Chuyện tình những 'đôi đũa lệch' - Kỳ 3: Tình yêu trong thế giới lặng
Vợ chồng Truyền - Hảo vui vẻ bên con gái nhỏ sau 11 năm chung sống - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhật ký 10 năm của chuyện tình "múa dấu"
10 năm trước, chúng tôi đã gặp hai bạn trẻ bén duyên nhau và quyết tâm đi đến hôn nhân dù còn rất nhiều trở ngại. Đó là cặp vợ chồng Lê Công Truyền và Nguyễn Thị Hảo, đều 35 tuổi, hiện sống tại quận 7, TP.HCM. Truyền là người nghe nói bình thường, quê Đồng Nai, lớn lên ở Sài Gòn. Còn Hảo là cô gái khiếm thính từ Phú Yên vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp.
Suốt 11 năm sau đám cưới, họ mới có một cô con gái 4 tuổi. Hành trình tình yêu của cặp đôi đặc biệt này được Hảo ghi lại trong nhật ký của mình:
"Chúng mình cưới nhau khi cả hai đều không có gì trong tay cả. Sau cưới, hai đứa hầu như không có xu nào, vài trăm ngàn cũng không có. Túng tới mức sợ không trả nổi tiền trọ phải rủ rê bạn về ở chung để chia tiền nhà. Hai vợ chồng ở trên cái gác ọp ẹp lỡ đi mạnh một chút mà muốn... sập.
Chồng mình là người bình thường, nhưng mình lại là người điếc. Người điếc sống trong môi trường bình thường không hề dễ dàng. Một người điếc không thể nạp hay phân tích được dữ liệu âm thanh để hiểu người đối diện nói gì.
Vì điếc nên mình cũng không giao tiếp với người khác và cả nhà chồng được. Điếc không làm chủ được âm thanh hay giọng nói của mình khiến người nghe khó chịu. Đôi khi mình cảm thấy thương chồng thiệt thòi vì có người vợ như mình.
Lúc mới về nhà chồng, mình xảy ra rất nhiều mâu thuẫn với nhà chồng như với mẹ chồng rồi anh chồng, bởi không hiểu nhau được.
Sau cưới, chồng nghỉ việc ở nhà theo đuổi ước mơ làm sách nhưng không thành công. Chồng khởi nghiệp không vốn, lấy cái này đắp cái kia, chỉ có sách thôi thì không thể tạo ra thu nhập. Anh cố gắng kiên trì duy trì công ty sách tới năm 2013 thì cảm thấy không thể trụ nữa nên bỏ. Trong suốt thời gian đó hầu như gia đình mình không có thu nhập mà ngược lại âm tiền chi tiêu sinh hoạt.
Năm 2014 thì chồng đi làm công ty và cuộc sống cũng đỡ hơn khi cả hai vợ chồng cùng đi làm. Rồi nhờ chi tiêu tiết kiệm nên cũng trả dần nợ dồn đọng từ sách. Cũng may mắn là vợ chồng mình hầu như không có gì để cãi nhau, nếu có cũng chỉ là những việc nhỏ liên quan tới cơm áo gạo tiền mà thôi.
Chúng mình vẫn rất lạc quan. Như khi thường xuyên phải đi bộ, chồng phải đẩy chiếc xe cũ chết máy trên đường. Mệt, mồ hôi đầm đề, nhưng tụi mình vẫn nói vui: "Cơ hội để tập thể dục ấy mà!".
Nhưng thực ra đã có vài lần chồng cảm thấy áp lực và muốn chia tay với mình. Mình hiểu được anh áp lực vì anh cảm thấy không mang lại cuộc sống tốt cho vợ, cảm thấy để vợ sống khổ quá. Nhưng mình kiên trì động viên. Cuộc đời chả ai khổ mãi được, cứ cố gắng chăm chỉ rồi cuộc sống sẽ khác, quan trọng vợ không chê chồng và chồng cũng không chê bà vợ điếc là được rồi. Chúng mình đến với nhau cũng đâu dễ dàng gì thì sao có thể dễ dàng buông nhau?
Năm 2014 thì mình quyết định mua nhà ở xã hội, chồng cản nhưng mình kiên quyết quá ảnh cũng xuôi xuôi. Mình thì nhận cùng lúc ba việc để làm, còn tranh thủ thời gian rảnh đi giúp việc nhà cho người ta để kiếm thêm ít tiền.
Mà mình cũng liều vì lúc quyết định mua nhà trong tài khoản chỉ có vài chục triệu phòng hờ khi ốm đau bệnh tật thôi. Ấy vậy mà trả dần dần trong hơn một năm cũng trả hết 30% giá trị căn hộ. Chồng thì đi làm lo tiền thuê nhà, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt".
Dù còn múa dấu, nhưng đôi lứa đã hiểu nhau sâu đậm - Ảnh: TỰ TRUNG
"Mẹ rất yêu thương tụi mình…"
Trước khi có mái ấm 11 năm cùng Hảo, Truyền vốn là một chàng sinh viên công nghệ thông tin - niềm hi vọng của mẹ Truyền.
"Từ nhỏ gia đình tôi đã chuyển lên Sài Gòn sống bằng nghề buôn bán hàng rong. Nên nuôi được tôi ăn học đại học là mồ hôi và nước mắt của mẹ. Tôi chỉ mong mau đi làm để báo hiếu. Nhưng khi gặp và yêu Hảo, lần đầu tôi phải cãi mẹ" - Truyền nhớ lại trở ngại lớn nhất của 11 năm trước khi đến với cô gái khiếm thính mà anh yêu thương.
