Cập nhật thông tin mới về Covid-19: Hơn 6.300 người ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang, Bắc Ninh
Họp Ban chỉ đạo COVID-19 TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy
Còn 38 điểm phong tỏa với trên 23.600 người
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP. Hà Nội chiều nay (17/5), Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay ghi nhận 82 ca mắc ngoài cộng đồng tại 17 quận, huyện. Từ ngày 10/5 đến nay, Thành phố đã ban hành 3 Công điện, 1 Chỉ thị và nhiều công văn chỉ đạo khác. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Chủ tịch UBND Thành phố có Công điện chỉ đạo tăng cường quản lý những người đi về từ các tỉnh này và các tỉnh, thành phố có nguy cơ, đặc biệt là nhóm chuyên gia, công nhân sinh sống trên địa bàn Hà Nội.
Hiện, TP. Hà Nội nâng mức độ phòng chống dịch lên cao nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm chống dịch "4 tại chỗ", "phong tỏa hẹp, quản lý chặt", "mô hình phòng, chống dịch 3 lớp". Phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp "5K", làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất.
Nhận định những người về từ Đà Nẵng trong kỳ nghỉ lễ (30/4-1/5) vừa qua là những người có nguy cơ cao, ngay lập tức, Sở Y tế xét nghiệm cho các đối tượng này với tổng số 10.190 trường hợp, kết quả đều âm tính.
Về công tác khoanh vùng, phong tỏa, xử lý dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, toàn Thành phố còn 38 điểm phong tỏa với trên 23.600 người. Việc phong tỏa được thực hiện một cách linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, thực hiện Công điện 07 và 08 của UBND Thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội đã chủ động liên hệ với các tỉnh để cập nhật số lượng người làm tại các KCN của các tỉnh nhưng lưu trú trên địa bàn Hà Nội.
"Cụ thể, có 151 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Giang, 6.153 chuyên gia, người lao động ở Hà Nội đi làm tại Bắc Ninh", ông Hạnh cho biết.
Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng" rà soát lập danh sách để theo dõi quản lý. Đồng thời, yêu cầu những người này tự theo dõi giám sát sức khỏe, hạn chế tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải bảo đảm nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong tuần vừa qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, quân đội và chính quyền địa phương nên số cơ sở cách ly tập trung F1 và những người liên quan từ 2 cơ sở lên 9 cơ sở với công suất cách ly cho khoảng 6.730 người. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục rà soát để triển khai thêm các khu vực cách ly nhằm đáp ứng khi dịch bệnh lan rộng.
Khai báo thông tin người lao động trên phần mềm COVID
Đại diện Ban quản lý KCN&CX Hà Nội cho biết đã đánh giá nguy cơ dịch từ 2 tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang và cho rằng nguồn lây từ Bắc Ninh thấp do các doanh nghiệp có các ca F0 như Canon, Samsung... đều khoanh vùng, truy vết tốt. Chỉ có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ tỉnh Bắc Giang; thống kê cho thấy hiện Hà Nội có 151 người sinh sống tại Hà Nội nhưng làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên các trường hợp này đều đã được khoanh vùng, theo dõi sức khỏe.
Trước diễn biến dịch phức tạp tại các KCN&CX, Ban quản lý đã xây dựng phần mềm trực tuyến về COVID-19 để các doanh nghiệp khai báo, yêu cầu các doanh nghiệp trước 20/5 khai báo danh sách người lao động trên phần mềm để giúp Ban quản lý thống kê được danh sách người lao động, nơi ở, điện thoại liên hệ.
Ban quản lý cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kịch bản khi dịch bệnh ở doanh nghiệp sẽ xử lý ra sao; ban hành văn bản yêu cầu chủ các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch; thành lập 9 tổ để rà soát, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, nếu không chấp hành đúng sẽ dừng hoạt động.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh đề nghị các cơ quan chính quyền đặc biệt là tổ COVID-19 cộng đồng phối hợp với cơ quan công an lập danh sách những người có nguy cơ cao, đi từ khu vực có dịch theo thông báo của ngành y tế, những người cách ly tập trung, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp các tỉnh lân cận để phục truy vết khi cần thiết.
“Tất cả danh sách này phải cụ thể ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại… để tiện quản lý. Danh sách này phải được gửi về Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn để quản lý, theo dõi”, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Về thực hiện “4 tại chỗ”, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, các địa phương đã rất chủ động, nhanh chóng vận chuyển các F1 đến các khu cách ly tập trung, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển phải bảo đảm khoảng cách, khử khuẩn, thực hiện 5K, thông thoáng không dùng điều hòa… Hiện nay, biển thể của virus lây lan rất nhanh, nếu không cẩn thận sẽ xảy ra lây nhiễm trong quá trình vận chuyển.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.