Vì sao người dân vẫn tố cáo, đòi trả lại nguyên trạng đường dong ngõ ở xóm 2 xã Hải Hà?
Văn bản trả lời của UBND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định… |
Trong văn bản phúc đáp gửi tới tòa soạn, UBND huyện Hải Hậu khẳng định “Bản đồ đo đạc năm 1998, chỉnh lý năm 1999 đã thể hiện lối đi chung giữa các thửa đất (tức đường dong ngõ là có thật - PV)…Tuy nhiên, các hộ sử dụng đất có mối quan hệ anh em họ hàng nên các hộ đã tự động đổi đất cho nhau, không thể hiện bằng văn bản và không trình các cấp có thẩm quyền xem xét.” Có nghĩa là người dân tự làm, chính quyền địa phương không biết gì? Cũng trong văn bản này lại nêu:“Tất cả các hộ sử dụng đất trên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất năm 1999 theo bản đồ đo đạc năm 1998”??? Xin hỏi, khi các hộ dân là anh em họ hàng tự động đổi đất cho nhau hoặc lấn chiếm lối đi chung, không trình các cấp có thẩm quyền xem xét tại sao chính quyền địa phương vẫn lập hồ sơ, ký duyệt, cấp GCNQSD đất (tức sổ đỏ)??? Quả là chuyện lạ có thật 100% ở vùng quê “địa linh, nhân kiệt này”.
Đơn tố cáo của ông Vũ Trọng Bằng… |
Trước hết, cần khẳng định rằng người dân không thể tự động đổi đất cho nhau mà vẫn được cấp sổ đỏ. Phải có sự kiểm tra, giám sát, chỉnh sửa bổ sung, phê duyệt của chính quyền, hoặc là có sự “tiếp tay” hay tiêu cực trong quá trình làm việc của một số cán bộ địa phương thời điểm đó. Thực tế ở đây có con số bị tẩy xóa, sửa chữa tại thửa đất số 426 trên tờ bản đồ 299 năm 1983 của xã Hải Hà, tạo nên sự chênh lệch, khác nhau về diện tích đất thực tế của các hộ dân. Năm 1989, hộ ông Vũ Trọng Đà lấy lý do thổ đất không được vuông vắn nên đã tự ý đổi đất cho ông Vũ Văn Tuấn 108 m2, không có giấy tờ văn bản mà chỉ thống nhất bằng miệng với nhau. Đến năm 1996, phần đất này đã được ông Đà đào thành ao sử dụng. Nghiêm trọng hơn là một số cán bộ chính quyền xã Hải Hà còn lấy cả phần diện tích đất đường dong ngõ có từ thời tiền cổ cấp cho ông Vũ Trọng Đà để ông này được hưởng tăng lên tới 245m2. Tại hiện trường, mặc dù đã bị rào chắn hai đầu nhưng một đoạn đường dong ngõ vẫn còn hiện hữu, còn nguyên hệ thống thoát nước do chính quyền xã Hải Hà cấp vật liệu và các hộ dân cùng đóng góp xây dựng. Đây là minh chứng không thể phủ nhận về sự tồn tại của con đường dong ngõ.
Một đoạn đường dong ngõ vẫn còn tồn tại… |
Người dân khẳng định, từ xa xưa ở xóm 2, xã Hải Hà đã có con đường dong ngõ (lối đi chung) nối liền từ nhà cụ Vũ Văn Nghiễm ra tới bến sông xóm trước. Khi đoàn cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Nam Định về tiến hành đo đạc lại diện tích đất năm 1998 để cấp sổ đỏ năm 1999, một số cán bộ chính quyền xã Hải Hà thời điểm đó đã lợi dụng việc sửa chữa số liệu trong bản đồ địa chính năm 1983, đổi đất cho hộ liền kề là ông Vũ Trọng Đà từ lô 426 sang lô 427, tờ bản đồ số 299. Vì vậy, trên sổ đỏ của hộ ông Vũ Trọng Bằng cấp ngày 20/11/1999, thửa đất số 426 từ 840 m2 chỉ còn lại 730 m2, còn thửa đất số 427 từ 960 m2 tăng lên thành 1.205 m2 và con đường dong ngõ cũng bị “xóa sổ”. Hiện một phần lớn diện tích của đường dong ngõ này đã bị hộ ông Vũ Trọng Đà và ông Vũ Văn Tuấn xây nhà ở, công trình phụ đè lên, hai đầu đường bị rào chắn hoặc xây bịt lại (xem ảnh).
Ông Vũ Trọng Bằng đang chỉ vị trí đường dong ngõ bị hộ ông Tuấn xây nhà đè lên |
Theo chúng tôi, sai phạm này ở xã Hải Hà có sự đồng phạm của một số cán bộ trực tiếp đo đạc, chốt số liệu, vẽ bản đồ của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Nam Định và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hải Hậu thời điểm đó. Nếu căn cứ văn bản trả lời của UBND huyện Hải Hậu, việc ông Vũ Trọng Bằng tố cáo là không đúng, không có căn cứ thì ông này đã vi phạm pháp luật, phạm tội vu khống, cần phải được xử lý nghiêm minh. Ông Bằng lại là đảng viên, đang sinh hoạt Đảng tại chi bộ xóm 2 hiện có 37 đảng viên, trong đó một số đảng viên đã ký tên vào đơn đề nghị xác nhận con đường có từ thời tiền cổ ngày 18/11/2017. Chả lẽ tất cả những đảng viên này đều mắc sai phạm? (xem ảnh)
|
Đơn đề nghị xác nhận con đường có từ thời tiền cổ, có chữ ký của nhiều người dân, trong đó có một số đảng viên tại xóm 2 xã Hải Hà |
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tổ chức họp dân xóm 2, mời cả một số hộ dân xóm 3 trước đây ở xóm 2 đến dự, tập trung xác định rõ về con đường dong ngõ có từ thời tiền cổ, lý do bị “mất” và bàn cách giải quyết, trả lại nguyên trạng. Cũng đã đến lúc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Nam Định, UBND huyện Hải Hậu, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hải Hậu và UBND xã Hải Hà “vào cuộc” rà soát lại, kết luận rõ ràng, minh bạch và xử lý nghiêm minh những sai phạm. Chỉ có như vậy mới tạo được sự đồng thuận của người dân nơi đây, tránh để đơn tố cáo kéo dài, vượt cấp, làm ảnh hưởng đến danh hiệu điển hình văn hóa cấp huyện và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Tòa soạn Tạp chí điện tử Hòa Nhập sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc vụ việc này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.