Doanh nhân thương binh Nguyễn Văn Quỳnh: Người lính lặng thầm cống hiến cho Đất nước
Doanh nhân Nguyễn Văn Quỳnh, người lính lăn lộn trên chiến trường không có tiếng súng và lặng thầm cống hiến cho Đất nước, cho quê hương.
PV: Là một người lính với nhiều năm trên chiến trường nhưng khi trở về hoạt động kinh tế, Ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt trong ngành xây dựng. Ông có thể chia sẻ đôi chút về con đường đưa Ông đến với con đường kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh:Là một người lính trở về, hoàn thành nghĩa vụ trên chiến trường về với cuộc sống đời thường, ai cũng phải bước vào cuộc sống làm ăn kinh tế, trước mắt xây dựng kinh tế cho bản thân và gia đình và nếu thành đạt thì đóng góp cho xã hội. Khi bước vào thương trường, người lính rời tay súng hoàn toàn không có kiến thức, tôi đã phải đi làm thuê làm mướn và không ngừng học hỏi trong thời gian đi làm với niềm tin có lí trí và nghị lực thì nhất định sẽ thành công. Đi làm thuê ngày hôm nay để học hỏi kinh nghiệm để trưởng thành, trưởng thành đến đâu thì không biết, nhưng quan trọng là phải dùng ý chí nghị lực để vươn lên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chính vì thế nên khi bước vào làm ăn kinh tế, là thương binh không có sức khoẻ như người bình thường kiến thức cũng chưa tích lũy được nhiều. Lúc đó trong tư tưởng đi làm không chỉ đặt nặng vấn đề tiền lương, mà vấn đề là phải học được kiến thức, cách làm kinh tế, cách điều hành, quản lí, chính điều đó đã thôi thúc tôi trong nhiều năm lăn lộn kiếm sống.
Trải qua 15 năm không ngừng làm việc, từ việc nhỏ đến lớn, từ Nam ra Bắc bản thân đã có chút kinh nghiệm và có nhân duyên về với tập đoàn Hoàng Hà. Lúc đầu vào Tập đoàn được bổ nhiệm làm Phó ban tài chính, công tác được một năm sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng và nhận được tặng bằng khen cán bộ xuất sắc. Tôi được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc vào đúng ngày 27/7 vì trong tập đoàn cũng có một số cán bộ công nhân viên xuất thân từ bộ đội. Khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo tôi không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, hiểu được mình có khả năng gì, mình yếu kém về điểm nào. Học hỏi ngay trong cán bộ, đồng nghiệp công ty để hiểu thêm về chuyên môn, nhằm quản lí và điều hành hiệu quả hơn. Người lãnh đạo không nhất thiết là phải giỏi chuyên môn mà quan trọng là cách quản lí, điều hành công việc cũng như sử dụng con người vào đúng việc, khai thác được điểm mạnh của mỗi người. Do từng có thời gian trong quân ngũ nên được học và đào tạo chính vì thế tôi vận dụng vào thực tiễn. Sau một năm làm Phó tổng, đến năm thứ hai tôi dược bổ nhiệm làm Phó tổng thường trực, gần như điều hành toàn bộ công việc của tập đoàn. Chính từ yêu cầu cũng như áp lực của công việc tôi lại tiếp tục đi học Đại học tại trường Đại học Thương Mại, sau đó đến năm 2012 tôi đi học Thạc sĩ bởi vì tôi nhận thức được rằng trong công tác quản lí thì ngoài ý chí nghị lực, kiến thức rất là quan trọng.
