Doanh nghiệp sớm vượt kế hoạch: Động lực đến từ đâu?
Trong các doanh nghiệp vượt kế hoạch, có đơn vị hạ kế hoạch kinh doanh và dễ dàng hoàn thành kế hoạch đi lùi đó.
Trong bài viết này, các doanh nghiệp vượt kế hoạch chỉ được xét trên nhóm đưa ra chỉ tiêu cao hơn so với thực hiện năm 2018. Dựa trên tiêu chí đó, số liệu thống kê của Vietstock cho thấy, có 17 doanh nghiệp niêm yết vượt kế hoạch lãi sau thuế và 23 doanh nghiệp vượt kế hoạch lãi trước thuế. Trong đó, có những doanh nghiệp khác đồng thời đạt cả 2 kế hoạch lãi trước và sau thuế chỉ sau 9 tháng đầu năm như POW, BLF, CVN, D11, GDW, HAI, HTL và KSD.
Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa mãn được những tiêu chí đã nói trên thì cũng còn nhiều vấn đề trắng đen cần làm rõ ở nhóm doanh nghiệp vượt kế hoạch kinh doanh.
Hai năm gần đây nhất, Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) trượt dài trong thua lỗ. Doanh nghiệp vốn ngàn tỷ này không còn báo lãi tăng khủng như những năm 2014 và 2015. Do đó, với con số kế hoạch lãi năm 2019 đề ra là 1.4 tỷ đồng, TSC dễ dàng vượt kế hoạch sau 9 tháng thực hiện, với tỷ lệ 1,107% tức gấp 11 lần kế hoạch.
Đầu tư Phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) cũng đạt lãi sau thuế gấp 2.8 lần kế hoạch chỉ sau 9 tháng đầu năm. Thực tế không đợi đến quý 3, sau quý đầu năm 2019, DTD đã vượt xa kế hoạch cả năm 2019. Thế nhưng khi nhìn lại, kết quả này không đến từ hoạt động chính, thậm chí sau 9 tháng, doanh thu thuần DTD giảm mạnh 36% so cùng kỳ. Theo đó, nhờ việc đánh giá lại khoản đầu tư (ghi nhận doanh thu tài chính hơn 74 tỷ đồng) tại CTCP Đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn III khi DTD nâng sở hữu từ 46% lên 65%. Rõ ràng, đây chỉ là một cách hạch toán chứ không phải nhờ DTD kinh doanh tăng trưởng.
Xét theo chỉ tiêu đã đề ra, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cũng lọt vào danh sách các doanh nghiệp vượt kế hoạch sau 9 tháng. Trong năm 2018, kết quả kinh doanh của CII rất thấp, chỉ đạt 95 tỷ đồng lãi ròng và không hoàn thành kế hoạch. Do đó, kế hoạch lãi sau thuế 717 tỷ đồng (sau khi trừ lợi thế thương mại) gấp 8 lần so với kết quả đạt được năm 2018.
Trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2019, CII mẹ chỉ có khoản thu nhập tăng trưởng đến từ hoạt động tài chính, không có thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính hay thu nhập khác. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 331 tỷ đồng trong quý 3 và 401 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2019.
CII cho biết lợi nhuận trong kỳ tăng đột biến do có lợi nhuận được chia từ các công ty con tăng cao (tăng 158.3 tỷ đồng) và thu nhập từ hoạt động thoái vốn đầu tư đã hoàn thành trong tháng 7/2019 đã giúp CII ghi nhận lợi nhuận quý 3 và 9 tháng tăng đột biến, nhưng phần lớn đang treo ở khoản phải thu. Ngoài ra, CII cũng có khoản phải thu ngắn hạn từ việc bán phần vốn trong Công ty TNHH Sài Gòn RiverFront 64.8 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước và sau thuế 9 tháng CII đạt 823 tỷ đồng và 762 tỷ đồng, gấp 2.7 lần và gấp 4.2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Còn như Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (HOSE: TNA), lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 156 tỷ đồng, vượt 56% chỉ tiêu đề ra cả năm. Song, cần lưu ý rằng kết quả này của TNA là nhờ chuyển nhượng vốn tại CTCP Phát triển thương mại Sài Gòn 268 bởi hoạt động chính lại cho kết quả đi lùi (biên lãi gộp 9 tháng 2019 còn 4.3%, giảm đáng kể so con số 5.4% cùng kỳ).
Ngoài ra, năm 2018, TNA đạt lợi nhuận chỉ gần 61 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp giảm tốc. Từ đó, TNA lên kế hoạch 2019 với lãi trước thuế 100 tỷ đồng, dù tăng so với năm 2018 nhưng cũng là chỉ tiêu thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải đơn vị nào cũng vượt kế hoạch như cách của CII và DTD. Nhiều ông lớn cũng cho thấy sự tăng trưởng, điển hình là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) khi đạt hơn 2,491 tỷ đồng lãi sau 9 tháng, vượt kế hoạch 10%.
Lĩnh vực bất động sản, với sự góp mặt của CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (HOSE: TN1) có lãi sau thuế 9 tháng đạt hơn 87 tỷ đồng, vượt nhẹ 4% so với kế hoạch. Một phần nguyên nhân TN1 vượt kế hoạch chỉ sau 9 tháng là do trong quý 3 Công ty đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể là CTCP Đầu tư va Quản lý Bất động sản TNS Property sang lĩnh vực quản lý Khu công nghiệp và khu nhà ở, các công ty con như CTCP dịch vụ vệ sinh công nghiệp TNS Clean, CTCP Đầu tư kinh doanh thương mại TNTrading… mở rộng quy mô hoạt động.
Còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2019, danh sách các công ty vượt kế hoạch chắc chắn sẽ nối dài thêm khi các doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị cho mùa vụ cuối năm. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có góc nhìn toàn diện hơn về bức tranh kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết.
Theo Cát Lâm/Fili/Vietstock
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.