“Đôi mắt” nhìn thấy mọi điều
Chị Phạm Ngọc Dung (váy hồng góc trái ảnh) với nụ cười luôn nở trên môi trong mỗi tiết mục (ảnh: Thu Khánh)
Cá lội ngược dòng là cá sống
Những ai chứng kiến cuộc thi PASS ngày hôm ấy hẳn sẽ đặc biệt ấn tượng với một nữ thí sinh vóc người nhỏ bé, nụ cười luôn nở trên môi trong mỗi màn biểu diễn, động tác thành thục không kém gì một vũ công chuyên nghiệp đang “cháy” hết mình, tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu – chị Phạm Ngọc Dung. Khi tôi kể mình là một khán giả đi xem cuộc thi PASS, chị không nén nổi xúc động chia sẻ “Chưa bao giờ dám nghĩ mình được lên sân khấu biểu diễn cho nhiều người xem đến như thế nên vui lắm, chị và mọi người tập luyện rồi ngóng trông hồi hộp bao ngày, bây giờ nghĩ lại buổi sáng ấy vẫn đẹp như một giấc mơ.” Tại hội trường C học viện Múa ngày hôm đó, chị Dung gần như tham gia tranh tài ở mọi nội dung, và với mỗi phần thi, chị đều “phiêu” hết mình theo giai điệu, tựa hồ như không biết mệt mỏi. Dường như đối với chị, nhảy không còn là sự kết hợp giữa đôi chân, đôi tay và đôi mắt mà đơn thuần chỉ là vũ điệu của trái tim, mắt chị và các thí sinh khiếm khuyết nhưng họ vẫn có thể cảm nhận từng chuyển động nhịp nhàng nơi linh hồn bạn nhảy để từ đó phối hợp ăn ý đến lạ kỳ.
Khó có thể tin được người phụ nữ khiếm thị với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi ấy cũng đã từng suy sụp biết chừng nào. Cuộc sống tươi đẹp, tương lai hứa hẹn của cô bé Phạm Ngọc Dung – Dung Din đột nhiên đổ sập, trở thành bức tranh đen kịt kể từ một lần sốt cao. Ngày hè nóng nực ấy, cô bé Dung Din 9 tuổi sáng đi học về vẫn khỏe mạnh, nhưng đến buổi chiều định mệnh, trận sốt cao kéo đến. Với hiểu biết còn hạn chế, cô bé hoảng hốt uống liền hai viên hạ sốt với mong muốn mau khỏi. Nhưng không ngờ, hai viên thuốc gây nên sốc phản vệ nghiêm trọng và khi cô bé mở mắt ra lần nữa đã là hai tháng sau. “Chị sống thực vật suốt hai tháng trời, mấy lần bệnh viện còn định trả về, bảo không cứu được nữa, nhưng lúc đó bố mẹ không từ bỏ. Và cuối cùng chị cũng tỉnh lại, nhưng một bên mắt đã vĩnh viễn không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời.” – chị nghẹn ngào nhớ lại.
Những ngày tháng tiếp theo như cơn ác mộng dài bất tận với chị Dung. Chị ở lì trong nhà, mỗi khi con mắt còn nhìn thấy mờ mờ kia nhìn vào gương và nhận thấy mình đã khác biệt quá nhiều chị không cầm được nước mắt. Chị tránh né mọi người, thu mình vào một thế giới riêng để trốn chạy khỏi tổn thương. Bố mẹ chị thấy đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra ngày một héo hon suy sụp không khỏi đau lòng. Hai ông bà động viên chị mãi, và sau hơn một học kỳ làm chú sâu nhỏ vùi mình trong kén, những tưởng cô bé Dung Din có thể hòa nhập trở lại nhưng không, bi kịch một lần nữa xảy ra. Chị phải học cùng lứa kém một tuổi, và lũ trẻ ngày ấy khờ dại chưa biết thế nào là cảm thông đã trêu chọc, bắt nạt chị. “Kể cả bây giờ, cứ bảo là tâm lý vững rồi, nhưng ai lỡ lời mà nói ‘mù’ thì chị cũng vẫn không khỏi chạnh lòng, vẫn thấy tủi thân, huống hồ là lúc ấy…” - chị trầm ngâm bỏ lửng câu nói, miệng khẽ nở một nụ cười buồn.
