Gần 500 dự án bất động sản được giải quyết, tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án BĐS được ban hành quyết liệt và liên tục như hiện nay với sự vào cuộc của toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy tại rất nhiều địa phương, những giải pháp từ cơ chế chính sách của Chính phủ đã có những kết quả hết sức tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS.
Nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý nhờ những giải pháp từ cơ chế chính sách của Chính phủ.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TPHCM, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và giải quyết tháo gỡ vướng mắc. Thị trường BĐS đã có những tín hiệu tích cực hơn là nhờ vào sự chung tay từ Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp BĐS.
Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thông qua những chính sách then chốt đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của thị trường BĐS. Trong đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP được xem là "kim chỉ nam", thể hiện rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường BĐS từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Nghị định số 08/NĐ-CP cũng đang cho thấy các kết quả tương đối khả quan.
Đánh giá về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát tháng 8 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS; trong đó, có 11% doanh nghiệp phát triển dự án, 60% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và 29% doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, cho thấy: Về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung BĐS.
Về tâm lý nhà đầu tư, dữ liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Sau khi Nghị định số 08/NĐ-CP và một số động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Đánh giá về động thái của chính quyền địa phương trong khâu thực thi các cơ chế, chính sách mới được ban hành, có tới 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; 14% cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết. Trong đó, điển hình phải kể đến là các địa phương như TPHCM, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội,…
Đánh giá về hoạt động điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh/phân phối/phát triển dự án, 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách.
Một số địa phương có hoạt động điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, TPHCM.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.