Và đó cũng là nỗi lòng của Hảo khi đồng ý làm vợ Truyền: "Từ nhỏ mình đã không có tình cảm từ ba mẹ. Nhà nghèo lại đông con, nên gởi mình cho ông bà ngoại nuôi. Khi quen anh Truyền, mình luôn nghĩ sẽ toàn tâm toàn ý với mẹ. Chỉ có điều mình khiếm khuyết nên còn làm mẹ buồn nhiều.
Một nàng dâu bình thường đã khó, nàng dâu khiếm thính như mình còn nhiều khiếm khuyết hơn… Chỉ mong rằng từ từ mẹ sẽ hiểu vì mình biết thực ra mẹ rất yêu thương tụi mình. Ba Truyền mất lâu rồi, giờ mẹ chỉ còn tụi mình…".
Trong mắt nhiều người, Truyền có thể là một chàng trai hoàn hảo khi cưới người vợ khiếm thính. Nhưng khi hỏi chuyện, chàng trai này lại chia sẻ: "Trời, vợ tôi giỏi hơn tôi chứ. Như hồi xưa tuy là dân công nghệ thông tin nhưng cổ mới là người chỉ tôi xài… Facebook. Rồi tôi thiết kế đồ họa đó nhưng thẩm mỹ lại không bằng Hảo. Ngay cả lúc sinh con đầu lòng, những ngày tôi đi làm hay đi công tác xa, một mình Hảo chu toàn cho con gái…".
35 tuổi, Truyền có chút trầm ngâm khi nhớ lại đoạn đường dài của lứa đôi. Sóng gió ập tới liên miên với vợ chồng trẻ. Vài năm sau khởi nghiệp, Truyền phá sản. Cái giá phải trả của tuổi trẻ hăng say là khoản nợ sau đó, mấy ngàn cuốn sách tồn đọng Truyền đem bán với giá… rẻ hoặc cho từ thiện.
Có thời gian, Truyền xin làm trợ lý cho người bạn ở Bình Dương, vợ chồng phải chuyển về đó ở gần chỗ làm để tiện chăm sóc nhau. Tình yêu sau hôn nhân không chỉ màu hồng như lúc yêu. Gánh nặng đè lên vai Truyền.
Nhớ khoảng thời gian đó, Truyền tâm sự: "Lúc đó áp lực nên chỉ la lên cho đã nư thôi. Chứ muốn bỏ thì đâu đưa cổ theo tận Bình Dương để theo mình".
Trong căn hộ dành cho người thu nhập thấp mà vợ chồng trẻ khó khăn lắm mới có được, Truyền và Hảo nói đã từng bước ổn định cuộc sống. "Giờ đỡ rồi, ngày xưa mình còn cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu để nói chuyện với vợ. Còn giờ chỉ cần múa dấu một nửa ký hiệu là cổ hiểu mình. Có thêm em bé nên vui hơn nữa".
Hảo cũng dần trở thành bà mẹ "bỉm sữa" chuyên nghiệp hơn lúc đầu: "Mình tham khảo rèn cho con tự ngủ, không bế ẵm thì có nhiều thời gian hơn để bán hàng. May mắn cho mình là chồng rất thương con. Do mình không nghe được, nên đêm nào anh cũng phụ chăm con buổi đêm, nằm cạnh con và anh cũng không dám ngủ sâu, chỉ cần con ọ ẹ xíu là anh tỉnh liền.
Và đêm nào anh cũng phải bế bé đi qua đi lại hát ru khe khẽ để con nín khóc. Lúc đó, chồng còn đi làm, mình muốn để chồng ngủ lấy sức ban ngày đi làm mà cứ đêm là con khóc. Mình không nghe được nên chồng đành chăm con".
Những ngày đầu chăm con với bà mẹ khiếm thính như Hảo cũng là chuỗi ngày đầy khó khăn. Hảo bị bệnh trước đó nên không cho con bú được. May nhờ có mấy người hàng xóm tốt bụng vừa cho sữa mẹ vừa chỉ Hảo cách chăm bé nên những ngày khó khăn cũng qua đi.
Đầu năm 2020, tình hình Covid-19 khiến công ty giảm nhân sự, giảm cộng tác viên. Hảo nghỉ việc từ đó luôn. Hiện giờ cô chỉ ở nhà bán hàng online qua Facebook cá nhân là "hao0209". Riêng Truyền thì hiện nhận dự án làm tại nhà như thiết kế web, app.
"Cuộc sống so với trước kia thì tốt hơn rồi, ít nhất không phải chuyển trọ như cơm bữa, không phải ở trong những căn phòng trọ chật chội tối tăm. Và quan trọng nhất bây giờ có nụ cười của cô thiên thần bé nhỏ xua tan mọi mệt mỏi vất vả của ba mẹ" - Hảo hạnh phúc trải lòng.
Năm 2008, tình cờ quen nhau trên một diễn đàn làm từ thiện, Hảo và Truyền từ cùng chung sở thích thiện nguyện đã cảm mến nhau. Để quen được Hảo, Truyền chăm chỉ theo cô học múa dấu ký hiệu. Và 6 tháng sau, anh đã lấy hết can đảm tỏ tình…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.