Ngân hàng Khu vực 15: Tiếp sức doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu
Nằm ở phía Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngành Ngân hàng Khu vực 15 gồm tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau từ lâu được biết đến là địa phương có thế mạnh xuất khẩu (XK) về lúa gạo, thủy - hải sản, rau củ và cây ăn trái…
Xác định được các lợi thế về sản phẩm chủ lực XK của địa phương, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung cân đối nguồn vốn ưu tiên đẩy mạnh cho vay lĩnh vực XK để doanh nghiệp XK và người dân tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng thuận tiện góp phần phát triển sản xuất, chế biến XK sản phẩm mang về nguồn thu ngoại tệ.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 cho thấy, đến cuối tháng 4/2025, dư nợ tín dụng XK đạt 20.804 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng khu vực 15. Trong đó: 4 tỉnh có dư nợ tín dụng XK lần lượt là Kiên Giang (8.084 tỷ đồng); An Giang (3.106 tỷ đồng), Đồng Tháp (1.391 tỷ đồng) và Cà Mau (8.223 tỷ đồng).
Nguồn: Tác giả thống kê từ Ngân hàng Nhà nước khu vực 15
Đặc biệt, hàng nghìn nông hộ sản xuất lúa đã tiếp cận được các khoản vay không có tài sản đảm bảo từ các ngân hàng thương mại. Song cầu vay vốn tín chấp của bà con rất lớn. Do đó cơ chế cho vay tín chấp lĩnh vực lúa gạo đang được xem xét triển khai nhân rộng tại các mô hình liên kết chuỗi giá trị và các mô hình tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Kiên Giang (KienlongBank), thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam triển khai chương trình cho vay tín chấp tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Tại tỉnh Kiên Giang, sau hơn 6 tháng triển khai (từ cuối tháng 9/2024 đến tháng 4/2025) ngân hàng đã giải ngân 155,5 tỷ đồng cho 1.831 hộ nông dân, với hạn mức vay tối đa 500 triệu đồng/hộ, không yêu cầu tài sản đảm bảo.
Theo ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chia sẻ, theo kế hoạch phối hợp với KienlongBank chi nhánh Rạch Giá, từ nay đến cuối năm 2025, hai bên sẽ phấn đấu giải ngân khoảng 500 tỷ đồng vốn vay, hỗ trợ khoảng 7.000 hội viên Hội Nông dân được tiếp cận nguồn vốn.
Trong khi đó, về phía ngân hàng, ông Lê Trung Hưng, Giám đốc KienlongBank chi nhánh Kiên Giang nhận định, ưu điểm lớn nhất của chương trình là quy trình nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, các khoản vay được xét duyệt dựa trên năng lực trả nợ, phương án sử dụng vốn và uy tín cá nhân (thông qua đánh giá của tổ vay vốn) nên đều rất chặt chẽ, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích.
Ngoài Kiên Giang, hiện tại KienlongBank cũng đã cho vay hơn 27,4 tỷ đồng cho nông dân trồng lúa tại An Giang theo cách thức tương tự. Ngân hàng cũng đã triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng dành cho các chủ thể OCOP với hạn mức vay tín chấp lên đến 500 triệu đồng. Các địa phương khác, hiện cũng đang có nhu cầu và kiến nghị mở rộng chính sách cho vay tín chấp với hộ dân, hợp tác xã sản xuất lúa, sản xuất rau màu.
Theo ThS.Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 chia sẻ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực 15 tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận tín dụng, cung ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi. Nhờ đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, phù hợp với thực tế và phát triển kinh tế các tỉnh trong khu vực.
Thực tế hiện nay, Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao cấp hơn, đi kèm theo giá trị và định vị thương hiệu. Đối với phân khúc này, nhu cầu tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU.
Tuy nhiên, lượng gạo cao cấp của Việt Nam XK sang những thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn, song đây cũng là dư địa lớn cho Việt Nam mở rộng sản xuất và XK các loại gạo đặc sản, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của gạo Việt.
