Thăm hỏi TT Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt Sỹ 27/7
Tham gia trong đoàn thăm hỏi có ông Nguyễn Ngọc Quyết - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập; ông Phạm Tiến Thành - Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập; bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Dệt may và Du lịch Bình Anh.
Đoàn trao tặng những món quà tri ân mang nhiều tình cảm sâu sắc tới các thương, bệnh binh tại trung tâm.
Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ đoàn thăm hỏi, động viên các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh, không tiếc xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để đất nước độc lập, phát triển như hôm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập có đôi lời chia sẻ nhân dịp này.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập chia sẻ: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng với các cấp tỉnh Phú Thọ đã luôn chú trọng công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công; tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Điều dưỡng người có công làm tốt nhiệm vụ chăm sóc các thương, bệnh binh,… Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ tôi mong muốn các thương binh, bệnh binh luôn giữ vững niềm tin, vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật, sống vui, sống khỏe; tiếp tục phát huy vai trò, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, động viên con cháu nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, góp sức xây dựng gia đình hạnh phúc, chung sức vì sự phát triển của địa phương và đất nước.”
Những thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ tiền thân là Trung đoàn 231 quân khu Việt Bắc (Bộ Quốc Phòng) được bàn giao sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý từ tháng 3 năm 1976, với tên gọi Khu Điều dưỡng thương binh 5. Nhiệm vụ lúc đó tiếp nhận thương bệnh binh nặng từ các đoàn điều dưỡng trung phẫu, tiểu phẫu ở các mặt trận phía Nam chuyển ra với số lượng gần 400 thương bệnh binh nặng để chăm sóc, nuôi dưỡng, phân loại sau khi ổn định thương tật, chuyển về an dưỡng tại các địa phương và các Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cán bộ, nhân viên lúc đó chủ yếu là cán bộ chiến sỹ quân đội chuyển sang, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bố trí gần 200 cán bộ nhân viên. Cơ sở vật chất được nhận lại của Trường cán bộ học sinh miền Nam tập kết, đóng tại xã Hà Thạch chủ yếu là nhà cấp 4 cũ nát. Đến năm 1987, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định bàn giao khu điều dưỡng thương binh 5 cho Ty Thương binh Vĩnh Phú quản lý (Nay là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ).
Ngày nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ đang trực tiếp chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng 28 thương binh, bệnh binh nặng có tỉ lệ thương tật, mất sức lao động từ 81% trở lên, quê ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ. Hằng năm, Trung tâm còn điều dưỡng luân phiên cho hơn 2.000 người có công với cách mạng ở tỉnh.
Ông Vi Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm điều dưỡng người có công tại tỉnh Phú Thọ gửi lời cảm ơn đoàn.
Thay mặt cán bộ, viên chức người lao động và tập thể thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng người có công với tỉnh Phú Thọ, ông Vi Hồng Chuyên – Phó Chủ tịch Công đoàn gửi lời cảm ơn chân thành đối với sự quan tâm, ủng hộ quý báu của Tạp chí điện tử Hoà Nhập và doanh nghiệp đã dành cho các bác thương bệnh binh và đội ngũ cán bộ nhân viên của trung tâm. “Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, sẻ chia và ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp,… để Trung tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả là chăm sóc, điều trị, điều dưỡng người có công với Cách mạng.” – Ông Vi Hồng Chuyên chia sẻ.
Chuyến thăm hỏi đã kết thúc thành công tốt đẹp với những giây phút ấm cúng, vui vẻ, gắn kết giữa thế hệ cha ông “một thời khói lửa” và thế hệ tiếp bước được sinh ra và lớn lên trong hoà bình. Qua đây, ai trong mỗi chúng ta đều trân trọng những hy sinh và cảm nhận những đau thương mất mát của thế hệ đi trước. Chúng ta may mắn được sống trong thời bình nơi mà trẻ em được cắp sách đến trường, người lớn được thỏa sức lao động để phát triển kinh tế . Để có được những điều tốt đẹp đó là nhờ công chiến đấu quên mình bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta. Lịch sử dân tộc không phải để học thuộc mà để khắc sâu vào tiềm thức. Lịch sử không đơn thuần là những di tích, bút tích để nhắc nhở về nguồn cội mà lịch sử còn dạy con người biết ơn, biết trân trọng mọi giá trị ở trên đời.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.