Bác sĩ tâm lý - ngành ‘hot’ nhưng thiếu nơi đào tạo
2017-02-10 16:02:30
0 Bình luận
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bác sĩ tâm lý là một ngành đang “hot”, nhưng chưa có trường y nào ở nước ta đào tạo chuyên khoa này.
Bác sĩ tâm lý - ngành ‘hot’ nhưng thiếu nơi đào tạo |
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ở nước ta mới chỉ có chuyên khoa đào tạo bác sĩ tâm thần trong khi đó, các nhà tâm lý học hiện nay đều được đào tạo tại hệ thống giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT nên không được gọi là "Bác sĩ tâm lý". Còn khoa tâm lý tại các cơ sở y tế công lập và dân lập hiện nay cũng là do các đơn vị tự lập theo nhu cầu thực tế.
Ông Khoa cho biết thêm, nước ta hiện đang thiếu hẳn nhóm bác sĩ tâm lý, trong khi nhu cầu lại rất lớn. Chẳng hạn, nếu xảy ra thảm họa, tai nạn... rất cần bác sĩ tâm lý tư vấn cho bệnh nhân và người thân của họ hoặc khi nhận thông tin mắc ung thư hay các bệnh mãn tính nghiêm trọng, tinh thần người bệnh bị suy sụp, lúc ấy các bác sĩ tâm lý sẽ giúp bệnh nhân vững vàng đối mặt và “chiến đấu” với bệnh tật.
“Bác sĩ tâm lý sẽ rất cần với nhiều đối tượng khác nhau, phạm vi rộng, nhưng nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên ngành này. Đó là khoảng trống lớn”, ông Khoa chia sẻ.
Mới đây, tại buổi làm việc với khối các cơ sở dự phòng thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh hệ thống đào tạo ngành y cần phải có cử nhân tâm lý học vì nhu cầu hiện nay rất lớn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc ung thư, các bệnh mạn tính, HIV, tâm thần... rất cần có bác sĩ tâm lý song song với việc điều trị bệnh.
Bộ trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục trong ngành y nghiên cứu, đề xuất và tiến tới sớm mở ngành này.
Riêng với cử nhân công tác xã hội, cử nhân quản trị bệnh viện mà hiện nay Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y tế công cộng đang đào tạo thì phải khảo sát, xem xét lại nhu cầu thực tế có cần hay không.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn