Cựu chiến binh chuyển cả nhà về vùng rừng núi để đi tìm hài cốt liệt sĩ
18 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung ở phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, công sức, cùng với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ông luôn đau đáu, trăn trở khi chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Ông xem việc tìm kiếm, quy tập HCLS là trách nhiệm, sứ mệnh của mình.
Chất thép mà nặng tình đồng đội thiêng liêng
Phải hẹn trước cả tháng chúng tôi mới gặp được cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nép mình dưới bóng cây, thường xuyên có khách mỗi khi ông ở nhà. Đó có thể là người nhà của liệt sĩ, các Cựu chiến binh ở tỉnh khác hay cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đắk Nông đến trao đổi thông tin, vẽ sơ đồ, lên phương án, kế hoạch đi tìm kiếm. Thời gian còn lại là các chuyến đi đến những nơi mà ông nghi có, nhanh thì 2 đến 3 ngày, lâu thì cả tuần đến nửa tháng. Một công việc mà ông đã làm trong suốt 18 năm qua.
Bên tách cà phê tỏa hương, câu chuyện ông kể giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về cuộc đời và những cống hiến thầm lặng của người Cựu chiến binh già. Ông sinh năm 1952, quê ở xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Năm 19 tuổi, cũng như bao người con quê lúa Thái Bình, thanh niên Nguyễn Thành Chung tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện ở Trung đoàn 51, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, ông vào Nam chiến đấu. Là chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 4, Bộ tư lệnh miền Đông (sau này là Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ tư lệnh miền Đông), ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ở mặt trận Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông).
Đây là chiến trường ác liệt, đặc biệt là những năm 1973-1975, bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Nhớ lại đồng đội hy sinh và chỉ được chôn cất vội ở nơi rừng sâu, núi thẳm, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung không cầm được nước mắt, giọng ông xúc động: “Hình ảnh đó ám ảnh và đau lòng lắm nên tôi nung nấu tâm nguyện là phải bằng mọi cách đưa đồng đội về với gia đình, về đúng nơi được Tổ quốc ghi công. Những năm qua, tôi đã tranh thủ thời gian, mọi nguồn tin để vẽ lại sơ đồ, đánh dấu những điểm chôn cất đồng đội và phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông để tìm kiếm, quy tập”.
Để thực hiện tâm nguyện này, năm 2008, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung thực hiện một quyết định rất khó khăn nhưng thiêng liêng, cao cả khi ông đưa cả gia đình từ tỉnh Lâm Đồng về tỉnh Đắk Nông sinh sống để tiện cho việc khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Quyết định này khiến nhiều đêm ông trằn trọc, thức trắng. Bởi sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ và đưa gia đình vào làm kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng.
Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Mặc dù kinh tế không dư dả gì nhưng cũng đã ổn định nhiều năm ở vùng kinh tế mới, bản thân ông và con trai lớn lại bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chuyển gia đình đến địa phương từng là chiến trường ác liệt, bị bom đạn cày xới, sinh kế của gia đình, cuộc sống của vợ con sẽ ra sao? Nhưng nếu không chuyển nhà về Đắk Nông thì cơ hội tìm đồng đội sẽ ít đi, nhiều liệt sĩ sẽ không được tìm thấy hài cốt. Chiến tranh ác liệt, mất mát, hy sinh là thế mà mình không đầu hàng, chẳng lẽ bây giờ hòa bình rồi mà mình lại đầu hàng hoàn cảnh, khó khăn hay sao? Những câu hỏi đó chỉ được giải quyết khi chính vợ con ông ủng hộ, động viên ông thực hiện quyết định.
Từ ngày chuyển về Đắk Nông, không kể ngày nắng hay ngày mưa, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung miệt mài trèo đồi, lội suốt, băng rừng khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông gần như chạy đua với thời gian vì sợ chất độc da cam/dioxin trong người, sợ mình tuổi cao, sức yếu sẽ không đi tìm đồng đội được nữa. Các Cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đắk Nông luôn cảm phục và cho rằng ở Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung có chất thép, có tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả và sự hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ.
