Đáp ứng đủ vốn cho thu mua chế biến gạo xuất khẩu
Biến động lương thực trên thế giới, giá gạo nhảy múa
Những biến động từ tình hình thời tiết cũng như các thoả thuận, chính sách mới từ các nước đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo. Giá gạo cũng vì thế “nhảy múa” theo. Với doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội tốt để thiết lập mặt bằng mới về giá nhưng cũng có những thận trọng nhất định để giảm thiểu rủi ro.
Đáng chú ý, giá gạo toàn cầu tăng “chóng mặt” bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước. Hiện, thế giới thiếu gạo nhưng lại là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam. Bởi, giá gạo tăng cao có lợi cho người nông dân. Do vậy, đây đang là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu gạo với giá cao, dẫn đến cả người sản xuất và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.
Gạo được đưa xuống tàu để xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới - An Giang. Ảnh Trọng Triết
Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm được như vậy sẽ có được đơn đặt hàng lớn cho gạo Việt Nam những năm tới nữa. Bên cạnh việc tận dụng tốt cơ hội về giá, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần phải đảm bảo uy tín của nhà cung cấp có trách nhiệm. Người nông dân phải đổi mới, chung sức nhau để tạo thành chuỗi cung ứng tốt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt thì chế biến ra hạt gạo có chất lượng xứng đáng với mặt bằng giá hiện nay.
Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân gia tăng giá trị và làm giàu từ cây lúa, đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và có chiến lược phối hợp với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu. Về phía người nông dân cũng không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có đầu ra ổn định với giá tốt.
Để làm được như vậy, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến. Về phía người dân, phải hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo xuất khẩu.
Mới đây, để “nhắc” doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên.
Ngân hàng đáp ứng đủ vốn cho thu mua gạo
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón nhập khẩu giảm 27,3%, trong khi gạo Việt Nam xuất đi các nước tăng từ 10 - 45 USD/tấn. Hiện, lúa trên đồng được thương lái mua, giao cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng từ 500 - 600 đồng/kg. Đây là cơ hội cho nhà nông tăng gia sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Ông Trương Văn Hỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú A2, xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, giá phân đạm của đại lí cấp 1 bán cho HTX đang giảm mạnh. Thời điểm năm 2020 và 2021, giá phân đạm dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/bao, nay còn 460.000 đồng/bao. DAP từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/bao, giảm ít nhất 150.000 đồng so với trước. Các loại phân trộn, như NPK 16-16-8 hay 20-20-15 TE của Công ty CP Phân bón Bình Điền giảm mạnh.
Cơ hội đang đến với nhà nông, bởi giá vật tư nông nghiệp giảm mạnh. Cùng với đó, các nhà khoa học đưa ra nhiều qui trình canh tác, phù hợp từng vùng đất, hiệu quả sau mỗi mùa vụ tăng lên đáng kể. Phong trào kinh tế hợp tác từng bước đi vào chiều sâu, nông dân không còn lo đầu ra. Mối liên kết dọc, ngang đang được “4 nhà” đẩy mạnh củng cố…
Xác định được cơ hội đang đến, đầu tháng 6/2023, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch sản xuất vụ thu đông năm 2023. Trong đó, phê duyệt diện tích sản xuất 163.071ha, gồm 148.133ha lúa, 14.938ha màu. Vùng đầu nguồn Tân Châu, diện tích được duyệt là 5.947ha lúa, trên 1.000ha màu. Trong sản xuất, chính quyền địa phương đã tính đến các biện pháp an toàn, nghĩa là nơi nào có hệ thống đê bao khép kín, hạ tầng tưới, tiêu hoàn chỉnh thì mới cho sản xuất. Nơi nào chưa an toàn thì tiến hành xả lũ để lấy phù sa….
Vụ hè thu năm 2023, nông dân HTX Nông nghiệp Tân Phú A2 sản xuất 315ha lúa chất lượng cao, giống OM5451, OM18. Thương lái thu mua các giống này giá từ 6.900 - 7.100 đồng/kg. Bình quân mỗi héc-ta, nông dân lãi từ 20 - 25 triệu đồng. Cá biệt ở những hộ sản xuất theo qui trình “1 phải, 6 giảm” hay qui trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên nền kĩ thuật “1 phải, 6 giảm” của Công ty CP Phân bón Bình Điền, lợi nhuận đạt đến 32 triệu đồng/ha. “Nếu so sánh với các vụ hè thu trước, chưa có năm nào giá lúa cao như hiện nay, điều đó khiến chúng tôi rất phấn khởi” - bà Trương Thị Mai, HTX Nông nghiệp Tân Phú A2 vui mừng.
Đáng chú ý, giá lúa trên đồng tăng là do giá xuất khẩu gạo tăng mạnh. Từ trước đến nay các doanh nghiệp mua đâu thì bán đó nên vòng quay vốn của các doanh nghiệp dù có khó khăn nhưng có thể vẫn hoạt động được. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu phải tạm hạn chế bán ra trong khi lại bắt buộc phải mua vào thì chắc chắn nguồn vốn cho việc mua hàng này sẽ thiếu rất nhiều và có thể ảnh hưởng tới nông dân khi họ rất muốn bán nhưng các doanh nghiệp lại không có tiền mua. Tuy nhiên, các ngân hàng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu. Cụ thể, ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long dư nợ cho vay lúa gạo đến 30/6/2023 đạt 1.460 tỉ đồng, tăng 10,5% so cuối năm 2022, còn hệ thống ngân hàng tỉnh Bến Tre dư nợ cho vay lúa gạo đạt 1.389 tỉ đồng, tăng 4,6% so với năm 2022, ngân hàng tỉnh Cà Mau dư nợ cho vay lúa gạo đạt 647 tỉ đồng, tăng 0,06% so với cuối năm 2022.
Vietinbank chi nhánh An Giang hỗ trợ vốn tín dụng khách hàng phục hồi tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh Trọng Triết
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sóc trăng đã cho vay 3.717 tỉ đồng để thu mua 625.170 tấn lúa gạo, dư nợ tín dụng đến 30/6/2023 là 2.564,7 tỉ đồng, tăng 257,3 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 11,15% so với cuối năm 2022, chiếm 4,69% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, trong đó cho vay thu mua xuất khẩu là 571,4 tỉ đồng. Dư nợ cho vay của ngân hàng tỉnh An Giang để phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 1.840 tỷ đồng.
Về mặt sản xuất nông nghiệp, Việt Nam đang bố trí hợp lí để đón đầu được biến đổi khí hậu và nước ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam.
Giá phân bón đang giảm trong khi giá lúa gạo tăng mạnh, mở ra cơ hội lớn cho nhà nông. Để cơ hội này không tuột khỏi tầm tay, các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ để tránh sâu bệnh. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát phân bón đang lưu hành trên thị trường; tiếp tục vận động nông dân áp dụng qui trình canh tác tiên tiến; ứng dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất; liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy, cơ hội mới được phát huy, sản xuất hướng đến phát triển bền vững./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.