Chú thợ may khuyết tật làm bố "bất đắc dĩ", mong có sức khoẻ để lo cho con
Theo Guufood, chú Trần Vĩnh Phước (59 tuổi, sống ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị khuyết tật từ nhỏ. . Chân tay teo lại khiến việc di chuyển của chú Phước gặp rất nhiều khó khăn. Chú gần như không đi lại được mà chủ yếu là lết, muốn đi thì phải bám vào đâu đó nhưng cũng không vững, từng bước chân đi vô cùng khó nhọc.
Dù vậy, nhưng bù lại chú rất khéo tay. Chú làm nghề thợ may, may áo vest, áo sơ mi. Ngoài ra, chú còn tự học hỏi, tìm tỏi, mày mò để học nghề sửa xe máy. Tuy nhiên, sức khoẻ yếu nên đã hạn chế chú trong công việc, sinh hoạt.
Bé Đạt năm nay đã 12 tuổi (Ảnh: Guufood)
Cách đây 12 năm, chú Phước có tình cảm và qua lại với một người phụ nữ. Cả hai chỉ đơn giản xác định là vui vẻ, không tính chuyện xa xôi. Chú Phước biết thân thể mình khiếm khuyết nên không muốn có con. Thế nhưng, người phụ nữ kia để "dính" bầu, sinh ra một đứa trẻ tên là Trần Phước Đạt.
Bé Đạt chào đời, người mẹ không muốn nuôi mà có ý định bán cho người đàn ông Hàn Quốc để đổi lấy khoản tiền là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chú Phước đã ngăn cản, quyết giữ con lại. Người đàn ông tật nguyền quả quyết: "Để nó ở đây, anh nuôi được". Mẹ Đạt để con lại cho chú Phước rồi bỏ đi.
May mắn được bạn bè thương mến, bố con chú Phước được mọi người trợ giúp rất nhiều. Mỗi tháng, chú Phước nhận được khoản tiền trợ cấp là 570 nghìn đồng. Bạn bè, mạnh thường quân giúp đỡ chú rất nhiều thì hai cha con mới có được cuộc sống như hiện tại. Chú bảo, nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, chắc cha con phải ra đường rồi.
Đôi chân yếu ót khiến chú Phước chẳng thể đi đâu xa (Ảnh: Guufood)
Láng giềng trong xóm trọ tuy chẳng giàu có gì nhưng cũng thương cho hoàn cảnh của cha con chú Phước. Có món gì ngon, chị hàng xóm đối diện lại mang sang biếu chú một ít. Chú Phước cười hiền bảo, may mà con trai chú cũng dễ nuôi, có gì ăn nấy chứ nếu cháu kén ăn thì cha không biết phải nuôi thế nào.
Tuy còn túng thiếu, nhưng chú Phước vẫn để con được đi học, không bắt bé phải kiếm tiền từ sớm. Bé Đạt năm nay 12 tuổi, mới đang học lớp 4, ngoại hình còi cọc, cậu bé rất ngoan, biết vâng lời và luôn quấn quýt bên cha. Nhà trường biết hoàn cảnh của Đạt nên miễn hoàn toàn học phí cho cậu bé. Riêng những khoản tiền ăn uống thì gia đình vẫn phải chi trả.
Căn phòng trọ cha con chúc Phước đang thuê mỗi tháng có giá 1,3-1,4 triệu đồng cả tiền điện nước. Phòng tuy nhỏ, mọi thứ đồ đạc trong nhà đều đã cũ kỹ nhưng được hai cha con sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp.
Chiếc xe máy nép trong phòng trọ đã cũ nát nhưng cũng không có điều kiện sửa, vả lại chú cũng không còn sức để điều khiển nữa.
Ước mong của người bố ở tuổi tứ tuần này là có sức khỏe để có thể lo cho đứa con trai thiệt thòi, còn nhỏ tuổi của mình. Biết rằng với sức khỏe của bản thân thì khó nói trước được điều gì, chú Phước đã sớm nhờ vả, gửi gắm bạn bè.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.