Ai đã và đang làm mất uy tín trường Đại học Điện lực..?
Bài 1: TỪ “OANH” ĐẾN “LIỆT”
Những dấu mốc quan trọng của trường Đại học Điện lực
Tiền thân của trường Đại học Điện lực (ĐHĐL) là Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội do người Pháp thành lập năm 1898. Sau năm 1954, Trường Kỹ nghệ thực hành được tách thành trường Kỹ thuật I và trường Kỹ thuật II.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng ba cho trường ĐHĐL nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường |
Tháng 8/1962 Trường Kỹ thuật I được đổi tên thành Trường Trung cao Cơ Điện. Ngày 8/2/1966 Trường Trung cao Cơ điện được tách ra thành Trường Trung học Điện (sau đó đổi tên là Trung học Điện I) và Trường Trung học Cơ khí (nay là trường Đại học Công nghiệp Hà Nội).
Tháng 4 năm 2000, thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới các trường thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ Công nghiệp quyết định hợp nhất Trường Bồi dưỡng tại chức với Trường Trung học Điện I và lấy tên là Trường Trung học Điện I trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngày 26/10/2001 Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nâng cấp Trường Trung học Điện I thành Trường Cao đẳng Điện lực.
Ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 111/2006/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHĐL trên cơ sở trường Cao đẳng Điện lực. Trường ĐHĐL là cơ sở đào tạo đại học, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Bộ Công nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội. Trường ĐHĐL hoạt động theo Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật. Hiệu trưởng đầu tiên của trường ĐHĐL là PGS.TS Đàm Xuân Hiệp; Phó Hiệu trưởng quản lý công tác đào tạo là TS. Trương Huy Hoàng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3 do Nhà nước trao tặng (ngày 17/11/2011), PGS.TS Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng ĐHĐL cho biết: “Trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chuyên ngành điện có uy tín trên cả nước. Đến nay, trường đã đào tạo được trên 21.000 cán bộ trung học chuyên nghiệp với nhiều chuyên ngành như hệ thống điện, nhiệt điện, thủy điện và kinh tế…
Hiện nay, nhà trường có 20.000 sinh viên đang theo học các chương trình dài hạn của trường và hàng chục ngàn lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật mới cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong ngành điện…
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế đào tạo đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều chương trình hợp tác có uy tín với các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Grenoble (Pháp), Đại học Southampton (Anh), Đại học Palermo (Italy), Đại học Quảng Tây (Trung Quốc)…”.
Từ năm 1958 đến 2011, ĐHĐL đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011); 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006); 2 Huân chương Lao động hạng Nhì (vào năm 1958 và 2001); 1 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1976).
Đây được coi là thời kỳ vàng son của các thế hệ trường ĐHĐL.
Quyết định số 372/QĐ-EVN ngày 06/5/2015 của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam V/v giao nhiệm vụ phụ trách quản lý, điều hành Trường ĐHĐL cho ông Trương Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường |
Sai phạm… nối tiếp sai phạm
Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu - chi học phí (thời điểm 2011 - 2015) tại Trường ĐHĐL. Xin điểm qua 2 sai phạm lớn mà Kết luận thanh tra đã phân tích:
Thứ nhất, báo cáo thiếu trung thực với Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). Cụ thể, Trường ĐHĐL đã vi phạm quy định về đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi báo cáo không trung thực với Bộ GD&ĐT về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, trường đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao.
Trong các năm từ 2011 – 2013, trường đã vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT quy định khi tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố. Năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Bộ GD&ĐT.
Việc ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo và sau đó lại ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển Công nghệ Năng lượng và Môi trường quản lý các lớp học, theo dõi thực hiện hợp đồng, trong khi Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý, Chủ tài khoản của Trung tâm là sai quy định.
Thứ hai, buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo. Cụ thể:
+ Về công tác quản lý phôi bằng và cấp bằng tốt nghiệp, trường đã đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn dẫn đến không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm tiến hành thanh tra còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015.
+ Tổ chức đào tạo trong khi không đủ hồ sơ nhập học (của các lớp đào tạo liên thông năm 2011, 2012 do các đơn vị liên kết, đào tạo quản lý), hồ sơ tuyển sinh còn thiếu, chưa đảm bảo theo quy định.
+ Trường không cung cấp được tài liệu chứng minh đã thực hiện việc đối chiếu bằng, chứng chỉ gốc của học viên với hồ sơ nhập học của các lớp đào tạo liên kết…
Việc cấp bằng chậm tới 3 năm cho hơn 34 ngàn sinh viên đã học, đã đóng đủ tiền và thi đỗ tốt nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội trong vấn đề việc làm, thu nhập của số sinh viên trên cùng gia đình của họ.
Liên quan tới những sai phạm tại Trường ĐHĐL, theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm ngày 29/12/2016, Trường ĐHĐL đã thu được hơn 31 tỷ đồng và kiểm tra, rà soát các khoản thu, chi tài chính của một số lớp liên kết đào tạo...
Theo phản ánh của giáo viên và gia đình có con em theo học liên thông tại trường thì số tiền 31 tỷ mà trường ĐHĐL thu lại được trong vụ sai phạm này không thấm tháp vào đâu so với số tiền mà ông Đàm Văn Khanh - nguyên trưởng khoa Quan trị kinh doanh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Năng lượng và Môi trường thuộc Hội Điện lực Việt Nam được hưởng lợi.
