Xe ôm đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật
Anh Triyono (40 tuổi), sống tại thành phố Yogyakarta, Indonesia bị bại liệt từ nhỏ. Hiểu rõ những hạn chế, khó khăn của người khuyết tật khi tham gia giao thông, người đàn ông này đã thành lập hãng xe Difa Bike, một dịch vụ xe ôm phục vụ người khuyết tật tại thành phố quê hương Yogyakarta của anh vào năm 2014.
Triyono chia sẻ: “Tôi tự thấy rằng cần phải có một phương tiện di chuyển phục vụ cho những người bạn sử dụng xe lăn của tôi để họ có thể tự do di chuyển, có thể là từ nhà đến trường, đến bệnh viện hoặc bất cứ nơi nào họ muốn mà không cần phải lên xuống xe lăn. Việc lên và xuống xe lăn cực kỳ mất nhiều năng lượng với những người khuyết tật.”
Difa Bike có 26 tài xế, tất cả tài xế đều là người khuyết tật. Công ty có từ 3.000 đến 4.000 khách hàng mỗi năm. Difa Bike vận hành hai loại xe mô tô, trong đó một loại là xe 3 bánh sidecar phẳng với đường dốc có thể gập lại được thiết kế dành riêng cho những người sử dụng xe lăn để họ không phải lên và xuống các thiết bị hỗ trợ di chuyển của mình.
Ông chủ khuyết tật điều hành hãng xe (Ảnh: CNA)
Loại còn lại là chiếc xe 3 bánh sidecar với ghế ngồi và cửa rộng được thiết kế để người chống nạng và người mù có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo Triyono, Difa Bike ra đời và thực sự cứu cánh cho khoảng 25.000 người khuyết tật sống ở tỉnh Yogyakarta. Cước phí cố định là 2.500 rupiah (khoảng 4.000 đồng) mỗi km trong khi dịch vụ gọi xe dựa trên ứng dụng tính phí từ 3.500 đến 6.000 rupiah (khoảng 5.500 – 9.500 đồng) tùy thuộc vào địa điểm và thời gian trong ngày.
Những chiếc xe ôm dành cho người khuyết tật của hãng Difa Bike (Ảnh: CNA)
Theo anh Triyono, tài xế Difa Bike có thể kiếm được một mức lương khá: “Trước đại dịch, một người lái xe có thể chở 3-5 khách hàng và kiếm được hơn 100.000 rupiah (khoảng 160.000 đồng) mỗi ngày. Giờ đây, họ kiếm được khoảng 70.000 rupiah (khoảng 112.000 đồng) mỗi ngày”.
Theo Bộ Y tế Indonesia, cả nước có 3 triệu người khuyết tật về thể chất và 3,4 triệu người khiếm thị. Những người này thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn trong việc di chuyển vì xe buýt không được thiết kế để phù hợp với họ trong khi vỉa hè thường không thể sử dụng do xuống cấp hoặc bị phương tiện cá nhân lấn chiếm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.