Hà Nội: Cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm không gian thoát lũ
Theo đó, tại công văn số 2048/UBND-KT nêu rõ, thực hiện kiến nghị của Bộ NN&PTNT về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở: NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực bãi sông, bãi nổi trên địa bàn, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, nhất là vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài.
UBND thành phố cũng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố để các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều tồn tại kéo dài hoặc để xảy ra những vụ việc vi phạm mới trên địa bàn không bị xử lý kịp thời, kiên quyết, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật.
Toàn bộ phần đất ven sông mà Nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng đang sử dụng không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và cũng không thuộc diện được cấp phép xây dựng. Nhưng nhiều hạng mục công trình được xây dựng bê tông kiên cố để phục vụ kinh doanh.
Như đã thông tin trong bài viết “Hà Nội: Cần sớm xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ”. Theo phản ánh từ bạn đọc về tình trạng lấn chiếm nghiêm trọng không gian, chỉ giới thoát lũ của Nhà hàng cá Lăng, tại địa chỉ số 445 Bạch Đằng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), sau nhiều năm hoạt động đến nay tiếp tục cơi nới, xây dựng mới mà không vấp phải bất cứ hình thức xử lý nào từ chính quyền cơ sở. Phóng viên đã đặt lịch làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo UBND phường Chương Dương để rộng đường dư luận.
Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương Phạm Việt Hưng cho biết, diện tích mà nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng đang kinh doanh là đất sở của người đã được sử dụng từ trước ngày 15/10/1993 (trước thời điểm Luật Đất đai được ban hành – PV), từ khoảng năm 2004 thì tổ chức kinh doanh theo hình thức nhà hàng. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc công trình xây dựng ở đây có được cấp phép không, thì vị Phó Chủ tịch phường khẳng định toàn bộ phần đất bên lạch đi ra đường Bạch Đằng cho tới nhà hàng này không được cấp phép xây dựng mà nhân dân tự xây trước đây.
“Khu đất này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên theo quy định không thuộc diện cấp giấy phép xây dựng” – ông Phạm Việt Hưng nói.
Đáng quan ngại, diện tích xây dựng phục vụ kinh doanh của nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng đã ra sát mép bờ sông, vi phạm nghiệm trọng chỉ giới thoát lũ theo Quyết định số 959/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý.
Qua tìm hiểu được biết, toàn bộ diện tích của nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng, phường Chương Dương không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì nằm trong chỉ giới thoát lũ bờ tả sông Hồng theo Quyết định số 959/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, điều này cũng được chính Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương xác nhận. Nhưng nhà hàng này với nhiều hạng mục công trình bê tông kiên cố được xây dựng sát với mép bờ sông đã tồn tại từ hàng chục năm nay không bị xử lý, ông Phạm Việt Hưng cho rằng phần xây dựng đó đã có từ trước khi ông về công tác tại phường, nên cũng không có cớ nào để xử lý.
Tuy nhiên, khi được hỏi nếu như vậy tại sao hiện nay nhà hàng này đang tiếp tục cơi nới, xây dựng mới một số hạng mục mà chính quyền không có biện pháp xử lý, vị phó Chủ tịch phường lại tỏ ra ngạc nhiên và khẳng định chủ sở hữu đã có đơn đề nghị phường cho phép sửa chữa lại hạng mục xuống cấp, không có chuyện xây dựng mới. Chỉ đến lúc phóng viên đưa ra hình ảnh làm bằng chứng thì ông Hưng dừng tranh luận và hứa sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra.
Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương Phạm Việt Hưng khẳng định nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng chủ sở hữu chỉ sửa chữa, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Khiến dư luận dấy lên nghi ngờ có sự bao che từ chính quyền cơ sở đối với sai phạm nghiêm trọng này.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam được biết, theo quy định tại Luật Đê điều 2006 khoản 5, Điều 7 quy định không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. “Cần phải làm rõ dấu hiệu bao che từ chính quyền cơ sở đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều” – Luật sư Đạo nói.
Trước tình trạng vi phạm nghiêm trong pháp luật về bảo vệ đê điều, xây dựng công trình kiên cố trái phép trên phần đất thuộc chỉ giới thoát lý của TP Hà Nội của Nhà hàng cá Lăng số 445 Bạch Đằng, phường Chương Dương, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và giải quyết những bức xúc từ dư luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về sự việc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.