Vẫn còn nhiều định kiến xã hội đối với người khuyết tật
Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ trong xã hội vẫn còn có cái nhìn tiêu cực với người khuyết tật. Cụ thể, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, nông thôn và miền núi, những nơi mà chính sách về người khuyết tật của nhà nước chưa được phổ biến rộng rãi nên người dân ở đây chưa có nhận thức đầy đủ về người khuyết tật. Vì vậy, cơ hội người khuyết tật hòa nhập vào xã hội rất khó khăn vì trong đó vẫn còn tồn tại những định kiến ngầm rất khó có thể xóa bỏ được.
Vẫn còn có cái nhìn phiến diện
Khi tôi về Hải Dương để đi học, mọi người ở khu tôi sống rất hòa đồng và họ rất hiểu rõ về những người khiếm thị như tôi. Họ biết, chúng tôi cần gì và muốn gì. Họ tận tình giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn. Đó là nhờ vào các chính sách an sinh xã hội và sự cố gắng của người khuyết tật nên họ đã có cái nhìn cởi mở hơn về chúng tôi. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông trong lúc mọi người khiếm thị khác lại đi theo lối mòn là họ sẽ học những ngành xã hội nếu có điều kiện học đại học còn không thì họ sẽ đi theo lối mòn là làm những công việc trước đây xã hội luôn cho rằng nó rất phù hợp với họ.
Cụ thể, khi nghĩ tới người khuyết tật thì họ nghĩ ngay tới làm may, làm đồ thủ công, mĩ nghệ, đánh giầy, bán vé số,… đó là đa phần người khuyết tật nói chung từ những bạn khuyết tật vận động hay những bạn khiếm thính nhưng khi nhìn vào người khiếm thị thì họ sẽ nghĩ ngay tới việc là chúng tôi chỉ làm massage, xoa bóp bấm huyệt, hát rong, vót tăm tre, đan giỏ sách, chăn nuôi gia súc, làm vườn hay các nghề thủ công khác. Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì có rất nhiều người khiếm thị như chúng tôi có thể làm những nghề mà nhiều người bình thường chưa chắc có thể tin được như bán hàng online, sáng tạo nội dung, marketing, chăm sóc khách hàng, lập trình viên, giáo viên,…
Có thể thấy, người khuyết tật đã cố gắng thay đổi tuy nhiên, vẫn còn định kiến ngầm bủa vây họ khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng. Làm cho họ đánh mất đi rất nhiều cơ hội được chứng tỏ bản thân mình. Câu chuyện của tôi cũng không là ngoại lệ, khi tôi quyết định theo đuổi ngành IT và trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp mặc dù, thầy cô bạn bè của tôi rất ủng hộ tôi vì đơn giản là họ có suy nghĩ rằng, tôi sẽ về giúp ích cho cộng đồng nhưng những người xung quanh bao gồm cả gia đình, họ hàng, cô dì chú bác anh chị em của tôi hầu như phản đối rất ít người ủng hộ con đường mà tôi đang theo. Họ nghĩ rằng, việc người khiếm thị có thể trở thành một lập trình viên là viển vông, ảo tưởng sức mạnh. Họ còn bịa ra đủ thứ lý do để làm nhụt chí, làm suy sụp tinh thần của tôi. Một vài lý do như: khi tôi đi làm thì sẽ không có ai chịu làm việc với tôi, không có môi trường đào tạo lập trình cho người khiếm thị, tôi dễ bị lợi dụng,… còn nhiều lý do trời ơi đất hỡi khác mà tôi phải nghe.
Sau những trải nghiệm và thất bại của tôi trong thời gian qua và những tìm hiểu của tôi thì tôi mới nhận ra những gì họ nói là đúng. Hầu hết, người khiếm thị học lập trình xong thì cũng ra nước ngoài làm hoặc quay lại đường cũ là làm massage. Coi như lập trình chỉ là công cụ để họ thỏa mãn đam mê chứ không thể kiếm thu nhập được. Nhưng một lý do mà tôi cảm thấy ngớ ngẩn nhất là họ nói rằng, đồng nghiệp sáng mắt sẽ sao chép code của tôi. Việc gian lận hay sao chép thành quả của người khác thành của mình ở Việt Nam là không hề hiếm. Cái đó, cần phải chấn chỉnh ngay thì mới có một xã hội văn minh được. Nhưng tôi không nói tới vấn đề đó ở đây. Tại sao tôi lại nói là lý do đó là ngớ ngẩn, vì trong lập trình thì mỗi người có một cách viết code khác nhau kể cả có sao chép đi chăng nữa thì nếu không đọc được code của người mà bạn sao chép và không hiểu nội dung đoạn code đó đang đề cập cái gì thì sao chép cũng không làm được gì cả.
