Doanh nhân mở công ty sản xuất chocolate cao cấp dành cho người khuyết tật
Quon chocolate- một công ty chuyên sản xuất chocolate cao cấp, có trụ sở chính ở Toyohashi, tỉnh Aichi (Nhật Bản) đang viết nên câu chuyện đẹp, với những nhân viên đặc biệt. Từ một cửa hàng chính ở Toyohashi, đến nay công ty đã có nhiều chi nhánh trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, tháng 6/2021, Quon chocolate còn khởi động một dự án có tên là "powder lab". Những nhân viên ở đây đều là những người khiếm khuyết trí tuệ thể nặng.
Họ đảm nhận các phần việc nhẹ nhàng nhưng không thể thiếu trong toàn bộ quy trình làm chocolate, ví dụ như làm bột trà xanh từ lá và cuống trà, đảm bảo đủ liều lượng cần thiết để phù hợp với công thức làm chocolate trà xanh của công ty.
Theo đó, những nhân viên này được trả 50.000 yen (435 USD) mỗi tháng nếu họ làm 5 tiếng mỗi ngày và đủ 5 ngày mỗi tuần. Tính về thù lao theo giờ thì khoản tiền họ nhận được tại Quon cao gấp đôi so với các cơ sở phúc lợi.
Được biết, ông chủ của Quon chocolate là ông Hirotsugu Natsume, 44 tuổi- lãnh đạo Hiệp hội La Barca group, Doanh nhân này luôn đau đáu trước thực tế rằng người khuyết tật đang nhận được thù lao chưa tương xứng với những giá trị họ tạo ra. Ông chia sẻ, bản thân từng thất bại khi khởi nghiệp với dự án thiết kế xây dựng thang máy dành cho người khuyết tật tại các nhà ga vào khoảng năm 2000.
Doanh nhân Natsume (Ảnh: kyodo News)
Ông cũng nhận thấy từ thực tế rằng, một người khuyết tật chỉ kiếm được từ 3.000-5.000 yen mỗi tháng khi làm việc tại các cơ sở phúc lợi là quá thấp và quyết tìm cách giúp đỡ họ. Vào năm 2003, vị doanh nhân này đã mở một tiệm làm bánh cùng với 3 nhân viên là những người khiếm khuyết về trí tuệ. Dự án không thành công vì việc làm bánh mì không hề dễ dàng với những nhân viên này, đặc biệt là những áp lực về thời gian làm bánh.
Sau đó, ông tiếp tục với một quán cafe và cũng nhận cái kết tương tự vì công việc này cũng đi kèm những áp lực về thời gian phục vụ. Dù liên tục thất bại nhưng ông không đầu hàng và cơ duyên gặp gỡ Kazuo Noguchi, chuyên gia làm chocolate cho các khách sạn hạng sang và nhà hàng nổi tiếng ở Nhật Bản, đã giúp ông tìm ra hướng đi mới.
Vị doanh nhân này cũng đã dành thời gian học hỏi và nghiên cứu về quy trình làm ra những sản phẩm chocolate cao cấp để hiểu rằng việc tạo ra một thanh chocolate có vị ngọt hoàn hảo chỉ cần theo một quy trình dễ hiểu với một mục tiêu rõ ràng được định sẵn, một công việc rất "vừa vặn" với những người khuyết tật.
Bí quyết giao việc của vị doanh nhân cũng rất đặc biệt. Ông không đòi hỏi các nhân viên đặc biệt của mình phải thay đổi hay điều chỉnh bản thân mà sẽ chủ động lựa chọn cân nhắc những phần việc phù hợp với năng lực của mỗi người và quan trọng nhất là họ luôn duy trì tinh thần làm việc nhóm, quan tâm lẫn nhau. Hiện Quon chocolate đang có 550 nhân viên, tính cả những người làm việc ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, trong đó hơn một nửa (350 người) là những người có khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, rối loạn phát triển hoặc các vấn đề về tâm lý.
Công ty dự báo đạt doanh thu ròng 1,5 tỷ yen trong tài khóa 2021 (tính đến hết tháng 3/2022), tăng 25% so với năm ngoái. Hiện công ty đã mở chi nhánh ở 52 địa điểm trên cả nước, trong đó có 18 cơ sở sản xuất trải dài từ Hokkaido ở miền Bắc, tới đảo Kyushu ở miền Nam Nhật Bản. Mục tiêu của công ty là tạo nên những thương hiệu chocolate số 1 Nhật Bản, với chất lượng hảo hạng và những nhân viên đặc biệt.
Ở Việt Nam có rất nhiều những dự án, mối quan tâm dành cho người khuyết tật. Họ có thể là những doanh nhân, những tấm gương khuyết tật vươn lên giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Như chị Nguyễn Thị Thu Hiền (40 tuổi, quê Thanh Hóa), mắc bệnh còi xương do tuyến yên không phát triển từ khi chị lên 3 tuổi, chân tay yếu, không tự đi lại và phát triển bình thường được như nhiều đứa trẻ khác, Tuy nhiên, chị rất ham đọc và học, chị luyện viết và làm toán rất chăm chỉ.
Tốt nghiệp ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Vinh (Nghệ An), năm 2010, chị thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri chuyên sản xuất bàn ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, đình chùa và bệnh viện; cho thuê kho bãi, gara sửa chữa ô tô và Kinh doanh dịch vụ Billiard thể thao giải trí…
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 song Công ty của Thu Hiền vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo thu nhập ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.