Bài 3: Thương binh thật - Thương binh giả và những hệ lụy
Thương binh thật…
Điều 19, Pháp luật Ưu đãi Người có công với Cách mạng năm 2005 quy định:
1. TB là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận TB” và “Huy hiệu TB” thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể;
c) Làm nghĩa vụ quốc tế;
d) Đấu tranh chống tội phạm;
đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
e) Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để được thụ hưởng chế độ TB, người bị thương phải có những hồ sơ theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/4/2013 (sau đây gọi tắt là NĐ 31). Theo quy định, Hồ sơ gồm có: 1) Giấy chứng nhận bị thương; 2) Biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa; 3) Quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật.
Trong 3 loại hồ sơ trên, thì giấy chứng nhận bị thương là điều kiện tiên quyết đối với một người bị thương được hưởng chế độ TB. Quyền được cấp giấy chứng nhận TB, theo khoản 3, Điều 31, NĐ số 31 thì có 3 cơ quan được quyền cấp, đó là: Các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Giám đốc Sở Lao LĐTB-XH. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định cấp Giấy chứng nhận TB và trợ cấp, phụ cấp thương tật. Còn Giám đốc Sở LĐTB-XH ra quyết định cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như TB và trợ cấp, phụ cấp thương tật.
Quy định là thế, nhưng hành trình để được công nhận là TB và được hưởng đủ chế độ ưu đãi của TB cũng không hề đơn giản chút nào..! Không ít những cựu quân nhân tham gia chiến đấu, trên mình vẫn còn hằn những vết thương thực thể, hay những mảnh kim khí vẫn còn lẩn khuất trong cơ thể, song những hồ sơ xin giám định thương tật của họ cả chục năm vẫn không ra khỏi lũy tre làng. Thật là xót xa.
…Thương binh giả
Có thể điểm ra đây một số trường hợp TB giả phổ biến, đó là: Người có nhập ngũ, có tham gia chiến đấu nhưng không bị thương, hoặc bị thương nhẹ, lợi dụng những vết vẹo do sinh hoạt và lao động gây ra, rồi thuê (hoặc nhờ) người xác nhận để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận TB; Người có nhập ngũ, không tham gia chiến đấu, song lợi dụng trên người có những vết thương thực thể (những vết sẹo do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt) rồi thuê “cò” hợp thức hóa bộ hồ sơ giấy tờ để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận TB. Táo tợn hơn, có những người không một ngày đi chiến đấu tại chiến trường, lợi dụng trên người có những dị tật bẩm sinh đã thuê “cò” làm thủ tục từ A... đến Z để rồi cũng trở thành TB với đầy đủ các chế độ ưu đãi. Điển hình cho trường hợp này là ông Nguyễn Văn Thiêm ở xóm 2, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị dị tật bẩm sinh ở môi và một số vết sẹo khác. Năm 2003, nghe một số đối tượng “cò” làm chế độ TB giả với hy vọng có thêm một khoản tiền chi tiêu hàng tháng nên đã bán đất kiếm 7 triệu đồng để chạy và được xếp loại TB Hạng 3 với thương tật 45%.
Nhiều TB “giả” đã làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc đình chỉ trợ cấp thương tật và các chế độ ưu đãi. |
Sở dĩ các vụ làm giả hồ sơ TB trót lọt là do có sự tiếp tay, cấu kết của một số cán bộ thoái hoá biến chất ngành LĐTB-XH, Hội đồng giám định y khoa với đội ngũ cò để trục lợi bất chính. Bọn cò mồi đã đến gặp từng đối tượng vận động làm hồ sơ, thông qua cán bộ trong ngành TBXH để hợp pháp hoá hồ sơ và chi tiền cho những kẻ biến chất trong hội đồng giám định y khoa để được xếp hạng.
Chính những hành vi đó đã gây bức xúc trong xã hội, nhất là đối với các cựu chiến binh (CCB) người cùng quê với những TB giả. Qua phản ánh của CCB, nhiều đường dây làm giả đã bị bóc dỡ. Như năm 2006, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Tĩnh đã đề nghị khởi tố 17 bị can, bắt tạm giam 10 bị can chủ yếu là cán bộ xã, hội đồng giám định y khoa, Phòng chính sách TBLS Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh. Qua điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện hơn 100 TB giả, loại ra gần 5.000 đối tượng làm hồ sơ để hưởng chế độ…
Hay như năm 2015, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố điều tra ông Đặng Hồng Tư (63 tuổi, ngụ khối Tân Thành 2, phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) về tội “Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Khám nhà ông Tư, Công an Nghệ An đã thu giữ trên 70kg tài liệu với 60 loại tài liệu khác nhau. Các loại tài liệu này đều có dấu đỏ và các chữ ký của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Thời điểm bị bắt giữ, ông Tư là TB hạng 1/4.
Ngoài lực lượng công an, các cơ quan thanh tra ngành LĐTB-XH từ địa tỉnh đến Bộ cũng đều vào cuộc và phát hiện ra nhiều trường hợp làm các giấy tờ giả để được hưởng chế độ TB. Ví dụ, tháng 9/2014 Thanh tra Bộ LĐTB-XH kiểm tra ngẫu nhiên 1.500 hồ sơ TB ở ba huyện Đô Lương, Hưng Nguyên và TP Vinh (Nghệ An) phát hiện 195 hồ sơ bị làm giả, khai man và 51 hồ sơ có dấu hiệu làm giả để hưởng chế độ ưu đãi TB. Sau đó, Sở LĐTB-XH Nghệ An đã ra quyết định đình chỉ hưởng trợ cấp đối với 195 trường hợp bị phát hiện làm giả, khai man hồ sơ TB; đồng thời yêu cầu các phòng LĐTB-XH thu hồi số tiền đã chi trả.
