Bình Định: Khởi tố người tâm thần, đúng hay sai?
Mất đất vì tâm thần
Theo đơn phản ánh, gia đình bà Hòa có 3 thửa đất nông nghiệp được khai hoang từ năm 1980, sử dụng cho đến nay không có ai tranh chấp.
Năm 2000, bà Hòa cho con trai mình là Phan Đình Tín một thửa đất (709m2) để cất nhà ở kiên cố. Sau đó, anh Tín có nộp tiền xin cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được Ủy ban đồng ý.
Anh Phan Đình Tín bị mắc bệnh tâm thần mãn tính nhưng Công an huyện bắt giữ hơn 3 tháng nay |
Tuy nhiên, đến tháng 7/2010, UBND xã Cát Khánh đến cưỡng chế thu hồi đất, đập nhà tắm với chuồng heo, chỉ trừ nhà anh Tín đang ở, lấy phần đất còn lại để làm sân, cổng và lối đi cho trường Tiểu học số 1 Cát Khánh. Khi cưỡng chế không có một Quyết định thu hồi đất hay bồi thường thiệt hại nào.
Đến năm 2011, anh Tín và bà Hòa có làm đơn khiếu nại đến UBND xã Cát khánh. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời số 06/CV-UBND, không chấp nhận đơn của anh Tín vì “thuộc diện tâm thần phân liệt mất hành vi dân sự”.
Thay con đi đòi đất, bà Hòa tiếp tục làm đơn khiếu nại đòi lại đất và tài sản cho anh Tín nhưng không được giải quyết. “Hàng ngày, Tín luôn ấm ức vì đã nộp tiền để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng chính quyền không cấp, ngược lại đến cưỡng chế lấy đất và tài sản nhưng không bồi thường gì” - bà Hòa nghẹn ngào kể.
Trong thời gian chờ chính quyền giải quyết, ngày 16/8/2018, anh Tín và một số người trong gia đình đã trồng trụ, rào lưới B40 chắn trước cổng Trường tiểu học số 1 Cát Khánh để giữ đất.
Đến ngày 17/8/2018, Công an xã Cát Khánh đến hiện trường thu hồi lưới B40 và một số vật liệu khác nhưng cũng không có bất cứ biên bản làm việc nào.
Bức xúc trước việc làm của cán bộ xã, anh Tín đến UBND xã Cát Khánh đập phá, làm vỡ nhiều tài sản của Uỷ ban. Hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại là 2.861.000 đồng.
Giấy nộp tiền bồi thường thiệt hại do anh Tín đập phá |
Chiều cùng ngày, anh Tín có mua 1 khối đá để xây dựng hàng rào, tuy nhiên, Công an xã tiếp tục đến cưỡng chế và thu hồi, buộc chủ xe phải di dời khối đá ra nơi khác. Trong lúc hoảng loạn, anh Tín đã cầm một ít xăng đứng trên xe tải nhằm phản đối.
Tuy nhiên, “Công an không bắt giữ Tín ngay lúc đó mà đến 21h40 tối, Công an huyện Phù Cát và Công an xã Cát Khánh đến bắt Tín và một số người trong gia đình, lúc bắt Tín cũng không có một biên bản bắt giữ nào” - bà Hòa bức xúc.
Tâm thần cũng bị khởi tố?
Theo quy định của pháp luật, Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã; Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Ở một trường hợp khác, Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Bức xúc trước việc con mình đang mắc bệnh tâm thần mãn tính nhưng bị bắt giữ nhiều tháng, bà Hòa đã nhiều lần viết đơn tố cáo Công an huyện Phù Cát bắt và giam giữ người trái pháp luật, gửi Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Phù Cát để giải quyết nhưng toàn bộ đơn thư đều bị bác bỏ là sai sự thật.
Quyết định trợ cấp xã hội cho anh Phan Đình Tín do UBND huyện Phù Cát cấp |
Cụ thể, “Ngày 4/9/2018, tôi có làm đơn tố cáo ông Đặng Văn Long gửi Viện Kiểm Sát nhân dân huyện Phù Cát. Đến ngày 12/9/2018, Viện Kiểm sát Huyện ra Quyết định số 01 không công nhận đơn tố cáo của tôi”.
“Quyết định này cũng có nêu, ngày 25/8/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phù Cát đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Đình Tín về tội cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Điều đáng nói, anh Tín là người mắc bệnh tâm thần mãn tính đã được UBND huyện Phù Cát ra Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngày 28/9/2011. Đến ngày 2/10/2018, Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực Miền trung tại Huế cũng ra kết luận số 906/KLGĐ, kết luận: “Trước, trong và tại thời điểm gây án, bị can hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi”.
Theo quy định của pháp luật, Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
“Tôi đã nhiều lần liên hệ Công an huyện để đưa thuốc cho nó nhưng họ không cho gặp, họ nói nếu tôi nộp tiền phạt và làm giấy bảo lãnh sẽ thả Tín ra. Tiền tôi đã nộp, đơn bảo lãnh cũng đã làm, nhưng 4 tháng rồi con tôi vẫn chưa được thả.” - bà Hòa bức xúc.
Trước những bức xúc của bà Hòa, Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Công an huyện Phù Cát và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Phù Cát để làm rõ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ các bên.
Phải chăng các cơ quan tư pháp huyện Phù Cát có lạm quyền trong việc bắt giữ khởi tố vụ án, khởi tố bị can? Đặc biệt, bị can là người đang mắc bệnh tâm thần mãn tính.
Hòa nhập online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.