“Gỡ vướng” cho giáo dục đại học
Giờ học thực hành của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Giải đáp nhiều băn khoăn
Theo TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nếu như trước đây nhiều người còn băn khoăn về một số quy định liên quan đến hội đồng trường thì nay Nghị định 99/2019/NĐ-CP làm sáng tỏ và cơ bản bao quát hết các vấn đề liên quan đến tổ chức này.
Nghị định đã hướng dẫn chi tiết từ việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập cho đến thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường… Với những hướng dẫn cụ thể, Nghị định sẽ giúp các trường có căn cứ và cơ sở pháp lý để thực hiện.
Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, tinh thần về tự chủ đại học được thể hiện rất rõ trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Đó là quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.
Đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. “Có thể nói, với các quy định hướng dẫn của Nghị định rất tường minh, dễ làm, dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho các cơ sở đại học. Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã có nền tảng về thực hiện tự chủ đại học, vì thế những quy định của Nghị định cơ bản tạo thuận lợi cho nhà trường” – TS Hoàng Xuân Hiệp cho biết.
Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra đối với giáo dục đại học. Ảnh: T.G
Quy định phù hợp, dễ thực hiện
Liên quan đến quy định để được công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; TS Hoàng Xuân Hiệp trao đổi: Nếu xét riêng với Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội những tiêu chí được đưa ra là rất cao, khó thực hiện. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, những tiêu chí đó phù hợp với xu thế. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng được các tiêu chí theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 99/2019/NĐ-CP mới được gọi cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Quy định này sẽ khắc phục tình trạng các trường tự tuyên bố trường mình đào tạo theo hướng nghiên cứu; đồng thời các trường không bị lẫn lộn trong mục tiêu đào tạo, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho nền kinh tế sau này của đất nước. “Tôi cho rằng, quy định như vậy là phù hợp; tiêu chí rõ ràng, minh bạch, trường nào không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định sẽ đào tạo theo hướng ứng dụng” - TS Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.
Cho rằng, các quy định và hướng dẫn của Nghị định 99/2019/NĐ-CP về cơ bản đã đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng ghi nhận: Có rất nhiều quy định liên quan đến hồ sơ, thủ tục và thời gian giải quyết. Tuy nhiên, các quy định này rất gọn nhẹ, không mất quá nhiều thời gian và công sức. Hầu hết, các thủ tục được thực hiện trong nội bộ của cơ sở giáo dục đại học. Điều này giải phóng nhiều vấn đề về thủ tục hành chính vốn được cho là rườm rà và bất cập.
Minh chứng cho nhận định của mình, GS.TS Trần Hữu Nghị viện dẫn, chẳng hạn như quy định về hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình đề nghị chuyển trường đại học thành đại học; nghị quyết của hội đồng trường; Đề án chuyển trường đại học thành đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, các minh chứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2019/NĐ-CP; dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của đại học; các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành chuyển đổi (nếu có); đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý.
Về quy trình xử lý hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học, GS Trần Hữu Nghị cho biết: Trường đại học gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ GD&ĐT hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ GD&ĐT gửi văn bản thông báo cho trường đại học và nêu rõ lý do.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.