Thử làm một phép tính đơn giản thì sẽ rõ: Với 34.270 sinh viên tuyển vượt chỉ tiêu, trung bình mỗi sinh viên phải đóng góp xấp xỉ 20 triệu đồng cho tất cả các khoản phí và lệ phí phát sinh trong quá trình học tập, thì nhà trường cũng thu được một khoản kinh phí là 685,4 tỷ đồng. Đấy là chưa kể Trung tâm do ông Đàm Văn Khánh (em trai cố Hiệu trưởng Đàm Xuân Hiệp) làm lãnh đạo thu vô tội vạ của sinh viên.
Phải chăng do việc thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm do lãnh đạo nhà trường ĐHĐL vi phạm trong giai đoạn 2012 đến 2015 quá nhẹ nên Lãnh đạo trường này vẫn “ngựa theo đường cũ”.
Mấy tháng nay, liên tiếp đơn thư tố cáo của nhóm cán bộ, giáo viên đang làm việc tại ĐHĐL được gửi tới một số cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông.
Trong đơn thư tố cáo có 2 vấn đề nổi lên cần được làm rõ, đó là:
1)Hiện tượng đánh dấu bài thi. Cụ thể, có hàng trăm bài thi kết thúc học phần học kỳ I, năm học 2018 - 2019 của sinh viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa đều chứa các ký hiệu lạ. Sau đó, những bài thi này đều đồng loạt được nâng điểm một cách khó hiểu.
Theo đơn tố cáo, có ít nhất 13 túi bài thi bị phát hiện tình trạng sinh viên cố tình dùng các cách thức khác nhau để đánh dấu, viết lên các ký hiệu lạ như sử dụng đồng thời một số cụm từ in hoa, phía dưới chữ "BÀI LÀM" bao gồm: "BÀI THI MÔN: DTCS", "C1", C2", "LTĐKTĐ2-3TC"... Hoặc thậm chí là chép lại toàn bộ nội dung đề thi vào mặt đầu tiên của trang giấy để nhận dạng - một hành động hiếm khi xảy ra với cách thi cử theo kiểu phát cho mỗi người một đề hiện nay.
Những túi bài này thuộc các môn: Truyền động điện, Điện tử công nghiệp, Điện tử công suất, Lý thuyết và điều khiển tự động,...
Theo tố cáo, có ít nhất 3 giảng viên thuộc khoa Điều khiển và Tự động hóa đã tham gia vào đường dây tiêu cực. Những người này đã cố tình hướng dẫn sinh viên cách thức viết ký hiệu vào bài thi rồi sau đó từ những đặc điểm nhận dạng dị thường, đã can thiệp thô bạo vào quá trình chấm thi hòng nâng điểm khống cho sinh viên.
Chỉ tính riêng trong 1 túi bài thi của môn Lý thuyết điều khiển tự động 2, đã ghi nhận tới 34 trường hợp được nâng ít nhất từ 0,5 tới 5 điểm. Như trường hợp số phách 601149 được nâng từ 3 điểm lên 7 điểm, số phách 601154 được nâng từ 1 điểm lên 6 điểm,...
Hai trong số rất nhiều bài thi có dấu hiệu lạ, nghi được nâng điểm |
2) Tố cáo ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng ĐHĐL đã cấp khống bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên ra trường vào tháng 3/2019. Theo tài liệu cung cấp, những sinh viên này thiếu một loạt các điều kiện như: không có quyết định đào tạo, điểm thi dưới điểm trúng tuyển hay thậm chí không có cả điểm thi đầu vào nhưng vẫn được theo học và ra trường “trót lọt”.
Kèm theo đơn tố cáo, những cán bộ đứng đơn còn cung cấp bản danh sách 184 sinh viên thiếu điều kiện nhưng vẫn được tốt nghiệp tại ĐHĐL, bao gồm: 84 sinh viên điểm thi đầu vào dưới điểm trúng tuyển, 24 sinh viên thiếu hồ sơ, 10 sinh viên trúng tuyển theo nhu cầu xã hội và 66 sinh viên không tìm thấy quyết định trúng tuyển.
Đáng chú ý, theo bản danh sách này, có những sinh viên dưới điểm trúng tuyển đã được nâng khống cả chục điểm để có thể đỗ vào trường ĐHĐL. Một vài trường hợp như: Sinh viên L.T.B (SN 1994) được nâng từ 8,5 điểm lên 20 điểm đỗ chuyên ngành Hệ thống điện; Sinh viên N.T.T (SN 1996) được nâng từ 12 điểm lên 18 điểm đỗ chuyên ngành Thương mại điện tử; Sinh viên T.N.A (SN 1995) được nâng từ 11,5 điểm lên 19 điểm đỗ chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp...
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của nhóm cán bộ, giảng viên đang làm việc tại trường ĐHĐL và phản ánh của báo chí về dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh và đào tạo tại Trường ĐHĐL trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập Đoàn Thanh tra, thanh tra những dấu hiệu sai phạm ở trường ĐHĐL.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, nội dung thanh tra chủ yếu vào công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp bằng khóa tuyển sinh 2013 và khóa tuyển sinh 2014. Chiều ngày 12/7, Thanh tra Bộ công bố quyết định và tiến hành ngay công tác thanh tra, thời hạn thanh tra là 30 ngày.
*Bài viết có sử dụng tài liệu đăng trên LĐO và TPO
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.