Chuyện “lách luật”: ở xứ người và ở nước ta
2017-01-27 14:14:44
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nhiều chuyên gia kinh tế đã ví: Cuộc “so tài” giữa các nhà kinh doanh với các nhà làm luật và nhà quản lý như một cuộc chạy đua không có điểm dừng, khi thì bên này thắng, khi thì bên kia thắng mà thôi...!
Ảnh minh họa |
Đã là nhà kinh doanh chân chính, ai mà chẳng có ham muốn làm giàu - làm giàu một cách chính đáng. Còn làm giàu bằng mọi giá, chắc chỉ dành cho những người liều. Chính vì thế trên thương trường, không ít ông chủ đã lao tâm, khổ tứ để săn lùng lợi nhuận. Họ cần cái tỷ suất lợi nhuận siêu ngạch, chứ đâu phải là tỷ suất lợi nhuận bình quân. Quy luật đó đâu chỉ có ở nước ta, mà ngay ở nước ngoài cũng thế. Cho nên trong kinh doanh, mới có chuyện các ông chủ luôn luôn tìm cách “lách luật” qua “mặt” các nhà quản lý để có được tỷ suất lợi nhuận cao. Còn chuyện “bịt” lỗ hổng là công việc của người quản lý và của các cơ quan pháp luật.
Nhân dịp ngày xuân, ngồi “ôn cổ tri tân”, chúng tôi xin giới thiệu hai mẩu chuyện “lách luật” ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam để bạn đọc suy ngẫm.
Từ chuyện nhập khẩu găng tay ở xứ người...
Mặt hàng găng tay da dùng cho phụ nữ do Pháp sản xuất rất được người tiêu dùng Mỹ ưu chuộng. Song do chính phủ Mỹ quy định mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này rất cao, làm cho ít doanh nghiệp Mỹ dám nhập mặt hàng đó về để bán. Nếu có nhập về, đóng đúng mức thuế quy định thì lãi cũng chẳng được là bao. Còn muốn lãi lớn và lại không bị vi phạm pháp luật chỉ có cách là “lách luật” mà thôi. Song “lách luật” ở đất nước này thì quả là vô cùng khó. Thế mà trên thực tế vẫn có công ty làm được. Công ty này đã nhập khẩu trót lọt 10.000 đôi găng tay da cao cấp dùng cho phụ nữ từ Pháp về Mỹ. Đầu tiên họ cho vận chuyển 10.000 chiếc găng tay trái về Mỹ, hàng tới cảng nhưng không đến nhận. Quá thời hạn quy định nằm tại kho, không thấy chủ hàng đến nhận, hải quan đành đem bán đấu giá. Do toàn là găng tay trái, nên không có đơn vị nào tới đăng ký mua, lúc đó công ty nọ mới nhờ một đại lý của mình ra đăng ký và mặc cả giá. Thế là họ chỉ cần bỏ ra một ít tiền (chỉ bằng một phần số tiền thuế phải nộp theo quy định) đã mua chọn lô hàng trên.
Sau đó, để tránh sự chú ý của cơ quan hải quan, họ đã nhờ phía nhà sản xuất đem 10.000 chiếc găng tay còn lại (toàn bên phải) tách ra làm đôi đóng thành hai thùng (mỗi thùng đóng 5.000 chiếc) rồi cho vận chuyển về Mỹ. Hàng về tới cảng, công ty cử người ra làm thủ tục nhập hàng bình thường giống như những lần trước đã từng làm. Nhân viên hải quan chọn một trong hai thùng hàng đó ra kiểm tra, rồi làm thủ tục, vì họ nghĩ rằng 2 thùng găng tay nhập về chứa 2 loại găng tay khác nhau, giống như những đơn vị nhập khẩu khác đã từng làm. Thế là chuyến hàng thứ hai đã vào Mỹ trót lọt.
Tính ra trong thương vụ nhập khẩu 10.000 đôi găng tay da, công ty này đã trốn được một khoản tiền thuế khá lớn, mà vẫn không vi phạm pháp luật. Thế mới biết đâu cứ phải làm “luật” thì mới qua được cửa hải quan.
... Đến chuyện nhập giầy ở nước ta.
Vào thời kỳ đầu của thập kỷ 90, khi mà ngành Da giày Việt Nam vẫn chưa phát triển. Để bảo hộ cho ngành hàng này, Nhà nước đã cho áp dụng chính sách đánh thuế nhập khẩu cao đối với mặt hàng giày, dép, với mức thuế suất 50%. Lúc đó một doanh nghiệp tư nhân (gọi là doanh nghiệp cho oai thôi, chứ thực ra chỉ là một hộ buôn chuyến) đã áp dụng kế sách “được ăn cả, ngã về không” để đưa 5.000 đôi giày cỡ lớn từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Đầu tiên, chủ nhân của lô hàng này sang Trung Quốc bắt mối với những người chuyên “đóng” mặt hàng giày dép, mua của họ 5.000 đôi giày và nhờ họ chia thành hai. Mỗi thùng đóng 5.000 chiếc. Thùng chuyên đóng giày chân trái gửi về 1 cửa khẩu, còn thùng chuyên đóng giày chân phải chuyển về một cửa khẩu ở 1 tỉnh khác. Khi hàng về tới cửa khẩu, chủ hàng áp dụng kế “bỏ của, chạy lấy người”. Qua một thời gian chờ đợi, làm các thủ tục thông báo, nhưng vẫn không thấy ai tới nhận, hải quan cửa khẩu đành phải làm văn bản xin ý kiến cấp trên cho phát mại để giải phóng kho hàng và thu tiền về để trang trải các chi phí đã chi ra. Khi biết được tin hải quan phát mại lô hàng này, chủ nhân của lô hàng thuê một số người tới xem và “phán” vài câu rồi bỏ về. Sau đó ít ngày, chủ lô hàng trên mới thuê người của cơ sở có giấy phép sản xuất, gia công giày lên xem và đăng ký mua. Họ lấy lý do là mua thùng giày này về tháo ra để lấy nguyên liệu sản xuất giày trẻ em. Với lý do đó nên họ chỉ chấp nhận mua lô hàng trên với giá rất rẻ, tức là chỉ bằng một phần của mức thuế nhập khẩu phải nộp theo quy định. Trước tình cảnh đó, hải quan đành phải chấp thuận “phát mại” với giá “như cho”. Thế là chỉ bằng “chiêu thức” trên, chủ lô hàng đã có trong tay 5.000 đôi giày với giá rẻ và lại đủ thủ tục để vận chuyển đem giao cho những địa điểm cần giao.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Duy Linh