Bố "chột mắt" cụt tay lấy mẹ khuyết tật, nuôi con đỗ đại học
Gia đình em Tô Vũ Lê Minh ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố em là ông Tô Vũ Hoàn, 57 tuổi, thương binh hạng I. Khi là bộ đội, trong lúc lao động ông đã trúng phải mìn sót lại sau chiến tranh, vụ nổ đã lấy đi đôi tay và một bên mắt của ông. Còn mẹ Minh là bà Lê Thị Cam, 52 tuổi, bị khuyết một cánh tay từ lúc lọt lòng. Cả hai nên duyên vợ chồng dắt díu nhau đến gần nhà chồng mua miếng đất, căn nhà được xây dựng nhờ địa phương hỗ trợ. Minh là người con duy nhất vì theo lời mẹ Minh.
Để nuôi con, ông bà đều không dễ dàng. Chồng theo chân những người hàng xóm đi thu mua thanh long. Còn vợ ở nhà may vá, nuôi gà vịt để trang trải cho cả nhà. Nhưng về sau tuổi già sức yếu, vợ chồng thiếu trước hụt sau nhưng vẫn bươn chải lo cho Minh cắp sách đến trường như bạn bè. Hàng xóm thấy vậy, lâu lâu cũng san sẻ bớt khó khăn. Nguồn thu chính cả nhà vẫn từ tiền nhà nước hỗ trợ cho ông.
Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, Minh rất chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn. Sau những buổi học ở trường, Minh trở về phụ giúp thêm việc nhà. Ba muốn đi đâu, Minh chở đến đó. Mẹ không làm nổi việc nặng, Minh xắn tay quán xuyến. Từ khi nào không hay, Minh trở thành "đôi tay", bù đắp lại những gì còn khuyết của ba mẹ.
Cậu cũng tự nhắc nhở mình chỉ có con đường học vấn mới giúp mình vượt qua chính bản thân. Khó khăn đến mấy, Minh vẫn quyết tâm học. Tình cảnh nhọc nhằn của ba mẹ càng thôi thúc Minh đeo đuổi chuyện học. Phần lớn sau giờ học ở lớp là Minh tự học ở nhà.
Không phụ lòng ba mẹ, Minh trúng tuyển ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường đại học Kinh tế TP.HCM với 27,25 điểm. Đằng sau niềm vui chung của cả gia đình, ba mẹ Minh giấu đi nỗi lo cơm áo gạo tiền vì chặng đường tiếp theo mới chông gai với Minh. "Bác phó thôn vừa cho cháu nó mượn cái laptop. Cũng may đang dịch nên cháu nó chưa vào thành phố, vẫn còn thời gian để vợ chồng suy nghĩ chạy vạy, tích cóp thêm" - mẹ Minh nói.
Minh dự tính trong quá trình đi học sẽ kiếm việc làm thêm để ba mẹ ở nhà đỡ nặng gánh. "Sau này thành công, Minh sẽ dẫn ba mẹ đi khắp nơi để phụng dưỡng", Minh bày tỏ.
Mặc dù sinh ra trong nghịch cảnh, song những người như bố mẹ Minh hay cả em vẫn không ngừng cố gắng và nỗ lực. Như tám gương của chàng trai Xing Yifan (18 tuổi) ở Trung Quốc. Từ nhỏ, cậu đã mắc hội chứng loạn dưỡng cơ bẩm sinh (CMD), dù bố mẹ đã đưa cậu đi chữa trị khắp nơi nhưng vẫn không thể nào thay đổi số phận.
“Con tôi không thể tự mình đi lại và chỉ có thể ngồi được nếu có sự hỗ trợ. Cứ khoảng 30 phút, Yifan buộc phải nằm xuống nghỉ ngơi dù đang trong tiết học. Bệnh tật làm cho cột sống và các ngón tay của con tôi bị biến dạng, khiến cháu nó viết chữ trở nên khó khăn hơn. Nhưng các thầy cô từ bậc tiểu học cho tới trung học phổ thông chưa bao giờ từ bỏ việc dạy Yifan, và họ đã giúp đỡ vợ chồng tôi rất nhiều”, ông Xing Dacheng (bố của Yifan) nói.
Kết quả, Xing Yifan giành được số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông hồi năm 2018. Vào tháng 9/2020, xương bả vai phải của Yifan bị gãy khiến cậu buộc phải học ở nhà thông qua một camera lắp trên lớp. Nhưng tới đầu năm nay, khi Yifan quay trở lại lớp học, các thầy cô đều ngạc nhiên khi thấy sức học của cậu không hề bị tuột lại so với các bạn cùng lớp.
Vừa qua, anh chàng 19 tuổi đã khiến mọi người khâm phục khi đỗ Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh với số điểm là 645. Trong khi đó, điểm tối đa của kì thi gaokao là 750.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.