Chuyện tình những 'đôi đũa lệch' - Kỳ 2: Hai chàng khiếm thị lấy được vợ
"Ban đầu, chúng tôi nhờ bạn bè đưa đi tán vợ, song theo đuổi cô nào thì cuối cùng họ lại lấy ngay... anh mối mai sáng mắt. Chúng tôi nghĩ ra cách tán gái qua mạng thì không ai giành cả, một mình tìm, một mình tán".
Đó là mở đầu chuyện tình của hai chàng khiếm thị cùng tên Tuấn, giờ đã thành chủ tịch và phó chủ tịch Hội người mù (HNM) TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Gia đình hạnh phúc của anh Văn Tuấn - Ảnh: TÂM LÊ
Quyết chinh phục vợ sáng mắt
Chủ tịch HNM Lê Trọng Tuấn sinh năm 1987 và phó chủ tịch Lường Văn Tuấn sinh năm 1981, đều có gia đình ở phố biển Sầm Sơn. Chênh tuổi nhau, nhưng cả hai vào HNM từ bé và thân thiết như bạn nối khố.
"Chúng tôi vào hội sinh hoạt, làm việc và học phổ thông cùng nhau, sau này học quản lý rồi lại về làm một nơi nên anh em hiểu nhau lắm" - anh Trọng Tuấn vui vẻ chia sẻ. "Hắn nhỏ tuổi hơn nhưng lại làm sếp tôi đấy, vì mồm mép nhanh nhạy hơn, làm lãnh đạo cũng tốt hơn tôi nữa" - anh Văn Tuấn cười tếu.
"Thế anh ấy tán vợ có giỏi hơn anh không?" - tôi trêu. Văn Tuấn cười phá lên khoe mình chỉ mất 6 tháng, còn sếp phải mất 3 năm để lấy được vợ. Cả hai cùng cười khoái chí rồi giải thích sự hài hước thường xuyên của mình để cuộc sống trong bóng tối bớt phần ảm đạm.
Căn phòng của Trọng Tuấn thoáng rộng, nhưng đồ dùng đều tối giản, chỉ hai bộ bàn ghế làm việc có lắp máy tính, bàn sofa tiếp khách. Ngoài ra không có tranh ảnh, hoa hòe hay bất kỳ vật trang trí nào sống động bắt mắt. Thậm chí, chẳng cần đến ánh sáng đèn như người thường, bởi trong bóng tối các anh vẫn làm việc tốt.
"Ngay từ đầu, chúng tôi xác định cưới vợ phải quyết tâm tìm được người vợ sáng mắt, dù không dễ dàng. Chúng tôi suy nghĩ, nếu giờ lại lấy một người không nhìn thấy gì thì cuộc sống gia đình sống trong bóng tối cả sẽ ra sao, ai sẽ chăm lo cho con cái?" - Trọng Tuấn nghiêm túc phân tích.
"Biết là hiếm cô gái lành lặn nào lại chấp nhận sự thiệt thòi không nhỏ này. Nhưng ngược lại chúng tôi cũng tự dặn lòng, phải làm cho mình có giá trị để vợ có thể tự hào về chồng. Quan trọng nhất vẫn phải lo được kinh tế cho gia đình" - Trọng Tuấn tâm sự thêm.
Bước vào tuổi lập gia đình, anh làm quen được một nàng sinh viên tình nguyện, gia đình ở quận 4, TP.HCM. Vài năm sau, Văn Tuấn cũng kết bạn được với một nữ công nhân ở TP Thanh Hóa. Cả hai đều là "kiều nữ thành phố", xinh đẹp, sáng mắt, không dễ gì chinh phục.
Xác định được đối tượng, lần này các anh không nhờ ai dẫn đi tán gái nữa kẻo lại mất không vào tay... ông mối. Họ thông qua nick liên lạc Skype để trò chuyện, nhắn tin, gọi điện, thấy ưng thuận thì cả hai lên lịch hẹn gặp nhau.
Trọng Tuấn xin phép cha mẹ để bay vào TP.HCM gặp bạn gái với một quyết tâm cao và anh nhận được sự ủng hộ ngay. Vé máy bay khi đó còn đắt đỏ, một chuyến đi - về và nghỉ ở khách sạn là cạn tiền lương nửa năm làm việc của anh. Ba năm kiên trì theo đuổi tình yêu mãnh liệt, cuối cùng anh cũng được rước nàng về dinh bằng máy bay.
Đoạn đường đến với tình yêu của Văn Tuấn ngắn hơn nhiều, chỉ chừng 15km. "Bác xe ôm đồng hành cùng tôi thời gian đầu, sau này thì người yêu làm tài xế, tài xế trọn đời!" - Văn Tuấn cười rạng rỡ, nét hạnh phúc trên khuôn mặt.
Cả hai chàng Tuấn thừa nhận đều may mắn trong chuyện tình cảm so với nhiều người trong hội. Ước nguyện lấy vợ sáng mắt thành hiện thực, họ đang tận hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc bên vợ và con thơ.
Hằng ngày, người vợ làm “ánh sáng” dẫn đường cho chồng - Ảnh: TÂM LÊ
Nguyện làm ánh sáng đời anh
Mùa đông, thành phố biển du lịch thường nhàn hạ, nhưng năm nay bị "nhàn hạ" cả năm vì Covid-19. Tuy nhiên, phu nhân của hai vị chủ tịch HNM vẫn bận rộn với việc đưa đón chồng con mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vy, vợ anh Trọng Tuấn, đã làm việc này 9 năm. Còn chị Đỗ Thị Thanh Huyền, vợ anh Văn Tuấn, cũng đã làm được 6 năm. "5 giờ chiều, chị lên đón anh rồi cả hai lại lên thành phố đón con".
