Khiếu nại là quyền của công dân được pháp luật bảo vệ
Tính pháp lý.
Tại Thông báo số 30/TB-AD9 ngày 30/8/2019 của Ban Quản lý TTTMDV An Đông có viết: Ban Quản lý TTTMDV An Đông là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo Quyết định số 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP.Hồ Chí Minh, có đầy đủ thẩm quyền để quản lý toàn bộ hoạt động của khu vực chợ truyền thống (từ tầng hầm đến tầng 2), theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển quản lý chợ. Đồng thời cũng là đơn vị đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền sở hữu, quản lý toàn bộ khối tài sản là công trình TTTMDV An Đông theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Với tính pháp lý đã nêu, Ban Quản lý khẳng định rõ, khối công trình TTTMDV An Đông, bao gồm cả khu vực chợ truyền thống hoàn toàn là tài sản Nhà nước. Ban Quản lý có đầy đủ tư cách, thẩm quyền để xác lập hợp đồng với thương nhân theo hình thức cho thuê hoặc sử dụng theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP. Về Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh đang tổ chức ký, đây cũng là vấn đề mang tính dân sự, trên tinh thần tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Thương nhân có quyền lựa chọn việc sử dụng lại Hợp đồng cho thuê hoặc thanh lý sớm để ký hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh.
Về vấn đề này, tại Quyết định số 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP.HCM, ghi rõ: Cho phép thành lập Ban quản lý TTTMDV An Đông trực thuộc UBND quận 5. Ban quản lý TTTMDV An Đông có nhiệm vụ:
1.Tổ chức sắp xếp ngành hàng, quản lý trật tự an ninh, vệ sinh môi trường và quản lý trật tự các hoạt động kinh doanh mua bán dịch vụ tại mặt bằng Trung tâm.
2. Được tổ chức các loại hình dịch vụ: thông tin kinh tế, cho thuê phòng, tổ chức hội nghị khách hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm.
3. Quản lý sử dụng tốt tài sản lao động và các cơ sở vật chất được giao.
Như vậy, căn cứ Quyết định số 784/QĐ-UB của UBND TP.HCM thì Ban quản lý TTTMDV An Đông chỉ được giao nhiệm vụ cho thuê phòng (lầu 3, 4 là khách sạn, nhà hàng), không có chức năng ký hợp đồng dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại TTTMDV An Đông. Do đó, việc Ban Quản lý TTTMDV An Đông- Bên quản lý điểm kinh doanh (Bên A) ký hợp đồng với tiểu thương- Bên sử dụng điểm kinh doanh (Bên B), là không đảm bảo tính pháp lý. Theo luật sư Trần Thế Vinh, Quyết định số 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP.HCM cho phép thành lập Ban quản lý TTTMDV An Đông, thì tại thời điểm này, Công ty tư doanh Việt Hoa, đã ký Hợp đồng cho sang nhượng quầy, sạp chợ An Đông với các tiểu thương, thời hạn 20 năm nên Ban Quản lý TTTMDV An Đông không được giao ký bất kỳ hợp đồng nào với tiểu thương. Đến 2013, Ban Quản lý TTTMDV An Đông ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn với các tiểu thương, thời hạn 10 năm, căn cứ vào Công văn số 2004/UBND-TCKH ngày 10/11/2005 của UBND quận 5, về việc chuyển giao việc hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác TTTMDV An Đông (trước gọi là Trung tâm thương nghiệp dịch vụ Chợ Lớn An Đông), phần của quận 5 từ Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 (trước gọi là Công ty Phát triển nhà quận 5) sang TTTMDV An Đông. Vấn đề vướng mắc ở chỗ, Quyết định của UBND thành phố cho phép thành lập Ban Quản lý TTTMDV An Đông từ năm 1991, đến năm 2003 thì có Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ, về phát triển và quản lý chợ truyền thống, thì UBND thành phố cần phải có Quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý TTTMDV An Đông cho phù hợp với Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiều tranh cãi về tính pháp lý và thẩm quyền của Ban Quản lý TTTMDV An Đông, vì không thể căn cứ vào Công văn số 2004/UBND-TCKH của UBND quận 5, về việc bàn giao công tác quản lý của quận 5 đối với việc hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác công trình TTTMDV An Đông, để làm căn cứ cho Ban quản lý TTTMDV An Đông được quyền ký kết hợp đồng với tiểu thương. Vì vậy, việc Ban quản lý TTTMDV An Đông ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn năm 2013 và ký hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh năm 2019 là chưa đảm bảo tính pháp lý.
Quyết định thành lập Ban quản lý TTTMDV An Đông |
KNTC được quy định trong Hiến pháp.
Trong số báo ra ngày 28/8/2019, Hoanhap.vn đã đăng tải KN của tiểu thương chợ An Đông và đề nghị UBND quận 5 giải quyết các nội dung sau đây:
1-Việc tổ chức ký kết Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh tại chợ An Đông của Ban Quản lý, phải được chấm dứt, đồng thời hủy bỏ và thu hồi các Hợp đồng đã được ký không đúng thẩm quyền.
2-Xác minh và công nhận khoản tiền, công sức đóng góp để đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ An Đông của tiểu thương qua các thời kỳ lịch sử phát triển chợ An Đông.
3-Có cơ chế và thủ tục công nhận quyền sở hữu quầy, sạp cho tiểu thương đủ điều kiện, trên cơ sở không phải đóng tiền thuê, giá sử dụng hoặc bất kỳ khoản thu nào có tính chất tương tự như vậy theo mô hình chợ truyền thống, như các chợ trong thành phố đã thực hiện.
Việc tiểu thương có đơn KN tập thể và đề nghị UBND quận 5 giải quyết theo thẩm quyền, là đúng theo quy định pháp luật. Tại Điều 30 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định: Mọi người có quyền KN, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết KN, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người KN, tố cáo hoặc lợi dụng quyền KN, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác. Như vậy, việc các tiểu thương gửi đơn KN đề nghị UBND quận 5 xem xét, giải quyết là đúng quy định pháp luật và không ai có quyền cản trở, gây khó khăn trong việc KN của tiểu thương chợ An Đông, nếu vi phạm phải được xem xét xử lý nghiêm minh.
Hiện nay, đơn KN tập thể của tiểu thương chợ An Đông đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Công văn của UBND quận 5 bàn giao công tác quản lý TTTMDV An Đông |
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.