Gần 300 học viên Học viện Múa Việt Nam ra trường không ... bằng cấp: Lỗi ở đâu?
Rất đông phụ huynh học sinh học ở Học viện múa Việt Nam đã gặp gỡ báo chí để phản ánh bức xúc. Ảnh: Trí Dương
Được học nhưng không ... bằng cấp
Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) thành lập năm 1959, được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam năm 2001. Đến ngày 3/1/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 01/QĐ-TTg đồng ý phê duyệt thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở trường Cao đẳng Múa Việt Nam.
Vì đặc thù trường đào tạo ngành năng khiếu. Múa là ngành học gian khổ, nhiều em không thể theo được đến khi ra trường vì quá vất vả. Những học viên trụ lại được là những em kiên trì và yêu nghề nhất, nên các học viên trúng tuyển thường có tuổi đời rất nhỏ từ 12 tuổi (học hết lớp 6). Sau khi nhập học, trường tổ chức cho các em học song song chương trình đào tạo văn hóa và các môn chuyên ngành múa trong trường. Nhưng sau khi hoàn thành chương trình văn hóa bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, các em học sinh không được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông.
Ngày 31/3, hội phụ huynh của 325 học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ Trung cấp và học viên từ K2 đến K6 đang học hệ Cao đẳng tại Học viện Múa Việt Nam đã đồng loạt "kêu cứu" về vấn đề liên quan đến đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học viên tại Học viện.
Cụ thể, đại diện cha mẹ học sinh cho biết, tất cả 325 học sinh, học viên đã tham gia thi và trúng tuyển vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) từ năm 2013 đến nay theo đúng quy trình Học viện quy định, có kết quả trúng tuyển được công bố trên website nhà trường.
Khi học viên nhập học, nhà trường yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ (tối thiểu hết lớp 6) hoặc hồ sơ học sinh, học viên bản gốc để tiếp tục thực hiện đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển.
Đặc biệt, toàn bộ học sinh nhập học tại Học viện Múa Việt Nam chưa tốt nghiệp THCS, THPT được tổ chức đào tạo tiếp tục về văn hóa theo trình độ trong học bạ đã nộp với hình thức đào tạo song song các môn chuyên ngành múa và các môn văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam.
Anh Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh của học viên H.N.V. cho hay: "trước đây, con vào trường múa đều được học văn hóa, khi vào học trường múa là bắt đầu ở thời điểm cấp 2. Con học môn chính, lược bỏ các môn phụ để tập trung học chuyên môn. Ngay cả học văn hóa diễn ra bình thường, học nghiêm túc và có kiểm tra như bình thường".
“Vừa rồi, con tôi thi đỗ vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nhà trường yêu cầu có bằng văn hoá và bằng tốt nghiệp Cao đẳng mới cho nhập học. Cuối tháng 9, tôi về trường Học viện Múa Việt Nam xin bằng tốt nghiệp văn hoá thì mới ngã ngửa ra là không có bằng. Trường cũng có giải thích ban đầu là thiếu sót của nhà trường từ những khóa trước, nghĩa là các con phải tốt nghiệp theo trình tự THCS rồi đến THPT, nhưng nhà trường lại không thông qua Phòng giáo dục và đào tạo nên không thể cấp bằng văn hoá. Trong khi có học, có thi tốt nghiệp mà không có bằng”
"Khi tôi chất vấn nhà trường, lãnh đạo nhà trường khá ngỡ ngàng, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề. Lý do được đưa ra là lâu nay trường vẫn giảng dạy và cấp bằng như vậy và không có việc gì xảy ra", anh Cường nói.
Sau rất nhiều lần gặp gỡ giữa Ban phụ huynh với Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo nhà trường vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. "Câu trả lời duy nhất mà chúng tôi nhận được là chờ đợi. Trong khi đó, các con đã ra trường 2-3 năm rồi", anh Cường bức xúc nói.
Tương tự Bà Phạm Thị Thanh Thủy - phụ huynh có con học hệ cao đẳng múa hệ 6,5 năm trường Học viện Múa Việt Nam, cũng là giáo viên làm trong ngành giáo dục. Bà Thủy bày tỏ bức xúc: "Hơn 30 năm trong nghề giáo dục, tôi đi dạy mà chính tôi cũng không ngờ con tôi lại thất học"
Bà Thủy cũng chia sẻ, rất buồn vì các con học sinh chuyên ngành chính là múa nhưng các môn học văn hóa còn nặng hơn ở bên ngoài. Học sinh phải học với cường độ cực nặng, nhiều em vẫn phải thi lại rất nhiều, nếu không đủ điểm. Vậy mà giờ đây sau hơn 6 năm học tập tại trường và gần 13 năm học tập, các học sinh ở đây vẫn chỉ đạt trình độ lớp 6.