Gắng sức làm việc nghĩa
Đã nhiều năm trôi qua nhưng ông Vũ Tá Trọng ở phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vẫn còn xúc động khi nhắc đến quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt anh trai mình là liệt sĩ Vũ Tá Trường. Theo ông Trọng thì gia đình đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi tìm hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Trường và nếu không có sự giúp đỡ của Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung thì khó đạt được ước nguyện.
Theo lời kể của ông Trọng, sau nhiều năm khảo sát, tìm kiếm qua nhiều nguồn tin nhưng không thấy, năm 2005, khi gia đình gần như mất hết hy vọng thì may mắn được gặp Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung. “Bác Chung không chỉ giúp gia đình tìm thấy hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Trường mà còn cất giữ và trao trả những di vật quý giá của liệt sĩ cho gia đình. Tâm nguyện được hoàn thành nên gia đình chúng tôi vui lắm, biết ơn bác Chung nhiều lắm”, ông Trọng xúc động nói.
“Di vật mà ông Trọng nói là chiếc gương và lá thư của chị Nhẽ gửi đồng chí Vũ Tá Trường nhưng đồng chí chưa kịp đọc thì đã hy sinh. Đồng chí Trường là đồng đội cùng quê với tôi. Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày và cùng ở một đơn vị chiến đấu. Đồng chí ấy hy sinh, tôi thương lắm”, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung kể.
Cũng theo ông Chung, mặc dù biết khu vực chôn cất liệt sĩ Vũ Tá Trường và nhiều liệt sĩ khác, nhưng do kinh tế khó khăn, mãi đến năm 2005 ông mới cùng gia đình liệt sĩ Vũ Tá Trường trở lại chiến trường xưa-đồi Bù Room, thuộc thôn 8, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để tìm kiếm mộ liệt sĩ Trường, sau đó Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đã quy tập và bàn giao hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Trường cho gia đình.
Sau khi hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Trường được tìm thấy, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung và các Cựu chiến binh của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271 thành lập đội khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ, tổ chức nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm. Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung và các đồng đội xới từng hòn đất, kiểm tra từng khe suối, gốc cây để tìm hài cốt liệt sĩ, cung cấp nhiều thông tin giá trị cho lực lượng chức năng Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông; xác nhận thông tin, tham mưu, kiến nghị với tỉnh Đắk Nông xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ tư lệnh miền Đông tại đồi Đạo Trung, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song và giúp Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông quy tập, an táng hàng chục hài cốt liệt sĩ.
“Tại Mặt trận Quảng Đức, bộ đội ta hy sinh nhiều lắm, nhưng công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó vì địa hình thay đổi nhiều so với những năm chiến tranh, nguồn tin càng ngày càng ít, các chú Cựu chiến binh sức khỏe cũng yếu dần theo năm tháng. Bản thân chú cũng đủ thứ bệnh trong người, nhưng còn thở, còn đi được là chú vẫn tìm đồng đội. Làm được gì cho đồng đội đã hy sinh và gia đình họ, chú vui lắm cháu ạ”, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung tâm sự.
Thiếu tá Phan Hữu Quý, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông cho biết, từ sơ đồ, thông tin của Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông và thân nhân liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập được 90 HCLS. Đặc biệt, năm 2020, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung cùng đồng đội, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đắk Nông đã tìm thấy 3 khu vực mộ tập thể tại huyện Tuy Đức, quy tập được 20 hài cốt liệt sĩ.
“Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung là người tâm huyết, xem việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như là sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Ngoài cung cấp thông tin, sơ đồ và trực tiếp tìm kiếm với gia đình, tỉnh Đắk Nông, bác ấy còn kết nối Cựu chiến binh cả nước để giúp đỡ lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ", Thiếu tá Phan Hữu Quý tâm sự.
Cơn mưa chiều chợt đến, TP Gia Nghĩa dịu mát. Nắm chặt tay tôi trước lúc tạm biệt, giọng Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung nhỏ nhẹ: "Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tôi vẫn gắng sức làm việc nghĩa. Tôi còn sống ngày nào là còn đi tìm đồng đội ngày đó!".
Đằng đẵng gần 20 năm vượt qua khó khăn, bệnh tật, lặng thầm làm việc nghĩa, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung thực sự là tấm gương sáng giữa đời thường. Ông đã được Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2020. Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Ban chỉ đạo 515 tỉnh Đắk Nông và các cấp hội Cựu chiến binh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.