Giải quyết việc làm cho người khuyết tật: Cần nâng cao năng lực chuyên môn
Hiệu quả từ mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm
Thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT trong những năm qua đã được đẩy mạnh. Nhiều mô hình đạt hiệu quả đã được thí điểm xây dựng và nhân rộng. Trong đó, mô hình doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, thành lập cơ sở dạy nghề gắn với tạo việc làm đang được quan tâm bởi tính ưu việt và khả năng khắc phục các rào cản trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.
Hiệu quả từ các mô hình dạy nghề gắn liền với tạo việc làm cho NKT |
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2018, ước tính mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng chục nghìn NKT có việc làm. Trong đó, Trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T nằm trên đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là một trong những đơn vị tiên phong cho mô hình dạy nghề gắn liền với tạo việc làm cho NKT.
Trung tâm được thành lập vào tháng 9/2007 và chính thức đi vào hoạt động tháng 11/2007. Trung tâm đào tạo nghề, tạo việc làm miễn phí cho NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cả nước với các nghề: Thêu ren, cắt may, tranh đá, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, làm bánh ngọt, chế biến các món ăn...
Không chỉ tạo việc làm, trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T còn thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh cho NKT |
Kể từ đó cho đến nay, trung tâm đã dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là NKT. Hiện nay, có gần 20 học viên học nghề và làm việc tại Trung tâm đến từ các tỉnh: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
Cũng phát triển từ mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, ông Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở may cờ 3/12 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gần chục năm nay hỗ trợ cho hơn 100 lao động, với 100% là NKT. Đa phần, những người đến cơ sở sản xuất của ông Khôi học nghề đều là những NKT nặng.
Đề án phân công trách nhiệm cho nhiều Bộ, ngành, đặc biệt chú trọng đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, trong đó có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong việc tham gia tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Ông Khôi chia sẻ: “Bất cứ các cháu khuyết tật nào đến đây học nghề tôi đều tạo điều kiện học nghề miễn phí, hỗ trợ bữa trưa và tối thiểu 20.000 đồng/ngày. Trong suốt quá trình thực hiện dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho NKT, tôi nhận thấy bản thân các em làm việc rất kỷ luật và chăm chỉ”.
Chị Lan Anh 35 tuổi, là NKT nặng, gắn bó 4 năm với cơ sở may cờ 3/12 cho biết: “Nghề may cho tôi thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Đây có thể là mức lương chưa cao với người lành lặn, nhưng với tôi đó là niềm tự hào. Tôi đã tự kiếm được tiền từ lao động bản thân, có thể nuôi được con, cuộc sống đã bớt phải dựa vào sự giúp đỡ của xã hội” .
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những mô hình dạy nghề gắn liền với tạo việc làm cho NKT thời gian gần đây. Có thể thấy, mô hình này triển khai trong 7 năm qua (2012 -2019) đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều mô hình hiệu quả được thí điểm. Công tác xã hội hoá về đào tạo nghề, tạo việc làm được đẩy mạnh nhằm vận động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Vẫn cần sự bao dung
Dù được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, song theo đánh giá của ngành chức năng, việc học nghề, tìm kiếm việc làm của NKT nước ta vẫn còn gặp rất nhiều bất cập. Nhiều trung tâm cho rằng việc tuyển sinh học nghề rất khó khăn vì nhiều lý do như: Gia đình NKT không muốn cho con đi học nghề, vì thiếu tin tưởng vào năng lực của các em và rằng người khuyết tật học nghề không để làm gì; trước giờ vẫn phụ thuộc gia đình nên luôn có cảm giác tự ti, mặc cảm và rất ngại tham gia học nghề.
Được hỏi về những khó khăn trong quá trình truyền nghề cho các em học viên, ông Phạm Văn Quyền (Trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T) cho biết: “Đa phần các nghề ở trung tâm đều cần sự khéo léo, tỉ mỉ mới làm ra được sản phẩm đẹp, đạt chất lượng. Người bình thường học một thì các em học viên khuyết tật phải học mười, thậm chí còn phải hơn, các em nhận thức chậm, tâm lý của mỗi em một kiểu khác nhau, vì thế, chúng tôi vừa là người lãnh đạo vừa là người thầy nên phải kiên trì, chịu khó bảo ban các em. Bên cạnh đó phải động viên, khích lệ, chia sẻ, gần gũi với các em hàng ngày để hiểu hơn tính cách của từng học viên nhằm phục vụ cho công việc dạy và học được hiệu quả”.
Ông Khôi (cơ sở may cờ 3/12) thì cho rằng dạy nghề cho NKT còn phải có phương pháp riêng. Đặc biệt là các đối tượng khuyết tật nặng, khuyết tật về mặt trí tuệ các em thường tiếp thu rất chậm, vì vậy cần có sự động viên khích lệ. Để NKT nói chung được học nghề, có việc làm ổn định, ông Khôi cũng cho rằng: “Trước hết cần nâng cao trình độ chuyên môn của NKT. Muốn vậy, NKT phải được đào tạo nghề phù hợp với trang thiết bị của doanh nghiệp. NKT cũng phải có sự đầu tư để vững vàng về chuyên môn, giỏi tay nghề, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”.
Thực tế, gần đây trình độ tay nghề, chuyên môn, văn hóa của NKT có xu hướng ngày càng tăng chứng tỏ họ đang được đào tạo, học hành đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng chứng tỏ doanh nghiệp tuyển dụng lao động khuyết tật có trình độ cũng đang tăng dần, kéo theo tỉ lệ NKT có thu nhập cao cũng tăng lên. Theo Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, khả năng của NKT và những đóng góp của họ vào sự phát triển của xã hội là rất lớn, nhưng nhận thức của cộng đồng và chính bản thân người khuyết tật về vấn đề này còn nhiều hạn chế.
Nhìn chung công tác hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật đến nay đã có được nhiều chuyển biến tích cực. Việc ngày càng có nhiều các hội, đoàn thể, cá nhân tham gia công tác tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm đang giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.