Điều đáng nói ở đây, dù không có bằng THCS, THPT nhưng trường múa vẫn cấp bằng Cao đẳng cho học sinh khóa I, khoa biên đạo múa. Điều này khiến cho nhiều học sinh như con anh Cường dù đã trúng tuyển đại học nhưng sau đó vẫn không được học tiếp vì không có bằng THPT.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ rất nhiều em đến từ các tỉnh vùng sâu vùng xa như Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An.... Các em và gia đình đã phải rất cố gắng mới có tiền cho con tới Hà Nội theo học. Không ngờ giờ giờ sau gần 7 năm học thứ họ nhận được lại là “3 không".
Bà Thủy nghẹn ngào: "Con tôi không thể đi múa cả đời, tuổi đời của diễn viên múa rất có hạn. Nếu sau này con muốn chuyển sang giảng dạy, học nâng cao... thì không thể tiếp tục vì không có bằng cấp".
Cùng tình cảnh không được cấp bằng tốt nghiệp THPT như em H.N.V là toàn thể học viên khóa 2 của Cao đẳng Múa Việt Nam. Các học viên từ khóa 3 tới khóa 6 đang được đào tạo tại trường cũng được nhà trường thông báo sẽ không có bằng tốt nghiệp THPT. Đồng nghĩa với việc 325 học viên có học, có thi cử nhưng không được tốt nghiệp cấp 3.
Chính vì vậy, đại diện cho tiếng nói của các em học viên Học viện Múa, tập thể phụ huynh của các em đã làm đơn kiến nghị gửi tới nhà trường, các Bộ, ban, ngành để mong được xem xét, cấp bằng tốt nghiệp cho các em.
Học Viện múa Việt Nam “quên” đăng ký
Chiều ngày 1/4, Học viện Múa Việt Nam đã có buổi làm việc với báo chí về vụ việc hơn 300 học sinh của trường không được cấp văn bằng.
Ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, việc này tồn đọng từ năm 2012 tới năm 2016. Vấn đề đang mắc hiện nay là 273 học sinh không có 3 bằng: Bằng THCS; THPT; trung học chuyên nghiệp.
Cụ thể, 2 khóa học sinh tốt nghiệp năm 2019 và 2020 gồm 273 em chỉ nhận bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng, mà không có bằng tốt nghiệp trung cấp, cũng như bằng THCS và THPT. Nói một cách dễ hiểu, các học sinh này không tốt nghiệp trung cấp nhưng lại tốt nghiệp cao đẳng nghề; thêm vào đó là học sinh có học văn hóa, có thi nhưng không có bằng tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3.
Ông Hải cho rằng trường không có chức năng phải cấp bằng THCS hay THPT cho các em. Lý do là bởi từ lâu trường Học viện Múa Việt Nam đã được hai bộ là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ GDĐT cho cơ chế tuyển sinh đào tạo đặc thù. Trường được hai bộ đồng ý cho dạy hệ cao đẳng liên thông. Với hệ này, học sinh phải học hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là học trung cấp, giai đoạn 2 là cao đẳng. Học sinh tốt nghiệp chỉ được cấp bằng cao nhất là cao đẳng. "Thông thường học sinh tốt nghiệp THCS mới được thi trung cấp. Riêng trường được tuyển các em học trung cấp từ lớp 6-7 để đào tạo do là ngành đặc thù. Tuy nhiên, trường không có trách nhiệm phải cấp bằng THCS hay THPT cho các em. Trước đây, các em học hệ trung cấp sẽ được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và bằng này đã bao gồm tích hợp bằng THCS và bằng THPT", ông Hải nói.
"Đây là lỗi kỹ thuật. Trường múa Việt Nam quên không đăng ký đầu vào hệ trung cấp chuyên nghiệp với Bộ GDĐT, chỉ đăng ký tuyển lớp cao đẳng diễn viên. Vì thế các em tốt nghiệp chỉ cấp bằng cao nhất là bằng cao đẳng mà không có bằng trung cấp chuyên nghiệp", vì không có bằng trung cấp chuyên nghiệp nên một số học sinh dù có bằng cao đẳng khi đậu đại học, các trường ĐH vẫn không tiếp nhận hồ sơ của các em. Ông Hải giải thích
Ông Hải cho biết, sau nhiều phiên làm việc giữa các bộ, ban ngành, trường đã thống nhất hướng giải quyết. "Phương án tối ưu là cấp bù bằng trung cấp chuyên nghiệp, bởi bằng này đã tích hợp cả chương trình văn hóa, các trường ĐH sẽ công nhận bằng trung cấp chuyên nghiệp để các em có thể học lên ĐH và cấp cao hơn".
Tuy nhiên bằng trung cấp chuyên nghiệp này chỉ có giá trị để các em học trong ngành dọc, tức là các trường thuộc khối văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nếu làm được như vậy thì mấu chốt của vấn đề sẽ được giải quyết. Ông Hải cam kết: "Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, vấn đề giờ là giải quyết hậu quả, mang lại quyền lợi tốt nhất cho các em".
Cùng ngày, theo nhiều bậc phụ huynh, nhà Trường chưa giải thích thấu đáo và đề nghị nhà Trường cần có thông báo chính thức cụ thể bao giờ các con, em của họ sẽ được cấp bằng, để có thể tiếp tục theo học tại các bậc học cao hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.