Hà Nội: Dự án bất động sản đang thế chấp vẫn rao bán rầm rộ
Theo tìm hiểu của Phóng viên, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có hơn 10 dự án bị Chủ đầu tư thế chấp tại các ngân hàng. Tuy nhiên thời điểm này, các sàn môi giới vẫn rầm rộ rao bán căn hộ đã bị thế chấp cho khách. Điển hình như dự án Khu văn phòng, nhà ở, nhà trẻ Hinode City số 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Có mặt tại Dự án Hinode City ngày 14/06, phóng viên đã chứng kiến rất nhiều nhân viên tư vấn đứng bên ngoài dự án để chào mời khách hàng. |
Được biết, Dự án Hinode City có địa chỉ tại số 201 Minh Khai do Tổng Công ty CPTM Xây dựng (Vietracimex) làm Chủ đầu tư, dự án gồm 3 tòa chung cư 26 tầng (22 tầng căn hộ, 4 tầng thương mại) được xây dựng trên tổng diện tích 2,8ha. Dự án có mật độ xây dựng khoảng 40%, dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng vào quý III/2019.
Theo tim hiểu của Phóng viên được biết, hiện dự án này đang được Chủ đầu tư thế chấp ở ngân hàng. Trong khi đó, các căn hộ của dự án này đang được nhiều sàn môi giới bất động sản rao bán rầm rộ.
Phối cảnh dự án |
Theo giới thiệu của các Sàn môi giới BĐS thì đây là dự án nằm trên vị trí “đắc địa”, gần nhiều tuyến đường lớn, bệnh viện, trường đại học... nên được nhiều khách hàng lựa chọn đến nay đã bán được 70% căn hộ. Giá bán căn hộ từ 34-38 triệu/m2 (tùy theo tầng mua) và nếu đăng ký mua luôn sẽ được giảm 2 triệu/căn.
Theo một diễn biến khác, trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Trịnh Lê Đức – Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết: Đây là dự án lớn, vì vậy mọi vấn đề về thủ tục pháp lý đều không có gì sai sót. Chỉ có việc là khoảng hơn 70 căn nhà xung quanh dự án bị sụt lún và có khiếu kiện, phía UBND phường đã phối hợp cùng Chủ đầu tư, tích cực hỗ trợ giải quyết. Hiện này chỉ còn khoảng ngoài 20 trường hợp vẫn đang trong quá trình đàm phán, đối thoại.
Văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai Thông báo về việc Chủ đầu tư Dự án Hinode City đã thế chấp dự án tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. |
Theo các chuyên gia bất động sản, việc Chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng là hoạt động bình thường trong kinh doanh lĩnh vực địa ốc. Luật Nhà ở cũng quy định, Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn cho việc đầu tư dự án đó. Nhưng điều đó không có nghĩa Chủ đầu tư có quyền đem căn hộ đã bị thế chấp ngân hàng bán cho khách, càng không có quyền đem căn hộ đã bán và bàn giao nhà cho khách hàng đi thế chấp khi tài sản đó đã thuộc quyền sở hữu của người mua nhà - là chủ sở hữu căn nhà đó. Bởi theo luật định, nếu chủ đầu tư đem cầm cố những căn hộ là tài sản đang hình thành trong tương lai ở ngân hàng, thì trước khi bán cho khách hàng, căn hộ đó phải được giải chấp.
Nhiều ý kiến của khách hàng cho rằng, nếu Chủ đầu tư đem cầm cố những căn hộ là tài sản đang hình thành trong tương lai ở ngân hàng, thì trước khi bán cho khách hàng, căn hộ đó phải được giải chấp. Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu những “bất trắc” xảy ra từ phía Chủ đầu tư dự án. Qua đó, khách hàng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cho mình những căn hộ vừa ý.
Đại diện truyền thông của dự án Hinode 201 Minh Khai cho biết, liên quan đến hồ sơ thế chấp dự án tại ngân hàng, chủ đầu tư đã có văn bản số 4640/VCB-KHDN về việc Chấp thuận giải chấp căn hộ thuộc dự án đầu tư và xây dựng khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội theo tiến độ bán hàng được ký ngày 10/01/2018.
Luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Khi mua nhà, khách hàng cần xem xét kỹ điều khoản trong Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhất là những quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp sổ đỏ; chế tài về phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng… Đặc biệt, để đề phòng rủi ro, khách hàng cần chủ động trực tiếp đến gặp chủ đầu tư để xem dự án đó đang được thế chấp cho ngân hàng nào, thời hạn trong bao lâu và có thể giải chấp được không...".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.