Phá kén
Thị lực của chị Dung ngày một kém dần, việc học ngày càng trở nên khó khăn đối với chị. Đến năm lớp 8, chị không thể theo học bình thường được nữa. Bố mẹ chị lúc đó đã nộp đơn xin cho chị học trường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng không may, chị đã quá tuổi có thể nhập học của trường. Vậy là cô học trò Dung Din đành ngậm ngùi từ biệt con chữ từ ngày ấy. Sau khi thôi học, chị phụ giúp chăm sóc các em nhỏ ở nhà trẻ của mẹ. Có lẽ chính bởi dành phần lớn thời gian bên lũ trẻ nên chị đã học được cách kiên nhẫn và bao dung, đồng thời sự thuần khiết của lũ trẻ cũng khiến chị cảm thấy bình yên trở lại.
Một ngày kia, mẹ chị biết được hóa ra quận mình ở cũng có câu lạc bộ (CLB) người khiếm thị, bà vừa mừng vừa lo. Mẹ nào mà chẳng thương con, thấy con ru rú trong nhà, chẳng có bạn bè suốt bao năm bà đau xót vô cùng. Bà dùng hết tấm lòng người mẹ để thuyết phục con gái thử đến tham dự một buổi sinh hoạt CLB. Và bước ngoặt lần nữa đến với chị Dung. “Từ ngày một mắt hỏng, chị cảm thấy mình như là người xui xẻo nhất, không biết bao nhiêu lần chị trách ông trời tại sao chuyện này lại xảy ra với mình. Nhưng đến CLB, nói chuyện với mọi người, biết được nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn mình. Ở nhà thì mắt kém nên mình cũng phải nhờ vào mọi người nhiều, đến CLB mình cũng giúp được mọi người, cảm giác mình vẫn còn có ích.” – với giọng nghèn nghẹn, chị nhắm mắt hồi tưởng để ngăn đôi mắt phải làm việc quá sức. “Nên là chị cũng dạy hai đứa con, làm người sống luôn nhìn về phía trước để cố gắng, nhưng đôi khi cũng phải quay lại phía sau để biết mình còn hạnh phúc hơn nhiều người, học cách biết bằng lòng và trân trọng những gì đang có.”
“Từ ngày đến sinh hoạt CLB, chị như được tái sinh, cũng tự tin tham gia nhiều hoạt động hơn. Trước chị cũng tham gia đội tuyển điền kinh người khuyết tật quốc gia đấy chứ, đi thi còn giành được huy chương bạc nữa.” - chị Dung tươi cười chỉ cho tôi một bó huy chương treo trên tường, giải nào cũng đủ cả. Thật không ngoa khi nói CLB đã giúp cô sâu nhỏ Dung Din phá kén, trở thành chú bướm xinh đẹp vút bay tô điểm cho đời. Và trong những lần tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật, định mệnh đã khiến chị gặp được anh Lý – người chồng của chị bây giờ, một người khiếm thị bẩm sinh nhưng luôn cố gắng vượt khó vươn lên.
“Bố mẹ con bình thường!”
“Bạn chỉ cần sống tốt, trời xanh tự khắc sẽ an bài” – câu nói này đặc biệt đúng với cuộc đời chị Dung. Thấu hiểu và đồng cảm, yêu thương nhau thật lòng, sau tròn một năm quen nhau, việc tìm hiểu của chị và anh Lý kết thúc có hậu bằng đám cưới nhỏ mà đầm ấm cùng sự chung vui chúc phúc của gia đình bè bạn. Tình yêu của hai anh chị đã đơm hoa kết trái ngọt ngào với sự hiện diện của hai công chúa nhỏ hoàn toàn khỏe mạnh. Anh Lý bồi hồi nhớ lại quãng thời gian vợ mang thai và sinh đứa con đầu lòng “Anh biết chị cũng lo lắm chứ, nhưng chị thương anh, sợ anh áp lực nên không nói ra lời. Từ khi mang thai đến lúc đẻ hai vợ chồng luôn cầu trời cầu Phật hi vọng con ra đời khỏe mạnh.”. Còn đối với chị Dung, những kí ức ấy vẫn vẹn nguyên như chỉ mới hôm qua “Khi mà sinh đứa đầu, cả bà nội bà ngoại lên viện chăm sóc, lúc đón bé từ tay bác sĩ, hai bà nhìn đầu tiên là vào đôi mắt của nó. Hình như lúc ấy chắc con cũng biết mình đang mong ngóng đợi chờ, đang bế con tự nhiên mở choàng mắt nhìn hết người này đến người kia. Cảm giác lúc ấy hạnh phúc vô ngần, chị thấy đấy là điều may mắn nhất cuộc đời mình.” – chị kể lại với giọng nghẹn ngào.
