Anh thương binh tỉ lệ thương tật 81% quyết tâm vượt khó
Vượt qua đau thương
Năm 1983, anh Lê Văn Tám (SN 1967) tham gia quân đội, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia... Là lính trinh sát thuộc lữ đoàn trinh sát Mặt trận 779, Quân khu 7, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vào một ngày giữa tháng 2/1986, trong khi làm nhiệm vụ, anh Tám không may bị thương ở tay phải.
Vết thương nghiêm trọng và dần hoại tử nên các bác sĩ đã phải cắt bỏ một phần cánh tay bị thương của anh. Mất đi một phần thân thể, anh Tám xuất ngũ trở về quê nhà ở xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) sinh sống.
Dù bom đạn lấy đi một cánh tay nhưng bằng nghị lực của mình, anh Tám có thể làm được tất cả những công việc như người bình thường. (Ảnh: Thanh Lâm).
Những ngày đầu trở về quê hương, anh Tám có phần hụt hẫng, mặc cảm khi thân thể không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, với tố chất là người lính cụ Hồ năm xưa, anh Tám quyết không đầu hàng với số phận, tập thích nghi với cuộc sống khó khăn hiện tại.
Ngoài việc miệt mài tập luyện cầm, nắm và di chuyển các vật dụng sinh hoạt bằng tay trái và một phần tay phải còn lại, anh Tám luôn chú tâm tham gia học nghề tại các lớp hướng nghiệp, do sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Với những cống hiến xương máu của mình, năm 1996, ông Tám vinh dự nhận được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến công Hạng ba. (Ảnh: Thanh Lâm).
Nhờ đó, anh Tám có được nghề sửa điện, nước và đến nay, anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề này. Tiếng lành đồn xa, khách hàng của anh hiện không chỉ là người dân trong vùng mà còn lan tỏa ra nhiều xã lân cận.
“Ban đầu, người dân còn nghi ngờ về tay nghề của mình khi thân thể khiếm khuyết, họ ngần ngại thuê sửa chữa điện, nước. Tuy nhiên, sau đó tôi đã chứng minh tay nghề của mình nên họ tin tưởng.
Hiện tại, hễ ai ở địa phương bị hỏng điện, nước thì họ đều gọi điện thoại “đặt hàng”’ cho tôi đến kiểm tra, sửa chữa. Do lịch hẹn dày đặc nên mấy hôm nay tôi đành khất lại vì một mình không làm xuể”, anh Tám cười hiền.
Thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
Theo anh Tám, việc sửa chữa điện, nước cũng luôn cần đặt cái tâm trên hết. Khi đã kiểm tra các thiết bị, dây dẫn diện hay đường ống nước bị hỏng thì mới báo giá cụ thể.
Khi khách hàng thống nhất, anh Tám sẽ triển khai ngay công việc và luôn hoàn thành đúng tiến độ. Nhờ vậy, khách hàng luôn hài lòng nên có khi họ cho tiền “bo” còn nhiều hơn tiền công mà anh nhận sửa chữa.
Anh Tám bên 22 chiếc ống trúm gắn liền với mình suốt hàng chục năm liền. (Ảnh: Thanh Lâm).
Ngoài việc sửa chữa điện, nước thì nghề đặt trúm bắt lươn đồng được xem là công việc cho anh Tám thu nhập ổn định nhất từ suốt hơn 20 năm qua. Với nghề đặt trúm, mỗi ngày, anh Tám bắt được từ 3 đến 4 kg lươn đồng. Với giá dao động khoảng 300 nghìn đồng/kg, anh Tám tự tin bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng/ngày.
“Nghề đặt trúm bắt lươn đồng vừa nhàn, không tốn nhiều thời gian nhưng lại cho thu nhập cao. Tuy nhiên, nghề đặt trúm bắt lươn đồng không phải ai cũng làm được, bởi từ khâu làm trúm, tạo mồi, rồi tìm ao nước để đặt,… tất cả đều được xem là “bí kíp” riêng của mỗi người”, anh Tám chia sẻ kinh nghiệm.
Với nghề đặt trúm, mỗi ngày anh Tám bắt được khoảng 4 kg lươn đồng, bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng. (Ảnh: Thanh Lâm).
Cũng theo anh Tám, nhờ siêng năng lao động bằng những công việc vừa sức, suốt hàng chục năm qua, gia đình anh luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với thu nhập khá ổn định, anh Tám không chỉ lo được việc học hành đàng hoàng cho người con trai duy nhất nay đã trưởng thành, mà mới đây, số tiền tích lũy dành dụm, anh đã xây cất được căn nhà mới khang trang. Mỗi năm xuân về, gia đình anh Tám lại đón Tết ấm áp hơn.
Nhận xét về thương binh Lê Văn Tám, ông Phan Văn Vững - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp - cho biết, tại địa phương anh Tám luôn chấp hành đúng quy định pháp luật.
Hàng ngày, anh lao động bằng nghề sửa chữa điện, nước cho bà con trong vùng. Nghề đặt trúm bắt lươn đồng đã gắn liền với anh hàng chục năm liền. Nhờ vào những nghề này mà gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Tiền Giang vào năm 2020, Bộ trưởng bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đến thăm tặng quà ông Tâm, một người đầy nghị lực, vươn lên trong cuộc sống. (Ảnh: Thanh Lâm).
Gương tiêu biểu điển hình
Nhờ nỗ lực của bản thân, biết vươn lên trong cuộc sống, không đầu hàng số phận, thương binh Lê Văn Tám được xem là gương điển hình cho lớp trẻ phấn đấu. Anh Tám là một trong những gương tiêu biểu tại tỉnh Tiền Giang, vinh dự được Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đến thăm, tặng quà và động viên không ngừng vươn lên trong cuộc sống, nhằm góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.