PV: Xin Ông chia sẻ đôi chút về Công ty cơ khí dịch vụ tổng hợp 27/7, nơi đã tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho những người thương bệnh binh và con em của họ.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh:Trong thời gian làm lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Hà, rất nhiều anh em thương binh đến xin việc làm, ban đầu tôi cũng tạo điều kiện nhận một số anh em thương binh, nhưng dần về sau số lượng anh em đến xin việc ngày một đông, tôi cảm thấy không thể đưa hết tất cả các anh em về Tập đoàn làm việc. Chính vì thế tôi đã tập hợp một số anh em thương binh và thành lập Công ty Cổ phần cơ khí và dịch vụ tổng hợp 27/7, một đồng chí khác làm giám đốc còn tôi chỉ làm cổ đông sáng lập. Lúc đầu chỉ có 25 người vốn chỉ có 2,5 tỉ, phần lớn công việc phải đẩy từ Hoàng Hà sang, tuy nhiên có việc thương binh làm được có việc không bởi vì các anh em thương binh không có kiến thức, trình độ hơn nữa sức khỏe không được như người bình thường, khách hàng không hài lòng, công việc gặp khó khăn. Từ đó tôi nghĩ rằng nếu tôi cứ tiếp tục ở lại Hoàng Hà thì đơn giản quá, quan trọng là giúp đỡ được anh em thương binh nên tôi đã quyết định giành thời gian nhiều hơn cho Công ty 27/7. Sau một thời gian tôi quyết định chuyển về lãnh đạo Công ty 27/7 và hoạch định con đường phát triển kinh tế làm sao phù hợp với các anh em thương binh. Tôi đã quyết định đi theo mô hình không cần kiến thức, chỉ cần ý thức và trách nhiệm. Đầu tiên tôi và các anh em đi thuê lại những khu đất còn bỏ hoang, dựng mô hình nhà xưởng, kho và ban đầu đã gặt hái được một số thành công. Sau đó tôi cho các Doanh nghiệp thuê lại mặt bằng và hợp tác với các Doanh nghiệp mà mình có kiến thức về lĩnh vực đó. Nhận thấy các dự án lớn cần nhân công bảo vệ công trường, nên tôi đã thành lập đội ngũ bảo vệ và được khách hàng chấp nhận bởi các anh em xuất thân từ quân ngũ, có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó tạo thêm công việc bằng các dịch vụ như: dọn nội thất ô tô, gara sửa chữa ô tô ..... tạo thêm việc làm và thêm thu nhập cho anh em. Chính điều đó một lần nữa khẳng định rằng dù ở bất kỳ môi trường nào nếu mình có ý chí nghị lực và xây dựng đúng hướng thì nhất định sẽ thành công.
Nói về khu đất 6,5ha, ban đầu chúng tôi dự định làm dự án kho lạnh để phục vụ nhu cầu của thành phố, công tác giải phóng mặt bằng và đền bù cho những hộ dân xung quanh khu vực chúng tôi đã hoàn tất xong xuôi. Sau đó chúng tôi có gặp gỡ Tập đoàn Aeon của Nhật để hợp tác nhằm xây dựng trung tâm thương mại, ban đầu tôi chỉ muốn hợp tác để cùng xây dựng Dự án nhưng vì Nhật là đối tác kỹ tính nên họ không đồng ý. Chính vì thế tôi quyết định đồng ý chuyển nhượng lại khu đất và sẽ tìm một dự án khác. Việc hợp tác với tập đoàn Aeon là một thành công rất lớn và là bước ngoặt của tập thể Công ty cơ khí và dịch vụ tổng hợp 27/7 bởi không phải công ty nào cũng có cơ hội.
PV: Là một Doanh nhân thành đạt, vượt qua rất nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay, Ông muốn nhắn nhủ gì đến các Doanh nhân trẻ Việt Nam và những bạn trẻ đang muốn bước chân vào con đường kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh:Tôi xin chia sẻ với các bạn đã là Doanh nghiệp dù là nhỏ hay to bằng kinh nghiệm của bản thân, mỗi người trưởng thành theo con đường khác nhau, nhưng cái gốc phải là con người phải có kiến thức, nghị lực. Ai cũng phải đi từ con số không đi lên, có những người may mắn được đi học, có người điều kiện không cho phép. Cái quan trọng nhất là người đứng đầu phải có tầm nhìn phải có ý chí nghị lực luôn học hỏi, và luôn biết là mình đang đứng ở vị trí nào.
Trước tiên làm cái gì phải có kiến thức, kiến thức ở đây ko phải là học hành mà là sự hiểu biết, làm đến đâu học đến đấy, thứ 2 là nghị lực vượt qua khó khăn, có những lúc bản thân mình cảm thấy mệt mỏi chỉ muốn buông bỏ tất cả, gặp thất bại phải bình tĩnh, không nóng vội, phải biết mình có khả năng gì, sở trường gì. Không chạy theo thị trường, thấy người khác làm thành chưa chắc mình làm đã thành công, nếu có thành công thì chỉ là gặp may. Khi tôi còn học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân khoa Kinh tế Tài nguyên môi trường, trong một lần được mời giao lưu với các tân sinh viên, tôi đã từng chia sẻ: kiến thức rất cần cả trong trường và ngoài thực tế, không bên nào hơn bên nào mà hai cái bổ trợ lẫn nhau. Khi gặp thất bại thì phải tìm ra nguyên nhân và rút kinh nghiệm.
PV: Xin cảm Ông về cuộc trò truyện đầy thú vị. Chúc Ông sức khỏe và hạnh phúc
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.