Theo thống kê, trong vòng 5 năm (từ năm 2012 đến hết năm 2016), Thanh tra Bộ LĐTB-XH đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ TB tại 5 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7). Qua kiểm tra hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12 nghìn hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng…
Tiếp đến, phải kể tới chuyện 2 lão nông Nguyễn Tiến Lãng (thôn Bùi Xá, Ngũ Thái) và Nguyễn Công Uẩn (phố Tam Á, Gia Đông) cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai ông lão cùng ở tuổi 80 đã giúp cơ quan chức năng phát hiện 2.745 hồ sơ giả mạo, khai man để hưởng chế độ người có công và khiến 29 đối tượng phải trả giá trước vành móng ngựa…
Những hệ lụy
Kiên quyết không để xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ, xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi cá nhân - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày TBLS (27/7/1947 và 27/7/2017) và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại địa phương, diễn ra ngày 17/2.
Lời phát biểu đó được các CCB và gia đình NCC rất hưởng ứng và đồng tình ủng hộ. Song, việc thực thi chính sách TBLS của một số cán bộ ngành LĐTB-XH từ địa phương tới Bộ thì cần phải xem xét lại, từ cách làm đến thái độ phục vụ. Chính sự vô cảm, làm việc một cách máy móc, quan liêu đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho TB, gia đình và đồng đội của họ. Không phải nhìn đâu xa, chỉ nhìn cảnh những TB thật bị thu hồi thẻ vừa qua cũng thấy hết cảnh bi thương đó.
Trong bài viết này, tôi không thể liệt kê hết những TB thật bị thu hồi thẻ và chế độ trợ cấp hàng tháng của họ do Thanh tra của Bộ LĐTB-XH gây ra, kèm theo nỗi tủi hổ bị quy kết là TB giả, đến hành trình đi lấy lại công lý cho mình…của gia đình và đồng đội, mà xin trích đăng những lời nhận định, phát biểu của những người trong cuộc về vấn đề này đã được báo chí đăng tải để bạn đọc rõ.
Thiếu tá Lương Hoàng Tùng, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết, việc xác lập hồ sơ là theo Thông tư liên tịch số 16, trong đó ngành LĐTB-XH là đơn vị cuối cùng tiếp nhận và ra quyết định chi trả. Hồ sơ do ngành Quân đội và Công an xác lập, được triển khai theo quy trình hết sức chặt chẽ và kỹ lưỡng, nên không thể có hồ sơ giả TB. Thực tế, qua đối chất 195 trường hợp này cho thấy, con người là có thật và họ khẳng định đã trực tiếp chiến đấu và bị thương tại chiến trường. Kết luận của Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH, theo Thiếu tá Tùng là “hơi vội vàng, dùng câu chữ hơi nặng nề, làm ảnh hưởng đến danh dự của các cựu quân nhân”.
Trung tá Lê Anh Tuấn - Chính trị viên Ban CHQS thành phố Vinh tâm sự: Những người đến Ban CHQS kêu oan hôm nay (Buổi sáng đầu tháng 6/2015 - NV), ai trên mình cũng đầy thương tích, thậm chí trong người họ vẫn còn mảnh kim khí. Họ bức xúc vì sự thật họ là người đã có những cống hiến, hy sinh. “Theo tôi, trong quá trình thanh tra, cần làm việc trực tiếp với những CCB này. Thật hay giả cũng để cho họ giải trình, bổ sung. Khi rõ trắng-đen rồi cắt chế độ cũng chưa muộn, có như vậy mới tránh được tình trạng mọi người bức xúc như hiện nay”.
Hay như, chuyện thương binh Đoàn Văn Nhuận, bị đình chỉ thực hiện chế độ ưu đãi TB và thu hồi trợ cấp thương tật theo Quyết định số 88 ngày 1/1/2016 của Sở LĐTB-XH tỉnh Nam Định. Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh Hùng LLVTND, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 thuật lại: “Cựu chiến binh, TB Đoàn Văn Nhuận, quê xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu (Nam Định) là y sỹ của Trung đoàn 83, bị thương ở chiến trường Trường Sơn năm 1971, hiện nay anh nghỉ ở quê xã Hải Lộc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Vừa qua Thanh tra của Bộ LĐTB-XH đã thanh tra và kết luận hồ sơ thương binh của anh Nhuận là giả mạo, quyết định thu lại sổ và truy thu số tiền đã nhận từ trước đến nay… Chúng tôi ngồi xem lại hồ sơ thấy anh Nhuận làm đúng. Giấy chứng nhận bị thương đã ép plastic, hồ sơ nộp lên xã, huyện đúng như vậy, từ cấp tỉnh mới đem bút sửa bên ngoài giấy ép plastic ấy. Thanh tra Bộ LĐTB-XH kết luận ngay là hồ sơ giả”.
Nhờ sự giúp đỡ, vào cuộc nhiệt tình của đồng đội cũ, đặc biệt là sự trợ giúp của Thiếu tướng Hoàng Kiền; Thượng tá Trần Thanh Tú, nguyên Phó chỉ huy về chính trị - Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn Công binh 83, hiện là trưởng ban liên lạc Đồng đội Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) tỉnh Nam Định; Đại tá, nhà báo Đức Toàn, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết xong và trả lại sổ và danh dự cho thương binh Đoàn Văn Nhuận.
Quyết định về việc khôi phục chế độ ưu đãi thương binh cho Đoàn Văn Nhuận. |
Chia vui cùng đồng đội (ảnh từ trái qua phải: Thiếu tướng Hoàng Kiền, TB Đoàn Văn Nhuận, Thượng tá Trần Thanh Tú) |
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.