Doanh nghiệp chưa biết tự vệ
Nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chủ động nên các doanh nghiệp (DN) chưa biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ thị trường nội địa cũng như tự bảo vệ mình ở thị trường xuất khẩu. Đó là nội dung được nhắc đi nhắc lại tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức sáng 6-11 ở TP HCM.
Mỗi tháng chống đỡ 1 vụ
Trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài chịu đến 98 vụ PVTM, trong đó riêng về chống bán phá giá có đến 59 vụ. Bà Phạm Hương Giang, Phòng Xử lý các vụ kiện PVTM của nước ngoài thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết số vụ việc PVTM mà Việt Nam phải chống đỡ ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay có đến 11 vụ chống bán phá giá đối với hàng Việt xuất khẩu, trong đó có 6 vụ về thép. Tính trung bình, mỗi tháng Việt Nam phải đối diện với 1 vụ PVTM.
Từ đầu năm đến nay, có đến 11 vụ chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam xuất khẩu, trong đó có 6 vụ về thép. Ảnh Hoàng Triều
Không chỉ Mỹ, EU điều tra PVTM đối với hàng Việt mà những thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và cả một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia) cũng tích cực điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra không còn tập trung ở nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hay thế mạnh như thép, sợi, thủy sản, tôm, cá tra mà cả những mặt hàng kim ngạch thấp. “Xu hướng hiện nay các nước không chỉ kiện đơn mà kiện kép (vừa kiện chống bán phá giá vừa chống trợ cấp), kiện chùm (đơn kiện đồng thời nhiều nước) và kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện)” - bà Phạm Hương Giang cho biết thêm.
Mặc dù phải liên tục chống đỡ các vụ PVTM, Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản PVTM tại sân nhà. Từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành pháp lệnh chống bán phá giá, pháp lệnh chống trợ cấp và pháp lệnh về tự vệ nhưng đến nay chỉ mới thực hiện 3 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập vào Việt Nam. Theo ông Phùng Gia Đức, Phòng Điều tra vụ kiện PVTM của DN trong nước - Cục Quản lý cạnh tranh, sau khi bị nước nhập khẩu áp dụng PVTM, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam mất dần thị trường, phải quay về thị trường nội địa. Hành trình quay về “sân nhà” khá chật vật vì đã bị hàng hóa các nước chiếm lĩnh. Vì vậy, DN Việt phải chủ động hơn, làm thế nào thắng ngay trên sân nhà và thay vì ngồi chờ bị kiện thì phải chủ động đề nghị áp dụng PVTM.
Quá bị động
Trả lời câu hỏi vì sao hơn 10 năm có pháp lệnh PVTM và gần 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vẫn chưa quen với PVTM? Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng đến nay PVTM vẫn là câu chuyện mới. “Việt Nam mở toang cửa cho các nước bán hàng vào mà không có động thái phòng vệ nào. Bản thân DN thì chưa nhận thức được các biện pháp PVTM là công cụ bảo vệ ngành nghề, lĩnh vực của mình được nhà nước cho phép áp dụng; chưa chủ động nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp PVTM, cũng không biết làm sao cho phù hợp, không đầu tư nguồn lực cũng như quan tâm đúng mức đến vấn đề này” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, DN các nước rất nhạy bén, xem PVTM là 1 phần trong chiến lược cạnh tranh, có bộ phận chuyên theo dõi thị trường, tập hợp số liệu… nên phản ứng rất nhanh khi hàng nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá. DN Việt Nam chưa có nhân sự và điều kiện để làm việc này, cũng không có khả năng thu thập chứng cứ, thông tin về thị trường, số liệu về giá bán của hàng hóa trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Ngoài ra, theo quy định của WTO, muốn đứng đơn kiện, nguyên đơn phải chiếm ít nhất 25% thị phần trong khi DN Việt Nam đa số là nhỏ nên không đáp ứng được yêu cầu này. Các DN cùng ngành lại cạnh tranh với nhau, thiếu liên kết nên rất khó bắt tay bảo vệ quyền lợi chung. Với các vụ kháng kiện PVTM, thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy Việt Nam thoát khỏi các vụ điều tra không thành công do DN không hợp tác, rút khỏi vụ việc hoặc tham gia không đầy đủ.
Một bất cập khác cũng gây trở ngại là thiếu nhân sự am hiểu về PVTM. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các DN xem việc bị kiện như một tai nạn, chi phí tham gia các vụ kiện cáo là chi phí bất thường, hạch toán vào lãi - lỗ nên thấy chi phí quá lớn so với lợi ích mang lại.
“Nếu DN xem PVTM là một chiến lược cạnh tranh, chi phí bỏ ra là chi phí đầu tư để bảo vệ thị trường nội địa thì sẽ mạnh dạn sử dụng” - ông Phùng Gia Đức nói.
Ngại kiện tụng, thiếu liên kết
Có nhiều kinh nghiệm về PVTM, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết các DN rất ngại những vấn đề liên quan đến kiện tụng, ngại cung cấp thông tin mặc dù thông tin DN được bảo mật theo quy định của WTO. Đó là chưa kể DN cung cấp thông tin không đúng, tự “đánh” nhau, phá giá gây bất lợi cho nhau tại thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, DN càng cung cấp số liệu cụ thể bao nhiêu thì càng có lợi vì đó là cơ sở để Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu, bảo vệ DN.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.