Cẩn trọng với “ma trận" thương hiệu
Tràn ngập nhãn hiệu giống nhau
Thực trạng nhãn hiệu giống nhau đang tràn ngập thị trường. Có những nhãn hiệu giống nhau đến 90%, nếu chỉ nhìn lướt qua chắc chắn bạn sẽ bị nhầm lẫn.
Dạo quanh một số siêu thị, chợ và tiệm tạp hóa trên địa bàn TP.HCM, nhiều mặt hàng có bao bì, nhãn hiệu giống nhau, nhưng lại được sản xuất bởi hai công ty khác nhau.
Tìm đến tuyến đường Tháp Mười, trong gian trưng bày tại 1 cửa hàng lớn, nghe khách hỏi mua hộp bánh Chocolate Pie, người phụ nữ bán hàng tại đây nhìn chúng tôi với ánh mắt đề phòng và từ chối bán. Sự đề phòng bắt nguồn từ việc mẫu mã sản phẩm giống đến 90% sản phẩm choco Pie mà người tiêu dùng quen thuộc.
Tình trạng mẫu mã sản phẩm giống nhau xuất hiện “nhan nhản” trên thị trường. Trong một cửa hàng tạp hóa, lẫn lộn giữa màu sắc của hàng trăm thương hiệu, thoạt nhìn thương hiệu Damisa giống hệt như hộp bánh Danisa, thiết kế bao bì tương đồng với Danisa đến hơn 90%, điểm khác biệt duy nhất để nhận biết là chữ N và M trên thương hiệu.
Bánh Damisa giống bánh Danisa |
Không chỉ Damisa, mức độ khác biệt giữa 2 thương hiệu Coconut Cracker và Bánh Quy Coconut Cracker chỉ vào khoảng trên dưới 10%.
Nếu thích thưởng thức bánh Cream-O bạn sẽ phải bỏ ra 6.000 đồng. Nhưng nếu bạn chủ quan cũng với giá tiền đó bạn sẽ nhận được sản phẩm Cream-A, với bao bì giống y hệt, chỉ khác nhau kiểu chữ trên bao bì và chất lượng bên trong, có thể sẽ không đúng khẩu vị mà bạn thích. Cream-O là sản phẩm của công ty TNHH URC Việt Nam, còn Cream-A là sản phẩm của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường.
Bánh Quy Coconut Cracker và bánh Coconut Cracker |
Bánh Cream-A giống bánh Cream-O |
Trên thị trường, Coconut Cracker-Tích Sỹ Giai được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, được bán tại các siêu thị, nhưng nếu bạn mua tại các tiệm tạp hóa hoặc ở chợ, thương hiệu này có thể sẽ là Bánh Quy CoConut Cracker–Jessica và đặc biệt là được rao bán trên khắp các trang mạng tiêu biểu là các trang web như Muamua.vn, shopee.vn, nhanvan.vn… cả hai thương hiệu có mẫu bao bì giống nhau như “anh em”, chỉ khác nơi sản xuất.
Không thể liệt kê hết những cặp sản phẩm có mẫu mã, kích thước, hình dáng giống nhau trên thị trường. Nếu có nhu cầu người tiêu dùng chỉ còn cách phải thật chú tâm vào sản phẩm để chọn đúng cái mình muốn mua.
Mọi lúc mọi nơi
Không chỉ xuất hiện ở mặt hàng bánh, thị trường nước giải khát cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong một lần dừng chân quán nước ven đường, sau khi goi lon nước tăng lực Red Bull, chị Q được chủ quán mang ra một lon nước nhãn hiệu Red Goats, có hình dáng và màu sắc giống y Red Bull. Chỉ đến khi uống hết lon nước chị Q mới phát hiện sự “lạ” này. “Lúc phát hiện sợ lắm, chẳng biết nó là gì. Suốt đọan đường về nhà tui chỉ mong giữa đường đừng xảy ra “sự cố”, cũng may…” chị Q, nhớ lại.
Thực tế là vậy, hàng online còn kinh khủng hơn. Ở một số trang bán hàng online, số lượng hàng có mẫu mã giống nhau xuất hiện với mật độ dày đặc hơn. Chỉ cần một cái click chuột, có đến hàng trăm nhãn hiệu xuất hiện.
Bánh Quy Coconut Cracker được bán trên trang Shopee.vn |
Bánh Quy Coconut Cracker được bán trên trang Nguyenhang.vn |
Liên hệ với số điện thoại trên trang quangcao24gio.net, vào vai người cần mua nước tăng lực giá rẻ về kinh doanh. Khách hàng được anh T nhân viên tại cửa hàng giới thiệu một số loại nước tăng lực Red Goats, Red Gold, Red Dimo giống với Red Bull với giá 110.000đ/ thùng 24 lon trong khi giá sản phẩm Red Bull được bán trên thị trường trên 200.000đ/ thùng. Anh T khẳng định “đây là hàng giá rẻ được sản xuất ở Hà Nội chứ không phải hàng Thái lan. Mỗi 1 tên là 1 công ty khác nhau, nước là nước tăng lực, mỗi công ty có một vị khác nhau chứ không giống nhau được”. Sau những lời giới thiệu “có cánh” bạn có thể được giao hàng tận nơi, nếu có nhu cầu lấy hàng trực tiếp bạn sẽ được cung cấp địa chỉ lấy hàng tại cửa hàng hoặc ngay tại kho.
Lon nước tăng lực Red Goats được bán ven đường |
Nước tăng lực Red Goats được trưng bày tại một quán nước ven đường |
Nước tăng lực Red Goats giống Red Bull |
Các loại nước tăng lực giống Red Bull được rao bán trên trang Quangcao24gio.net |
Không chỉ khác tên, có những thương hiệu trùng cả tên. Trên một số website, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được 2 sản phẩm cùng tên Red Gold, chỉ khác nhau ở hình ảnh 2 con bò trên thân lon nước. Với những sản phẩm như thế này, thì dù có chú tâm cũng rất khó để nhận ra.
2 loại nước tăng lực cùng tên Red Gold |
Tìm đến thị trường mỹ phẩm Hàn Quốc, thương hiệu Innisfree đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Với những người có thói quen nhận diện sản phẩm bằng mẫu mã, sẽ dễ nhầm lẫn với sản phẩm Laser. 2 sản phẩm này chỉ khác tên còn mẫu mã bao bì giống nhau gần như tuyệt đối.
Mỹ phẩm Innisfree và mỹ phẩm Laser có mẫu mã giống nhau. |
Có thể nói, hiện nay bất cứ nhãn hàng nào cũng có thể bị nhầm lẫn bởi sự giống nhau đến khó hiểu về nhãn hiệu hàng hóa. Đâu là sản phẩm thật? Đâu là sản phẩm nhái nhãn hiệu? Thật khó có thể nhận biết được. Để bảo vệ mình, người tiêu dùng cần có cái nhìn thận trọng hơn, lựa chọn thật kỹ trước khi mua.
Cần lắm vai trò quản lý, giám sát, các biện pháp chế tài đủ sức răn đe của cơ quan nhà nước trong việc chấn chỉnh thực trạng này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.