Bài 3 : Khiếu kiện kéo dài và hướng ra…bế tắc, trách nhiệm thuộc về ai ?
Thay vì UBND huyện Vân Đồn phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh để có thể thu hồi Dự án chậm theo quy định của pháp luật thì họ lại “ráo riết” ra các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của dân cho Chủ đầu tư. Hành vi này dư luận cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhóm PV hoanhap.vn đã có 2 bài viết phản ánh về những nghi vấn tiêu cực trong Dự án này, nay, để tiếp tục rộng đường dư luận và thúc đẩy tiến độ Dự án, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc bài viết mới.
Để bạn đọc tiện theo dõi, phóng viên chúng tôi xin tóm lược ý chính 2 bài viết trước là: Dự án đầu tư Xây dựng - Kinh doanh hạ tầng Khu dân cư khu 7, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn hiện nay đã có 24/32 hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư. Đại diện cho 8 hộ còn lại, bà Bùi Thị Cống đã đứng tên khiếu kiện nhiều lần, không đồng thuận với mức giá bồi thường hỗ trợ và cho rằng UBND huyện Vân Đồn đã làm sai quy định pháp luật hiện hành. Phía UBND huyện Vân Đồn thì khẳng định chính quyền đã làm đúng pháp luật. Sự việc được đẩy lên đến Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh khi bà Cống gửi đơn tố cáo đến địa chỉ này. Vấn đề là, khi nhận đơn, cơ quan tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh đã hướng dẫn bà Cống trở về UBND huyện Vân Đồn để giải quyết. Bà Cống về gặp UBND huyện Vân Đồn thì được ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đơn của bà đã được chuyển lên tỉnh ! Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Tờ đơn nằm ở giữa đường à ?
Cho đến nay, phóng viên chúng tôi đã nhận được 3 văn bản của UBND huyện Vân Đồn: Số 283/UBND ngày 25/2/2019 do Chánh Văn phòng UBND huyện Đặng Thị Hà ký, Số 192/UBND-TD ngày 1/4/2019 do Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đỗ Mạnh Ninh ký và Số 573/UBND ngày 4/4/2019 do ông Châu Thành Hưng - Phó chủ tich UBND huyện Vân Đồn ký. Cả 3 văn bản trên đều có chung một quan điểm: Việc nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với những hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nằm trong Dự án là đúng với quy định hiện hành, Dự án không thuộc trường hợp phải thoả thuận với người dân như trong đơn của bà Bùi Thị Cống và các hộ dân ký tên trong đơn nêu. Phía bà Bùi thị Cống và các hộ dân cũng như ý kiến của luật sư và báo chí vẫn không đồng thuận, cho rằng: UBND huyện Vân Đồn đã “đánh tráo khái niệm” khi hiểu sai (hoặc cố tình hiểu sai) điểm a, khoản 2, điều 62 Luật đất đai 2013. Và thực tế, đó là Dự án giao cho tư nhân kinh doanh thương mại chứ không thuộc Dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 62, Luật đất đai năm 2013 (sửa đổi).
Vào ngày 26/2/2019, UBND huyện Vân Đồn ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ tài sản, thu hồi đất để giao cho Chủ đầu tư (Công ty TNHH đầu tư thương mại thuỷ sản Thống Nhất) thực hiện Dự án ! Bất bình với việc này, đã nhiều lần bà Cống gửi đơn thư khiếu nại và tố cáo lên các cấp có thẩm quyền nhưng được trả lời không rõ ràng, không nhất quán, đùn đẩy né tránh trách nhiệm. Quá bức xúc và vất vả và buồn tủi, ngay trong ngày giỗ chồng, (vì không có chỗ thắp hương cho chồng - do nhà đất đã bị cưỡng chế) cực chẳng đã, bà đã đem bàn và đồ cúng đến cổng UBND huyện Vân Đồn thắp hương khấn vái chồng. Cho rằng “phản cảm”, lực lượng chức năng của huyện đã cản bà nhưng cuối cùng cũng phải để cho bà… hoàn tất lễ giỗ chồng ?
Bà Bùi Thị Cống khấn vái ngày giỗ chồng tại cổng UBND huyện Vân Đồn |
Cũng cần nói thêm, gia đình bà Cống là gia đình cách mạng, em trai ruột của bà là liệt sỹ đánh Mỹ, anh trai ruột là thương binh, bản thân bà Cống trước đây định cư ở Trà Cổ, theo chủ trương di dân của Nhà nước, bà về định cư tại Cái Rồng từ năm 1979, chấp hành tốt các quy định của chính quyền địa phương. Khi phóng viên chúng tôi gặp trao đổi, bà Cống nêu quan điểm: Nếu dự án minh bạch, với mục đích phục vụ lợi ích công cộng thì bà sẵn sàng giao đất, thậm chí hiến đất cho việc chung. Bà cũng bức xúc tố cáo những sai trái của ông Châu Thành Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn trong quá trình chỉ đạo giải quyết vụ việc và ứng xử với bà và khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bà tố cáo sai. Bà cũng trình bày rõ là bà không đi đòi hỏi quyền lợi nữa mà là đề nghị UBND huyện Vân Đồn phải làm đúng pháp luật ! Đáng tiếc là đã 3 tháng nay, đơn tố cáo của bà không có cấp nào thụ lý xác minh ? Sau đó, chúng tôi trở lại làm việc với ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, ông Hưng cởi mở thông tin cho biết: Việc này, huyện đã chỉ đạo làm đúng các bước theo quy trình, nay, nếu bà Cống và các hộ dân vẫn không đồng thuận thì có quyền kiện ra toà, tất nhiên, huyện vẫn kiên trì tuyên truyền vận động đến cuối cùng. Chúng tôi cảm ơn sự hợp tác của ông Phó Chủ tịch huyện.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 4/2019 UBND huyện Vân Đồn giao cho UBND Thị trấn Cái Rồng cùng với Chủ đầu tư, có sự giám sát của công an huyện và thị trấn, tổ chức thực hiện hoàn tất con đường trong Dự án trên phần đất của bà Cống đã được cưỡng chế thu hồi, nhưng gia đình bà Cống cản trở. Sau khi “đối thoại tại chỗ” không thành, các đơn vị liên quan bỏ ra về và cho đến nay, đoạn đường vẫn còn dang dở, vụ việc vẫn chưa“ngã ngũ”. Nhiều người hiểu luật cho rằng, những hộ dân không chấp hành chủ trương chính sách đúng đắn và pháp luật của nhà nước sẽ bị cưỡng chế là tất nhiên, nhưng, nếu những cá nhân cán bộ có chức, quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhà cửa, tài sản bị huỷ hoại hoặc thu giữ trong cưỡng chế là sai luật thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự !
