Xây gì trên “đất vàng” tại khu vực Nhà máy rượu Hà Nội và Dệt kim Đông Xuân?
Một phần diện tích Nhà máy rượu và Dệt kim Đông Xuân đã được “dọn dẹp” để xây trường học nhưng hiện nay cỏ mọc hoang hóa.
Năm 2013, trong cuộc họp với các sở, ngành liên quan và UBND quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở tài chính, UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục thực hiện chủ trương của TP, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học tại Nhà máy rượu Hà Nội (94 Lò Đúc) và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm) để giải quyết yêu cầu cấp bách về học tập của học sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Theo công văn số 220/TB-UBND ngày 31/7/2013 của UBND TP Hà Nội, chủ trương xây dựng trường học tại khu vực Nhà máy rượu Hà Nội và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân đã được UBND TP, các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan thống nhất chỉ đạo, thực hiện từ nhiều năm trước nhưng do sự điều chỉnh quy hoạch, theo quy định của Trung ương về xây dựng, quy hoạch nội đô... cũng như sự vào cuộc chưa tích cực, thường xuyên của UBND quận Hai Bà Trưng, nên kết quả thực hiện xây dựng trường học còn chậm so với nhu cầu học tập của học sinh.
Sau khi nghe Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo về quy hoạch và thu hồi một phần diện tích đất để xây trường học tại khu vực nói trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư 04 công trình: - Công trình xây dựng trường học (phục vụ việc tách cấp trường Trung học cơ sở và Tiểu học Lê Ngọc Hân); - Công trình xây dựng trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm; - Công trình làm sân, vườn trường Mẫu giáo Chim non; - Công trình đường Thi Sách kéo dài. Khu vực thực hiện các dự án này nằm trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ và phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng thủ tục thu hồi đất để thực hiện các dự án; Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng về thực hiện quy hoạch liên quan phù hợp với các quy định hiện hành để xây dựng trường và các công trình liên quan; Sở Tài chính nghiên cứu toàn bộ cơ chế tài chính, hướng dẫn các doanh nghiệp và UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và UBND quận thực hiện đầu tư dự án.
Từ năm 2013, các đơn vị đã nhanh chóng thực hiện thủ tục thu hồi đất để thực hiện các dự án. Theo thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng, quận đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng được quận giao nhiệm vụ Chủ đầu tư. Hiện nay, quận tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định đầu tư xây dựng và chờ UBND TP cấp kinh phí để triển khai xây dựng. Tất cả các thông tin về kinh phí đầu tư, quy mô các dự án, Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng là đơn vị nắm rõ nhất.
Cán bộ và nhân dân trong khu vực mong muốn các dự án trường học sớm được triển khai.
Phường Phạm Đình Hổ có diện tích 30,05ha, dân số gần 9.000 người. Cả phường có 3 trường học ở các cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân sử dụng chung cơ sở vật chất. Việc đầu tư xây dựng để tách cấp Tiểu học và Trung học cơ sở cho trường Lê Ngọc Hân là vô cùng quan trọng. Theo chủ trương đầu tư của TP Hà Nội, diện tích mở rộng trường Mẫu giáo Chim non khoảng 445m2, diện tích xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân khoảng 3.335m2 trên một phần diện tích trụ sở Nhà máy rượu Hà Nội. Cán bộ và nhân dân trong phường rất mong chờ các dự án được triển khai, sớm đưa vào khai thác sử dụng, giảm áp lực cho các trường học.
Quận Hai Bà Trưng là một trong các quận có địa bàn rộng lớn của TP Hà Nội. Toàn quận có 22 phường, dân số lên tới hơn 3 triệu người, số người trong độ tuổi đi học rất lớn nhưng toàn quận hiện nay chỉ có 03 trường Trung học phổ thông công lập và 13 trường Trung học cơ sở và 19 trường tiểu học công lập. Nhu cầu học tập tại các trường công lập rất lớn nên việc triển khai xây dựng các trường học trên địa bàn quận là rất cấp thiết. Diện tích thu hồi của Nhà máy rượu Hà Nội và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân là rất lớn, bên cạnh việc được đầu tư xây dựng trường mầm non, trường tiểu học theo chủ trương của Thành phố, cán bộ và nhân dân trong quận rất mong muốn được xây dựng thêm trường Trung học phổ thông công lập để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh, tránh việc các doanh nghiệp tranh thủ “thôn tính” khu vực “đất vàng” này xây dựng chung cư hoặc tổ hợp thương mại, văn phòng.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội để tìm hiểu thông tin về quy hoạch tại khu đất này, đồng thời, liên hệ với Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu chi tiết tiến độ triển khai các dự án đã được Thành phố chấp thuận. Những thông tin cụ thể sẽ được Báo điện tử Xây dựng cập nhật trong các bài viết sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.