Nâng cao chất lượng, giá trị XK cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam đã được Chính phủ định hướng trở thành chiến lược quốc gia thông qua Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đặc biệt, với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, cùng với sự tham gia tài trợ nguồn lực tài chính cho chương trình của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước trong hơn 2 năm qua.
Agribank chung tay cho vay kinh tế tập thể
Về phía ngân hàng đến nay, có 5 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chuơng trình dự kiến tồng doanh số giải ngân trong giai đoạn thí điểm đến hết năm 2025 là 13.308,5 tỷ đồng. Trong đó: BacABank (3.000 tỷ đồng); MBBank (8.000 tỷ đồng), VietBank (300 tỷ đồng) HDBank (2.000 tỷ đồng), SaiGonBank (8,5 tỷ đồng).
Riêng Agribank đã cam kết sẽ triển khai cho vay không cần tài sản thế chấp đến 3 tỷ đồng dành cho các HTX sản xuất lúa gạo (tùy theo quy mô và hợp đồng liên kết). Ngân hàng cũng đã dành ra khoảng 30.000 tỷ đồng để thời gian tới cho vay các thành phần tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện vẫn đang chờ ngành nông nghiệp và địa phương xác định xong vùng chuyên canh và danh sách các đơn vị liên kết chuỗi mới có thể ký hợp đồng, giải ngân.
Mặc dù đồng tình với việc mở rộng cho vay tín chấp đối với sản xuất lúa gạo nói riêng và nông, thủy sản nói chung, nhưng ThS Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 cho rằng, việc triển khai cho vay không có tài sản đảm bảo cần kết hợp chặt chẽ với chính sách bảo lãnh công khai, minh bạch từ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ hỗ trợ nông nghiệp, đồng thời gia tăng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp để có cơ sở bảo vệ cho cả ngân hàng và nông dân.
ThS Phước phân tích thêm, đối với các mô hình liên kết sản xuất lúa, các ngân hàng có thể xem xét nghiên cứu mô hình cho vay tín chấp thông qua cá nhân trong hợp tác xã (HTX). Theo đó, thay vì HTX đứng ra vay, có thể phân bổ hạn mức vay tín chấp cho các thành viên dựa trên cam kết bảo lãnh của doanh nghiệp liên kết và chính quyền địa phương. Việc phân bổ hạn mức này giúp gia tăng tính chủ động và trách nhiệm cho các thành viên HTX, đồng thời tháo gỡ một số nút thắt pháp lý khiến các mô hình kinh tế tập thể khó tiếp cận vốn vay.
Tuy nhiên, để các ngân hàng có thể gia tăng cho vay tín chấp thì khung pháp lý về bảo lãnh các khoản vay này cần rõ ràng. Trong đó, cơ chế kiểm soát rủi ro, các tiêu chí tín nhiệm, cơ sở dữ liệu sản xuất, hợp đồng liên kết và năng lực tài chính của khách hàng phải được đánh giá kỹ ngay từ giai đoạn thẩm định và xem xét hỗ trợ vốn.
Nếu các bộ, ngành, địa phương muốn các ngân hàng nhân rộng các khoản vay tín chấp với Đề án 1 triệu hecta lúa gạo hoặc các chuỗi liên kết giá trị nông sản thì ngoài việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý chung về bảo lãnh, kiểm soát rủi ro, ràng buộc trách nhiệm của các bên trong chuỗi giá trị thì cần chủ động hợp tác với từng ngân hàng thương mại để phối hợp xây dựng những quy chế, cơ chế, hướng dẫn triển khai các khoản vay phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn và hạn chế tối đa rủi ro cho cả ngân hàng và các mô hình được nhận các khoản vay tín chấp.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay các tỉnh vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia Đề án chuyên canh lúa chất lượng cao với tổng diện tích là 1.015 nghìn ha. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% - 24,2% nhờ giảm 30 - 50% lượng giống, tiết kiệm 30 -70 kg phân bón/ha, giảm 1 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/hecta so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg lúa, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.