Bỏ qua những khó khăn đó, tôi vẫn tự học lập trình và tìm thêm cho mình một công việc phụ để duy trì nguồn thu nhập. Mặc dù, việc viết lách không phải là thế mạnh của tôi nhưng ít nhất nó cũng kiếm cho tôi một nguồn thu nhập đáng kể. Tuy không nhiều nhưng nó khiến tôi nói lên tiếng nói của mình. Biết rằng, sự nỗ lực của tôi là vậy nhưng vẫn có người nói tôi là mắt kém thì cứ an phận thôi đừng có đòi hỏi, có công việc là tốt lắm rồi. Ý họ nói là họ muốn tôi phải đi làm tẩm quất nhưng họ có hiểu rằng, người khuyết tật cũng như bao nhiêu người khác thôi. Họ cũng có thế mạnh, đam mê, sở trường riêng, họ cũng giỏi về một lĩnh vực nào đó. Thế nên, việc gắn cho họ cái mác là cứ là người khiếm thị thì phải hát rong, massage thì mới đúng bài. Như thế, coi như làm mất đi cơ hội được trải nghiệm những điều mới mẻ của họ.
Khiến cho họ có niềm tin giới hạn về bản thân, không được sống là chính mình và cũng không dám thể hiện bản thân nữa. Họ nghĩ rằng, massage mặc định là nghề của người khiếm thị rồi chứ không có nghề nào khác. Tuy nhiên, người khuyết tật hiện nay có vô vàn những nghề có thể làm được. Nhiều người khiếm thị đã thành công trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau và họ đã cho xã hội thấy họ cũng như bao nhiêu người khác. Khi mọi người nhìn vào thì họ cảm thấy rất khó tin, họ nghĩ rằng đây là tài năng thiên bẩm của người khuyết tật vậy. Có nhiều câu mà tôi đọc trên mạng xã hội kiểu như có tật có tài hay họ rất tội nghiệp,… nhiều câu đó phản ánh là nhận thức của xã hội về người khuyết tật chưa được cao.
Thực tế cho thấy, người khuyết tật phải nỗ lực rất nhiều, phải trải qua thất bại nhiều thì họ mới thành công như vậy chứ không phải tự nhiên mà có. Thế nên, những câu nói trên chứng tỏ là họ vẫn chưa hiểu biết gì về người khuyết tật cả. Nếu có tật mà có tài thì ai cũng muốn trở thành người khuyết tật chứ lành lặn để làm gì khi mà bất tài. Việc thiếu đi một bộ phận trên cơ thể chỉ làm cho người khuyết tật gặp khó khăn hơn chứ không hề tốt hơn. Nhiều người vẫn có những câu cửa miệng quen thuộc như người khuyết tật là những người bất hạnh, kém may mắn, yếu thế,… Chính vì những suy nghĩ như vậy, khiến cho họ chùn bước thiếu tự tin và làm giảm cơ hội hòa nhập của họ.
AI cũng cần được khen ngợi, ghi nhận vì sai lầm là giúp ta trưởng thành. Thế nên, chúng ta cần nhìn nhận người khuyết tật một cách tích cực để giúp họ thoát ra khỏi vỏ bọc của sự tự ti. Từ đó, giúp họ trở nên thành công hơn. Tôi biết, ngoài việc làm còn có nhận thức về hôn nhân hay học tập. Có những người nghĩ rằng, người khuyết tật chỉ yêu người khuyết tật. Có những người thì muốn người khuyết tật yêu người không khuyết tật để sau này họ có thêm sự trợ giúp từ đối phương.
Cũng có ý kiến cho rằng, người khuyết tật không nên lập gia đình vì họ không thể tự chăm sóc bản thân. Về học tập, có hai luồng quan điểm, một bên cho rằng, người khuyết tật chỉ nên học trường của người khuyết tật cũng có quan điểm cho rằng, người khuyết tật nên học cùng với người không khuyết tật để họ có giao tiếp xã hội. Xét theo quy định của nhà nước thì suy nghĩ là người khuyết tật chỉ học với người khuyết tật là sai vì nhà nước ta khuyến khích việc học hòa nhập. Trừ khi những dạng tật yêu cầu sự hỗ trợ đặc biệt thì mới phải học riêng thôi. Tôi nghĩ, Nếu có môi trường phù hợp thì họ có thể phát huy hết năng lực của mình. Cho dù, suy nghĩ theo quan điểm nào thì người khuyết tật xứng đáng được tôn trọng và tạo điều kiện. Dù cho họ có gặp khó khăn tới đâu, những định kiến trong hôn nhân, giáo dục, việc làm hay sự phân biệt đối xử kì thị cũng làm giảm đi niềm tin của cộng đồng người khuyết tật. Nó là nguyên nhân chính đẩy người khuyết tật ra bên lề xã hội. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi định kiến, nhận thức cũng như có cái nhìn khác về người khuyết tật để giúp họ có một cuộc sống tròn đầy.
