nhưng được gia đình động viên, tôi đã phấn chấn hơn và cố gắng học thật chăm chỉ” – chị Liên kể.
Không muốn làm gánh nặng cho gia đình, học xong lớp 9, chị Liên quyết định đi học nghề thêu để sau này có công ăn việc làm tự nuôi thân. Nhìn cảnh người thân bế mình lên từng bậc tam cấp để học thêu, chị Liên càng quyết tâm học thành nghề và nung nấu ước mơ thành công. Nhưng ước mơ đó sớm bị lung lay khi chị bắt đầu đi tìm việc.
Đi đến đâu chị cũng nhận được cái lắc đầu, cái phủi tay của người chủ với hàng trăm lý do từ chối mà chưa một lần thử tay nghề của chị. Không nản lòng, chị kiên trì gõ cửa nhiều doanh nghiệp, tiệm may lớn, nhỏ khác để tìm cơ hội. Trời không phụ lòng người. Cuối cùng chị cũng xin vào làm công cho tiệm may nhỏ gần nhà. “Ban đầu, thấy tôi đáng thương nên người chủ hàng xóm không nỡ từ chối, nhưng sau thấy tôi thêu khéo và đẹp nên họ rất hài lòng” – chị Liên chia sẻ.
Vượt qua khó khăn
Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến tìm chị để đặt hàng thêu thử, dắt mối. Lúc đó, nhận thấy nghề thêu tranh đang phát triển, chị Liên đi học thêm kỹ thuật thêu tranh. Công việc ngày một khấm khá hơn. Nhận thấy nhu cầu khách hàng ngày càng cao nên chị muốn mở rộng sản xuất. Thế là cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas ra đời vào năm 2005. Thay vì chọn nhân công lành lặn, chị Liên ưu tiên nhận người khuyết tật và đào tạo miễn phí đến khi tay nghề họ thành thạo.
Chị tâm sự: “Lúc mới thành lập, không có nhiều vốn nên tôi phải mượn thêm tiền của người quen để có tiền mua vải, chỉ để các em thực tập, thêu chào hàng. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm thương trường nên tôi thường bị người ta giật mối, cạnh tranh không lành mạnh nên thua lỗ. Nhiều em lung lạc, có em bỏ đi”.
Chưa hết, vừa mở cơ sở được vài tháng, đột nhiên thị trường chuyển từ thêu tay sang thêu máy làm chị xoay xở không kịp. Hơn nữa, chị không có nhiều vốn để cùng lúc trang bị nhiều máy móc nên cơ sở thêu của chị không thể nào cạnh tranh nổi. Quyết không từ bỏ, chị chạy khắp nơi để tìm mối, tiếp thị sản phẩm.
Nhưng có lẽ buồn nhất đối với chị là lần bị đồng nghiệp chơi xỏ. Lần đó, chủ một cửa hàng tranh thêu ở đường Bùi Viện cho chị Liên ký gửi sản phẩm và hứa sẽ bán giúp. Nhẹ dạ, cả tin, chị đã làm một lúc 20 bức tranh thêu đem đến ký gửi và vui mừng vì sản phẩm mình được tiếp thị. “Một thời gian sau, tôi đến lấy tiền thì chị chủ lạnh lùng bảo là không bán được bức nào. 20 bức tranh của tôi nằm chơ vơ trong góc xó.
Sau này mới biết, do những mẫu tranh thêu của tôi rất được khách ưa chuộng nên chị này đã cho thợ làm lại và bán sản phẩm của mình” – chị Liên nhớ lại. Vượt qua bao khó khăn, cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas đã trụ được 6 năm với nhiều thăng trầm, biến cố khác nhau nhưng điều làm chị Liên tâm đắc nhất là dạy nghề và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật, người nghèo khó.
Truyền nghề cho học sinh
Cứ hè đến là cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật Dorcas lại đón nhiều học sinh đến học nghề thêu. Chị Liên còn nhận hàng về để các em làm dưới sự chỉnh sửa của chị. “Có nhiều em kiếm được cả triệu đồng để vào năm học mới mua sách vở, quần áo” – chị Liên phấn khởi nói.
|