Cậu bé không tay viết chữ đẹp, ước mơ làm bác sĩ
Nguyễn Đình Khải (SN 2014, thôn Phủ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị khuyết tật bẩm sinh, không có 2
Ông nội Khải- Nguyễn Văn Mỵ, 70 tuổi chính là "người thầy" cháu tập viết bằng chân. Ban đầu, Khải học cách kẹp phấn giữa ngón cái và trỏ, nhưng ngón chân cứng đờ, không theo ý muốn, vài chục hộp phấn vỡ vụn vì lực siết mạnh. Khi cháu quen cách cầm phấn, ông Mỵ hướng dẫn cháu tập tô các nét ngang, dọc ở khoảng sân láng xi măng trước nhà. Sau tập tô bảng chữ cái, học viết số.
Khải cụt hai tay bẩm sinh (Ảnh: VnExpress)
Lần nào tập viết, cậu bé cũng gồng mình, cong lưng theo từng con chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Không ít lần chỗ kẹp phấn sưng phồng, rớm máu, còn hai chân chuột rút, tê cứng không thể cử động. Cả đêm ấy ông Mỵ ngồi xoa bóp cho cháu dễ ngủ. Nhưng có lần đau quá, Khải nói dỗi "không muốn viết", ông lại kể về nghị lực của những người chung cảnh ngộ như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ để truyền động lực cho cháu.
Khi thạo viết chữ cỡ lớn, Khải tập viết chữ nhỏ. Hai năm sau, viên phấn, cái bút không còn làm khó được đôi chân của em. Không tập viết trên sân, em làm quen với bảng đen, vở ô ly. Các nét chữ đều đẹp, ngay ngắn, gọn nét và thẳng hàng.
Những nét chữ nắn nón viết bằng chân của Khải (Ảnh VOV)
Cảm phục nghị lực của Khải, trường Tiểu học Ninh Xá quyết định quyết định nhận em vào học. Trên lớp, nhà trường đóng bàn học riêng, bố trí em ngồi bàn đầu. Thầy cô cũng xếp lớp học ở tầng một cho tiện di chuyển.
Sau vài tuần, em quen nhịp học, viết nhanh hơn, cô giáo không phải chờ khi đọc chính tả. Ngoài học tốt tiếng Việt, cậu bé còn có khiếu tính nhẩm nhanh và vẽ đẹp.
Được nhiều người hỏi ước mơ làm gì khi lớn, nhưng Khải chỉ lặng im. "Chỉ có một lần thằng bé thổ lộ ước mơ làm bác sĩ để chế ra thuốc mọc tay, tự chăm sóc được bản thân, không làm phiền ông bà, bố mẹ", bà Nguyễn Thị Tươi, bà ngoại Khải, bộc bạch.
Còn giờ, vợ chồng anh Thịnh động viên nhau cố gắng làm ăn, mỗi tháng cất riêng vài triệu cho con trai thứ. "Thằng bé học giỏi lắm, kỳ nào họp phụ huynh cô giáo cũng khen. Nếu cháu có khả năng học lên đại học, dù phải vay mượn vợ chồng tôi cùng làm. Chỉ mong con lớn khôn, trở thành người có ích cho xã hội", anh Thịnh - bố Khải nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.