Tại huyện Vân Đồn hiện nay, còn có trường hợp khác là bà Đỗ Thị Thu Hằng trú tại khu 8, thị trấn Cái Rồng, gia đình bà Hằng có thửa đất tranh chấp với gia đình ông Bùi Thanh Huy (trú cùng nơi). Tuy nhiên, UBND huyện Vân Đồn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho gia đình ông Huy căn cứ trên một số hồ sơ được gia đình bà Hằng mang đi giám định và có kết quả là giả mạo! Bà Hằng gửi đơn tố cáo ông Đinh Văn Trường cán bộ địa chính thị trấn Cái Rồng - đơn vị lập và xác định nguồn gốc sử dụng đất với 2 hành vi là: Cố ý làm sai bản đồ địa chính và giả mạo chữ viết, chữ ký. Người thứ hai được bà Hằng tố cáo là bà Trần Thị Hải - nguyên Chủ tịch thị trấn Cái Rồng. Khi xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất bà Hải đã cố ý mạo danh (khi chưa có quyết định làm Chủ tịch bà Hải đã ký danh Chủ tịch?!). Phía UBND huyện Vân Đồn đã “nhanh chóng” căn cứ vào hồ sơ được cho là giả để cấp “sổ đỏ” cho ông Bùi Thanh Huy ? Tiếp đó, khi vụ án còn đang tranh chấp tại các cấp toà án, UBND huyện Vân Đồn tiếp tục ký chuyển nhượng “sổ đỏ” của ông Huy cho hai con là Bùi Trung Hiếu và Bùi Ngọc Hoàng, đồng thời cấp giấy phép xây dựng cho chủ đất mới. Các luật sư đều cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của UBND huyện Vân Đồn, có dấu hiệu tẩu tán tài sản !
Trường hợp nữa là các hộ gia đình bà Hoàng Thị Nhật (Minh), ông Hoàng Tiến Tô và bà Đoàn Thị Tuyết cư trú và làm nhà tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) từ năm 1979. Do sơ suất nên bị các đối tượng khác đến chiếm đất và xây nhà lên đất của họ. Tuy nhiên, không rõ việc xác minh nguồn gốc các thửa đất bị bỏ sót hay do động cơ cá nhân nào mà UBND huyện Vân Đồn lại cấp “sổ đỏ” cho các đối tượng chiếm đất chồng lên đất của họ ? Đây là trường hợp hy hữu, bất công, vì kẻ gian thì được chính quyền bảo vệ, người ngay thì đẩy ra ngoài vòng pháp luật !? Vậy mà 12 năm qua và cho đến tận bây giờ UBND huyện Vân Đồn vẫn không thực hiện việc trả lại đất cho họ ! Đáp lại nỗi thống khổ không thể chờ đợi hơn được nữa của các hộ dân trên, ông Châu Thành Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn trả lời “xanh rờn” trong một buổi tiếp dân: “Chờ hơn chục năm rồi, chờ thêm thời gian nữa có sao đâu !” (Sau đó, Báo xaydung.com.vn có đăng bài: “Vạ miệng từ… ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch” đề cập rõ việc phát ngôn “lỡ miệng” không nên có của vị Phó Chủ tịch UBND huyện này)
Rõ ràng là, những vấn đề khiếu kiện, tố cáo nổi cộm và kéo dài trên đây tại huyện Vân Đồn đã phản ánh năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo huyện và đặt ra câu hỏi: Vì sao việc khiếu kiện, tố cáo lại xuất hiện nhiều, kéo dài và hướng ra hiện nay vẫn là… bế tắc ? Câu trả lời này cũng cần phải tìm hiểu sâu hơn về động cơ từ phía những hộ dân, đương nhiên, có trách nhiệm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng chắc chắn, trước hết, trách nhiệm thuộc về Huyện uỷ, UBND huyện Vân Đồn - Nơi trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Dự án trên đây.
Phải chăng, nếu là sự hiểu sai Luật, áp dụng sai Luật (hoặc cố ý) của lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn và các cơ quan công quyền của huyện trong các trường hợp điển hình trên đây thì dư luận không thể không nghi vấn đến trình độ, trách nhiệm và đạo đức của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của địa phương này ? Và phía sau đó, sâu xa hơn, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Có hay không những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các Dự án nêu trên ? Và trên hết, dư luận đòi hỏi cần phải được làm sáng tỏ, đúng pháp luật từ cả 2 phía các hộ dân cùng chính quyền sở tại và rất nên sớm kết thúc !
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có nội dung mới./.
Con đường trong Dự án còn dang dở phía 8 hộ dân đang khiếu kiện bị nắn cong, không hiểu vì lý do gì? |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.