"Còn anh thì vợ đón con xong rồi đến đón anh". Hai anh chồng khoe khi bấm giờ trên điện thoại chờ vợ đến đón. Có một phần mềm ứng dụng dành cho người khiếm thị để các anh có thể đọc, nghe thông tin như người bình thường.
Tôi ghé thăm hai nàng dâu đảm. Thúy Vy hiện là chủ một quán cà phê tại gia xinh xắn. Thanh Huyền ở nhà bận rộn với hai con nhỏ. Cả hai gia đình đã xây dựng được tổ ấm riêng khang trang.
Bà Văn Thị Hải, mẹ chồng Thúy Vy, ở gần nhà đang qua thăm con dâu, người được bà khen ngợi là con dâu đảm, nhanh hòa nhập với văn hóa miền Bắc và nấu được món ăn các thành viên gia đình chồng đều thích, người bà hàm ơn suốt đời vì đã thay mình chăm sóc cậu con trai khiếm thị.
"Một người con gái lành lặn, xinh xắn chấp nhận lấy một người khiếm khuyết là đã cảm phục rồi. Vy còn làm được việc mà một người mẹ ít học, ít đi ra ngoài như tôi không làm được. Đó là Vy đã đưa chồng đi đến nhiều vùng miền trên cả nước, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi" - bà Hải xúc động kể.
Khi Thúy Vy còn là sinh viên ngành du lịch, cô gái năng động này đã tham gia chương trình thiện nguyện đồng hành cùng người khuyết tật, giúp họ vượt lên nghịch cảnh. Nhóm của cô thu hút được số lượng thành viên lớn, có cả du khách nước ngoài tham gia.
Trong group kết nối người khuyết tật trên cả nước, Thúy Vy trò chuyện tâm đầu ý hợp với một chàng khiếm thị đất Bắc. Đó chính là Trọng Tuấn, người chồng của cô bây giờ. Người khiến cô rung động bởi nghị lực, cách trò chuyện hài hước và một niềm xúc cảm đặc biệt.
"Tình yêu của chúng tôi đến một cách tự nhiên, trải qua các cung bậc cảm xúc. Có nhiều thách thức phải vượt qua, quan trọng tình yêu đó phải đủ lớn, xuất phát từ tình cảm chân thật mới bền lâu" - Thúy Vy cho biết nhiều cặp đôi cũng đến với nhau nhưng không phải tình yêu, "vì quá lứa lỡ thì, vì kinh tế, vì chút cảm xúc ban đầu nên dễ đổ vỡ".
Thúy Vy kể, để gia đình chấp nhận việc cô cưới một người khuyết tật, cách tốt nhất là để chồng tương lai gặp gỡ người thân nhiều lần. Sau khi cưới, họ lại lo lắng một mình cô sống ở phương xa, một miền quê nghèo khó. Cô học cách nấu món ăn miền Bắc, gia đình chồng làm quen với lối sống phương Nam, vậy là hai bên hòa hợp nhau.
Một thử thách lớn nữa là sự kỳ thị ở chính quê chồng. Nhiều người cảm thông, nhưng cũng không ít người né ra xa và bình phẩm cô vợ là ai, sao lại chịu anh chồng mù, người mù thì làm được gì? Rồi chồng người ta sẽ bảo vệ, đưa đón vợ, để vợ ngồi nép phía sau, cô thì ngược lại đi đâu cũng là người đưa đón chồng.
Trước kia cô còn sợ con gián bò lổm ngổm trong nhà, nhưng giờ cô là người đánh gián giỏi nhất. "Để lấy một người khuyết tật, chỉ cần bạn thật sự yêu thương và muốn thì sẽ làm được, phải kiên định, sẽ luôn có cách để vượt qua" - Thúy Vy trả lời một cách tự tin.
Hai chàng mù đã làm kinh tế ra sao để khiến hai người vợ sáng mắt tự hào? Đó là đưa việc tẩm quất đơn thuần của hội khiếm thị vào hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút cả ngàn lượt khách trong mỗi mùa hè. Điều này không chỉ giúp mở rộng quy mô của hội, mà còn đem lại việc làm cho gần 20 lao động khuyết tật trong và ngoài thành phố biển Sầm Sơn.
"Tôi đã thực hiện được điều mà mẹ vợ tôi lo lắng về vấn đề kinh tế khi giao con gái cho tôi" - anh Văn Tuấn nở nụ cười hạnh phúc.
"Chúng tôi hay tếu, khoe với mọi người có thể đi được khắp nơi bằng xe máy, ai cũng ngạc nhiên, sau đó mới nói câu cuối cùng là... ngồi sau lưng vợ. Thực tế để chinh phục các cô vợ sáng mắt, chúng tôi cũng phải tạo cho mình có giá trị, lo được kinh tế cho gia đình và khiến vợ tự hào về chồng mình" - Trọng Tuấn tâm sự.
Trong thế giới lặng của khiếm thính, nhiều người chỉ ao ước một lần được nghe mấy tiếng ngọt ngào: "Em yêu ơi!".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.