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác mà tôi chưa kể đến như có một vài gia đình chỉ vì mặc cảm, tự ti, xấu hổ với hàng xóm láng giềng vì nỡ sinh con ra bị khuyết tật nên họ tìm đủ mọi cách để giấu con của họ đi. Thậm chí, họ còn không cho tiếp xúc với cả những người đồng tật, đồng cảnh nữa. Có những gia đình chỉ vì quá thương con, họ sợ con cái của họ khi ra ngoài xã hội sẽ bị bắt nạt, bóc lột nên họ không dám cho con của họ ra khỏi nhà, không muốn cho con cái của họ đi học, đi làm. Biết rằng, nhu cầu của người khuyết tật cũng không khác gì với người không khuyết tật. Họ cũng cần được vui chơi, giải trí, lao động, học tập như bao nhiêu người khác.
Tuy nhiên, chỉ vì định kiến của xã hội mà khiến cho họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt để hòa nhập cộng đồng. Chưa kể, có một vài gia đình vì sợ phải nuôi con khuyết tật, sợ con là gánh nặng cho mình nên họ sẵn sàng bỏ rơi con của mình. Thoái thác trách nhiệm cho người khác. Mặc kệ bị xã hội lên án nhưng họ vẫn dửng dưng coi như không có chuyện gì xảy ra với họ cả. Điều đó thật đáng buồn, biết cha mẹ nào cũng muốn con cái mình giống như bao đứa trẻ khác nhưng thực tế thì mỗi người sinh ra trên đời này không ai giống ai cả, mỗi người có một sứ mệnh riêng, một cuộc đời riêng, một hoàn cảnh riêng, một số phận riêng, tóm lại chúng ta sinh ra là một cá thể độc lập không ai giống ai, ai cũng có thể cống hiến sức lực cho xã hội, chỉ có điều là họ có được đặt đúng chỗ không thôi. Thế nên, chúng ta thay vì lẩn tránh nó thì hãy tìm mọi cách để thích nghi với nó. Mặc dù, lúc đầu sẽ gặp khó khăn nhưng ít nhất có thể bù đắp được những khiếm khuyết trên cơ thể. Chưa kể, một số người coi người khuyết tật như những món hàng, họ ra sức bóc lột, lợi dụng người khuyết tật để chuộc lợi cho bản thân mình.
Việc kiếm tiền trên thân thể của người khác là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật cần được lên án mạnh mẽ. Mặt khác, ở trong nam người khuyết tật được hỗ trợ rất nhiều như trao quà, từ thiện,… tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, việc từ thiện cũng thể hiện cái tâm của những người giúp đỡ họ nhưng sẽ là con dao hai lưỡi khi nó sẽ làm cho người khuyết tật có tâm lý ỷ lại và không có động lực để cố gắng. Vì vậy, họ vẫn ở điểm xuất phát chứ không tiến tới thành công được. Thay vì chúng ta làm từ thiện thì hãy tạo công ăn việc làm cho họ lúc đó, họ sẽ có thu nhập nuôi sống bản thân và việc trao con cá thì họ chỉ sống được ngày nào hay ngày đó còn nếu trao cần câu thì họ có thể tự câu được nhiều cá hơn. Họ sẽ chủ động học hỏi để nâng cao trình độ và hiểu biết của mình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật có thêm cơ hội nâng cao giá trị bản thân cũng như tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội. Nhờ đó, đem lại một xã hội tốt đẹp hơn, nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật sẽ được nâng cao. Xóa bỏ định kiến ngầm, kì thị phân biệt đối xử với người khuyết tật. Giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, lạc quan, vui vẻ hơn. Góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho người khuyết tật.
Cải thiện truyền thông
Thường thì đa phần các bài báo hay tạp chí đều đề cập các gương người khuyết tật tiêu biểu. Những người khuyết tật luôn bị hình tượng hóa nhân vật, luôn bị nói quá lên mức bình thường. Ví dụ, những người khuyết tật đang gặp khó khăn trong cuộc sống thì họ sẽ viết theo câu chuyện bi thương để rủ lòng thương hại từ cộng đồng còn những người khuyết tật thành công thì họ sẽ ví như những siêu anh hùng để xã hội nhìn vào đó mà noi gương theo. Biết rằng, người khuyết tật hơn những người không khuyết tật là họ có động lực phấn đấu, có ý chí vượt qua khó khăn nhưng không vì thế mà hình tượng hóa họ như những người hùng.
