Xúc động trước hàng trăm bức ảnh liệt sĩ được phục dựng miễn phí
Là người khởi xướng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991, quê Nghệ An), hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh mong muốn, các bức ảnh sẽ được hoàn thiện sắc nét nhất, nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Công việc chính của Thắng là thiết kế nội thất. Tranh thủ thời gian rảnh, anh chỉnh sửa ảnh miễn phí cho mọi người qua mạng xã hội, thường ghép ảnh cho thân nhân người đã khuất qua các bức ảnh đoàn viên và phục dựng những tấm ảnh cũ kỹ.
Anh được nhiều người biết rộng rãi hơn là khi nhận lời phục dựng ảnh một liệt sĩ hy sinh năm 1972. Bức ảnh nhận được lượng tương tác cao trên mạng xã hội, tạo nhiều cảm xúc mạng cho gia đình người đã khuất. Từ đây, anh cũng nhận được nhiều lời nhờ dựng lại ảnh liệt sĩ, nhóm “Team Lee” gồm 6 thành viên trẻ cũng bắt đầu thành lập.
Lê Quyết Thắng (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng nhóm của mình trao tận tay bức ảnh đã phục chế cho thân nhân liệt sĩ.
“Nhìn lại những chiến công vẻ vang và sự hy sinh cao cả của những người đã xa mãi, dành lại độc lập cho dân tộc khiến tôi rất biết ơn. Tôi cũng đau lòng khi nhiều gia đình chỉ còn lại những bức ảnh hoen mờ, không nhìn rõ mặt của chiến sĩ năm đó. Điều này thôi thúc tôi nhận lời phục dựng ảnh miễn phí cho mọi người”. - anh Thắng chia sẻ.
Anh Thắng cho biết, lúc đầu anh kêu gọi phục dựng, in đóng khung 75 bức ảnh tặng thân nhân, gia đình liệt sĩ từ ngày 20/6 đến 25/7, nhưng đến nay số lượng ảnh phục dựng thành công đã gấp đôi (130 bức ảnh) và con số vẫn chưa dừng lại.
Mặc dù mỗi người trong nhóm còn có công việc chính nhưng hàng ngày, nhóm vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện việc phục dựng ảnh. Ai nấy đều trân trọng và tự hào về công việc này.
Các bức ảnh sau khi được nhóm phục dựng
Hầu hết bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Có nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân nên để phục chế lại mất nhiều thời gian, phải cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết.
“Trung bình việc phục dựng mỗi bức ảnh mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành, nhưng có những bức ảnh khó, mất 3 ngày mới xong. Khó nhất của phục dựng đó chính là đôi mắt. Phải làm sao để bức ảnh có hồn nhất, có thần thái nhất. Mỗi bức ảnh là công sức của của cả nhóm, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, góp ý, chỉnh sửa”, Thắng cho hay.
Nhiều bức ảnh cũ nhù, phải mất nhiều thời gian và công sức phục dựng lại
Gia đình chị Hoàng Thanh (Hà Nội) có bố tham gia kháng chiến và hy sinh. Nhiều lần đem ảnh đến tiệm để làm ảnh thờ nhưng do tấm ảnh chụp từ năm 1959, hình in trên giấy lụa phóng to ra, có nét kẻ ca rô trên gương mặt nên thợ ảnh không phục chế được. May mắn Team Lee đã phục hồi lại rất đẹp và trang trọng.
“Bức ảnh sống động như ba mình hiện về vậy. Đây là món quà vô giá cho ngày giỗ chung 27/7 và các gia đình liệt sĩ cùng cảnh ngộ. Gia đình xin cảm ơn các bạn rất nhiều ”, chị Thanh bày tỏ.
Hiện nay số lượng tin nhắn nhờ phục chế ảnh liệt sĩ mà nhóm nhận được mỗi ngày rất nhiều, do nhân lực có hạn nên vẫn chưa thể đáp ứng được hết. Vì thế, anh hi vọng những người làm nghề ảnh trên cả nước cùng bắt tay vào tham gia, chia sẻ với nhóm, một công việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.