Chính thức “cắt ngọn” công trình 8B Lê Trực
Công nhân tháo dỡ phần tum công trình sáng 21/11.
Ngày 20/11, Sở Xây dựng Hà Nội đã có ý kiến gửi UBND quận Ba Đình về phương án, giải pháp phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp cho công trình. Sở Xây dựng yêu cầu Chủ đầu tư phải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương lắp dựng hệ thống giàn giáo công trình, hệ thống bao che an toàn công trình và phá dỡ tầng tum chậm nhất là ngày 21/11/2015.
Giàn giáo đã lắp dựng xong, công nhân đang tiếp tục lắp hệ thống bao che an toàn.
Theo đó, đối với giai đoạn 1, Sở Xây dựng về cơ bản thống nhất với phương án, giải pháp phá dỡ tại hồ sơ phương án phá dỡ phần xây dựng sai phép do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập, bao gồm các nội dung: Những cảnh báo quan trọng, biện pháp thi công; biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống hỏa hoạn. Riêng đối với chi tiết bố trí giáo chống, giáo an toàn mặt đứng phục vụ tháo dỡ, Sở Xây dựng yêu cầu phải thể hiện rõ chi tiết giữa các hệ giao đứng chữ H và liên kết với kết cấu công trình để đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phá dỡ; lưu ý lớp ván đáy của giáo ngoài phải đảm bảo kín khít, không để lọt bụi bẩn ra ngoài.
Phía ngoài công trường có chăng dây và đội ngũ nhân viên bảo vệ, biển báo nguy hiểm.
Sở Xây dựng lưu ý trong quá trình triển khai phá dỡ, yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để xử lý kịp thời đối với các nội dung về những nguy cơ tiềm ẩn và một số kiến nghị tại Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế do Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO lập.
Về tiến độ phá dỡ, theo Sở Xây dựng, thời gian 9 tháng để phá dỡ giai đoạn 1 (phá dỡ tầng tum và tầng 19) là chưa phù hợp với tiến độ, đề nghị chủ đầu tư rà soát lại tiến độ chi tiết để rút ngắn thời gian thi công phá dỡ giai đoạn 1, đảm bảo theo yêu cầu của UBND TP.
Đối với giai đoạn 2, phá dỡ phần công trình còn lại sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, Sở Xây dựng xét thấy phương án mà Chủ đầu tư nộp chưa thể hiện đầy đủ các biện pháp thi công phá dỡ chi tiết, tiến độ thi công và theo các nội dung yêu cầu của Sở Xây dựng tại văn bản số 11579/SXD-GĐCL ngày 09/11/2015. Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư cùng với việc triển khai phá dỡ giai đoạn 1 phải khẩn trương tổ chức lập phương án, giải pháp phá dỡ phần công trình còn lại sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp (giai đoạn 2) theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, đảm bảo tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.
Việc xử lý phần vi phạm tại công trình này sẽ phải “cắt ngọn” 16m (tương đương 5 tầng nhà) và diện tích dỡ chiều đứng, chiều ngang các tầng lên tới 6.000m2.
Sở Xây dựng lưu ý việc lập phương án, giải pháp phá dỡ phần còn lại thuộc giai đoạn 2 (phá dỡ đồng thời theo chiều đứng và chiều ngang công trình) sẽ liên quan đến hệ kết cấu chịu lực của công trình trong và sau khi phá dỡ, do vậy phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, ổn định của kết cấu chịu lực, an toàn sử dụng, mỹ quan đô thị. Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu phá dỡ có đủ kinh nghiệm và năng lực theo quy định pháp luật, trong đó phải thể hiện chi tiết biện pháp, trình tự, quy trình phá dỡ; các trang thiết bị, máy móc phục vụ phá dỡ; biện pháp che chắn để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho công trình, các công trình liền kề và phương tiện thiết bị, con người tham gia giao thông quanh khu vực trong suốt quá trình phá dỡ.
Đặc biệt, quá trình tổ chức phá dỡ phải thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các đơn vị thực hiện phá dỡ về công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Ghi nhận tại hiện trường, đơn vị phá dỡ đã lắp dựng sàn công tác, hệ thống giáo bao che ngoài tầng 19 để phục vụ tháo dỡ và lắp dựng giàn giáo bao che mặt đường Trần Phú-Kim Mã từ tầng 1 đến tầng 5 để hứng vật rơi. Sáng nay, công nhân tiếp tục lắp hệ thống bao che. Tại chân công trình có lực lượng nhân viên bảo vệ đông đảo, có chăng dây ngăn cách công trình với đường giao thông và gắn biển báo: “Công trường đang khắc phục phần sai phép, chú ý nguy hiểm, xin lỗi đã làm phiền quý vị”.
Việc tháo dỡ công trình phức tạp cần sự phối hợp chặt chẽ của chủ đầu tư, chính quyền và đơn vị phá dỡ.
Đối với việc xử lý vi phạm tại công trình này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra TP phải hoàn thành công tác thanh tra, kiến nghị UBND TP xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị tại công trình 8B Lê Trực theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP trước ngày 25/11 tới.
Việc xử lý phần vi phạm tại công trình này có được thực hiện triệt để theo đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo sát sao của Sở Xây dựng Hà Nội hay không? Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật tin tức về vụ việc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.