Làm như vậy, sẽ tạo áp lực cho họ chứ không phải giúp họ thoải mái. Chúng tôi cần được tôn trọng, cần được ghi nhận, khen ngợi nhưng không có nghĩa là nói một cách quá đà như vậy vì chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác. Cũng có trí tuệ, có sức khỏe, có nhận thức đầy đủ chỉ là chúng tôi thiếu đi một bộ phận trên cơ thể và chúng tôi chỉ có bất tiện hơn mà thôi chứ không hề bất hạnh như nhiều người lầm tưởng. Chính vì truyền thông sai cách nên sẽ hướng mọi người tới những góc nhìn chủ quan hơn là khách quan. Cũng có thể, rất ít người có điều kiện tiếp xúc với người khuyết tật nên mới có góc nhìn phiến diện như thế. Vì vậy, việc truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật rất quan trọng. Từ đó, giúp xã hội có sự nhìn nhận đúng về người khuyết tật. Từ đó, họ mới ngày càng có chỗ đứng trong xã hội.
Chỉ khi những định kiến, rào cản xã hội được xóa bỏ thì người khuyết tật hoàn toàn có được những cơ hội bình đẳng như bao nhiêu người khác. Ở Việt Nam hiện tại, mọi người đang truyền thông rất nhiều theo hướng một câu chuyện, hoàn cảnh của một cá nhân nào đó. Thay vì vậy, chúng ta nên truyền thông theo hướng một vấn đề cụ thể như người khuyết tật đang gặp những khó khăn chung gì? Chúng ta có thể khai thác từ những khía cạnh khó khăn của người khuyết tật và cần có những việc làm cụ thể để trợ giúp người khuyết tật. Dựa trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, tôi mong muốn xã hội hãy nhìn nhận theo hướng tích cực để người khuyết tật chúng tôi được tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Chúng tôi cần được trao cơ hội chứ không cần sự thương hại vì thương yêu với thương hại nó khác nhau nhiều lắm. Chỉ khi được trao cơ hội thì chúng tôi mới được là chính mình không phải là gánh nặng cho xã hội. Nếu chúng tôi được tạo điều kiện để phát triển bản thân thì chúng tôi sẽ tạo ra rất nhiều kì tích hơn thế nữa. Lúc đó, mọi người sẽ có cái nhìn thân thiện hơn với chúng tôi. Mặc dù, truyền thông theo cách cũ thì sẽ chạm vào lòng thương của độc giả nhưng nếu truyền thông theo cách đó thì sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn tăng khó khăn cho người khuyết tật chứ không hề giảm. Vì vậy, chúng tôi chỉ cần được đối xử công bằng như bao nhiêu người khác, thay vì kì thị phân biệt thì hãy coi chúng tôi như những người bạn, chúng tôi cũng cần được tôn trọng, cần được lắng nghe, cần được chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình.
Ngoài ra, chúng tôi hi vọng xã hội hãy nhìn nhận chúng tôi theo hướng tích cực và hãy coi chúng tôi là một thành phần của xã hội, là một lực lượng lao động chính đóng góp cho xã hội chứ không phải là người đem lại gánh nặng cho xã hội hay là những kẻ đáng thương, tội nghiệp như mọi người thường nghĩ. Chính vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực, đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho cộng đồng người khuyết tật dù cho kết quả của nó đi tới đâu thì chúng tôi vẫn quyết tìm lại những thứ mà đáng nhẽ ra chúng tôi xứng đáng được hưởng như giáo dục, việc làm, hôn nhân,… VÌ thế, chúng tôi rất mong sự quan tâm của xã hội, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để chúng tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống, mở ra cánh cửa tương lai cho chính mình.
Có thể nói, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật là một quá trình lâu dài và liên tục. Để làm được điều này, cần có sự đóng góp của các ban, bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để giúp người khuyết tật có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, giảm bớt khó khăn đối với cộng đồng người khuyết tật và giúp cho họ có thêm sức mạnh để bước tiếp trên hành trình truyền đi năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Tôi hi vọng rằng, xã hội sẽ có cái nhìn khác về chúng tôi để chúng tôi được sống là chính mình, xứng đáng là một công dân có ích cho đất nước. Tôi mong rằng, xã hội có cái nhìn thông cảm về người khuyết tật chúng tôi để chúng tôi có thêm cơ hội được hòa nhập với cộng đồng. Hãy giúp chúng tôi viết tiếp ước mơ cho cuộc đời mình để chúng tôi ngày càng có một cuộc sống đủ đầy, an yên và hạnh phúc.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Cường Nguyễn. Tòa soạn trân trọng đăng tải để bạn đọc tham khảo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.