Sinh con ra khỏe mạnh là hạnh phúc của mỗi cặp vợ chồng, nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, và anh Lý chị Dung ở hiền gặp lành nên trời ban cho đôi vợ chồng khiếm khuyết hai thiên thần nhỏ đều ngoan ngoãn hiểu chuyện. “Con thấy bố mẹ các bạn khác đã vất vả rồi, bố mẹ con như vậy còn vất vả hơn, con càng yêu thương bố mẹ nhiều hơn.” – chị Dung trìu mến nhớ lại lời con gái. “Mà á, con bé cũng bảo con lớn lên trong hoàn cảnh thế này thì càng phải mạnh mẽ, tự lập và nghị lực hơn. Đấy, nó lạc quan thế cơ mà!” Khi tôi hỏi chuyện đứa con lớn của chị, cô bé đã không ngần ngại mà dõng dạc trả lời “Bố mẹ em bình thường!”
Trái tim là “giác quan thứ sáu”
Hỏi về những bất tiện khi việc nhìn hạn chế, chị Dung chỉ cười hiền hậu “Cuộc sống mà, ai cũng có những nỗi khổ riêng, người ngoài nhìn vào những người như bọn chị là hiểu ‘à bạn này không nhìn được, bạn hẳn khó khăn nhiều lắm’, còn khỏe mạnh như các em thì trông ngoài mặt vui vẻ đấy nhưng mấy ai không có nỗi buồn chất chứa trong lòng?” – lời chị nói làm khóe mắt tôi cay cay, bởi một người khiếm thị với biết bao khó khăn vất vả trong cuộc sống mà vẫn có thể nghĩ được như vậy. Đổi lại là tôi, nếu một ngày tôi không thể cảm nhận cuộc sống bằng đầy đủ các giác quan, hẳn tôi sẽ chẳng thể nào vượt qua được. Tôi tự hỏi, để những người khiếm thị suy nghĩ được như vậy phải cần nghị lực và sự lạc quan lớn đến chừng nào?
Ông trời cướp đi của người khiếm thị đôi mắt, nhưng bù đắp cho họ trái tim vô cùng nhẫn nại, bao dung để nhìn thấu vạn điều. Chúng ta nhìn bằng mắt - cửa sổ tâm hồn, còn người khiếm thị “nhìn” bằng giác quan thứ sáu: bằng trái tim, bằng cả tâm hồn. Cảm đời bằng tâm hồn rộng mở, vậy nên tâm hồn - trái tim - “đôi mắt” họ cũng đẹp đẽ không thua kém bất kỳ ai. Vả lại, những người “hoàn hảo” chúng ta cầu nguyện (hy vọng), khóc vì mừng vui (hạnh phúc) hay khi hôn nhau (yêu) cũng đều nhắm mắt. Đó chẳng phải minh chứng rõ ràng cho thấy những gì tốt đẹp nhất đều không thể nhìn được bằng mắt thường mà phải cảm nhận bằng trái tim hay sao? Người khiếm thị cũng giống người bình thường, họ cảm nhận được trọn vẹn những điều tuyệt vời nhất trên thế gian, và đó chính là tận hưởng cuộc sống. Vì lẽ đó, theo tôi, người khiếm thị không hề cần chúng ta thương hại hay quyên góp “ban ơn”. Sự ủng hộ, thấu hiểu và công nhận của những người bình thường mới chính là điều họ khát khao.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.