Cần chính sách tốt cho đối tượng trẻ sở hữu nhà
Buổi hội thảo nhận được nhiều ý kiển góp ý của các chuyên gia. Ảnh: Mạnh Cường
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền phong cho biết, hiện tại Việt Nam, có gần 34% dân sô trong độ tuổi 20 - 39 và 42% dân số ở độ tuổi đó bắt đầu khởi nghiệp, lập gia đình, sinh con và mong muốn có mái ấm riêng.
Tại TPHCM, mỗi năm có khoảng 100 ngàn gia đình trẻ cần có nhà ở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng căn hộ hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 15 - 20% nhu cầu thực.
Với hầu hết hầu hết những người trẻ, mới bắt đầu đầu cuộc sống hôn nhân, việc có ngay 800 triệu - 1 tỷ đồng mua nhà rất khó. Các dự án đầu tư căn hộ chung cư và biệt thự thường không nhắm đến người trẻ, bởi xét theo tiêu chí của việc kinh doanh, họ không phải là đối tượng hứa hẹn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) thẳng thắn nhận định: Hiện thị trường BĐS đang dần hồi phục, để nó phát triển bền vững thì rất cần chính sách ưu đãi cho người mua nhà lần đầu tiên, đặc biệt là đối tượng trẻ.
Các chuyên gia kinh tế và BĐS đều nhận định, cần có cơ chế chính sách để giới trẻ sở hữu nhà. Ảnh: Mạnh Cường
Lý giải về vấn đề này, ông Châu cho biết, TPHCM là thành phố của người nhập cư và chắc chắn sẽ diễn ra trong vài chục năm nữa, chính vì lẽ đó, việc phát triển nhà ở là hết sức quan trọng và cấp bách.
Hiện nay, theo ông Châu, với cách xét tiêu chí và chứng minh thu nhập thì khá nhiều người không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội (NƠXH). “Ở TPHCM có nhiều gia đình đang bán bánh mì, 1 ngày tiệm nổi tiếng có thể bán tới 2.000 cái, với lợi nhuận 7.000 - 8.000 đồng/1 cái thì thu nhập của họ còn cao hơn của tôi và các bạn đang ngồi đây, nhưng để chứng minh thu nhập thì chắc chắn họ không làm được”, ông Châu hài hước.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Minh - PGĐ Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho rằng, phía ngân hàng có trách nhiệm đóng góp ý kiến để hoàn thiện mọi chính sách về nhà ở được tốt hơn. “Nó sẽ thành những đề tài, công trình nghiên cứu, có cơ hội để nhà nước hướng dòng vốn đến giới trẻ”, ông Minh chia sẻ.
Hiện theo ông Minh, các năm trước, tổng dư nợ tín dụng cho BĐS chỉ ở mức trên dưới 9% (năm 2012 là 9,7%), ở những năm 2006 - 2008 tổng dư nợ vào khoảng 24 - 25%; từ năm 2013 đến nay, tổng dư nợ BĐS tăng bình quân 11 - 12%, từ cuối năm 2014 đến nay là 14,7%.
Vì những dấu hiệu đó, ông Minh cho rằng, cần có những hỗ trợ cho giới trẻ sở hữu nhà và nên xây dựng chính sách kết nối giữa ngân hàng với DN kinh doanh BĐS để hỗ trợ cho các đối tượng này.
Đại diện Cty CPĐT BĐS Nam Long nhìn nhận, Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ, hàng năm có trên 10 ngàn cặp vợ chồng kết hôn, do đó như cầu ở riêng là rất lớn. Việc xây nhà “dễ sở hữu” dành cho người trẻ thực tế không hề dễ dàng.
Dẫn kinh nghiệm về các dự án của mình được các đối tượng trẻ mới lập gia đình mua nhiều, đại diện Nam Long chia sẻ: Với đối tượng này, điều quan trọng nhất với họ chính là khả năng tài chính. Ngoài việc tạo ra một sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, có mức giá “vừa túi tiền”, chúng tôi còn phải đem đến cho họ một “package” phù hợp không kém từ hệ thống hỗ trợ tài chính, chính sách thanh toán, dịch vụ hậu mãi có mức phí phù hợp.
Đồng quan điểm, đại diện Cty An Gia Investment cho biết, để có được căn hộ như mong muốn, vấn đề tài chính được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Đối tượng này có thời gian lập nghiệp chưa dài vì thế số tiền tích luỹ không nhiều. Chính vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp có những chính sách thanh toán linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn thẳng thắn đề nghị nên có gói chính sách vài ngàn, thậm chí là đến 10 ngàn tỷ để hỗ trợ cho giới trẻ sở hữu nhà với mức giá khoảng 300 - 400 triệu/căn hộ. Qua đó để thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.