Khúc tráng ca về nhà tình báo - Liệt sĩ Hoàng Minh Đạo

2020-01-06 10:05:45 0 Bình luận
Vàm Cỏ Đông-con sông hiền hòa chảy qua tỉnh Tây Ninh đẹp đến thơ mộng. Nhưng mấy ai biết được 50 năm trước, trên dòng sông ấy đã xảy ra một sự kiện mà phải mất gần một phần tư thế kỷ sau, câu chuyện mới được viết tiếp. Đó là trận chiến cuối cùng của Anh hùng LLVT nhân dân, người phụ trách đầu tiên ngành tình báo quốc phòng Việt Nam-liệt sĩ Hoàng Minh Đạo (tức Đào Phúc Lộc/ Năm Thu/ Năm Đời/ Năm Đạo…) diễn ra vào đêm Noel định mệnh 24-12-1969.

Hôm đó, một ngày đầu xuân năm 1994, trong buổi gặp mặt đồng hương tỉnh Quảng Ninh tại TP Hồ Chí Minh, con gái nhà tình báo Đào Phúc Lộc là chị Đào Thị Minh Vân đã tới dự và nghe mọi người nói về cha mình rằng ông là một cán bộ làm lớn, nhưng khi vào Nam thì phản bội Tổ quốc, do vậy sau này không mấy ai nhắc đến nữa. Đối với chị Vân, đây thực sự là nỗi đau bị chôn chặt trong lòng mà một phần tư thế kỷ trôi qua không thể xóa nhòa. Và một câu hỏi lớn mà không ai trả lời chị được, tại sao cho đến giờ phút này, chị và gia đình chỉ nhận được giấy chứng nhận cha là liệt sĩ mà không có giấy báo tử. Không ai biết phần mộ người cha thân yêu của chị nằm ở đâu và có nhiều “cớ” để gây sự hoài nghi về hoạt động của ông. Nghĩ đến điều này, chị nén nỗi đau và quyết tâm đi tìm sự thật.

Hành trình gian khó

Để minh oan cho cha, chị Minh Vân đã vượt qua nhiều gian nan, khó khăn, đi ngược dòng lịch sử. Chị đã gặp gỡ hàng trăm đồng chí, đồng đội từng biết và làm việc cùng thời cha mình, nay các cô chú cũng đã “thất thập cổ lai hy”, họ từng giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước cho đến cả những chiến sĩ cận vệ hoặc cơ sở, gia đình cách mạng, nhằm tìm hiểu tường tận về cuộc đời chiến đấu của cha mình. Từ hàng trăm bài viết, băng cassette, chị đã ghi âm lại những hồi ức của nhiều người kể, không chỉ là chiến công nơi đầu sóng ngọn gió mà cả ân tình thiết tha, kỷ niệm tốt đẹp mà ông Hoàng Minh Đạo đã để thương để nhớ trong lòng những người còn sống… 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng viết: “Có nhiều thời gian công tác với đồng chí Đạo tại chiến khu miền Nam, Campuchia, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, tôi thấy đồng chí Hoàng Minh Đạo còn có nhiều bí danh khác như: Năm Thu, Năm Đời, Năm Sài Gòn-là một đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho tới ngày hy sinh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: “Tôi rất cảm động hôm nay gặp mặt cháu Đào Thị Minh Vân, con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo, đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng ban Quân báo Nam Bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”. 

Đồng chí Hoàng Minh Đạo và vợ-bà Bùi Ngọc Hường, chuẩn bị đón con đầu lòng tại Chiến khu Đ, năm 1952.

Nhờ những bằng chứng người thật, việc thật đó mà những đồn thổi không tốt về nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đã được xóa bỏ. Không chỉ có vậy, nhiều người đã xúc động khi hiểu rõ về cuộc đời đầy thăng trầm mà vinh quang của ông, ai cũng mong mỏi sớm tìm được hài cốt, đưa ông trở về quê nhà.

Cho đến một lần, ông Lê Xuân Hoàng (bí danh Tám Tiến)-khi đó là Bí thư Quận ủy quận Nhất, TP Hồ Chí Minh, ông và vợ đều là cựu tù Côn Đảo, tìm đến gia đình chị Minh Vân. Cùng đi với vợ chồng ông là bác sĩ Chín Hòa (Huỳnh Thanh Hòa), phụ trách bảo vệ sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục thời chống Mỹ, trong đó có cha chị Minh Vân. Ông Tám Tiến nói với chị: “Nếu bay không đi tìm anh Năm Đời, thủ trưởng của tao thì tao nghỉ chơi với bay. Tao sẽ tự tìm ba bay, thủ trưởng tao… Nhưng về mặt tâm linh thì bay phải đi tìm vì máu mủ của ông…”.

Qua nhiều nguồn thông tin, chị Vân được biết sau khi gặp nạn trên sông, có người vớt được cha chị có tên vần “Tê”, bây giờ đã 80 tuổi, ông này lúc tỉnh, lúc mê. Địa danh là ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tìm kiếm, quả nhiên gặp được người trong làng có tên Hai Tờ. Mọi ngày ông say xỉn lắm, vậy mà hôm đó thế nào, ông không uống rượu. Khi nhìn thấy chú Sơn (em trai nhà tình báo Hoàng Minh Đạo), ông Hai Tờ nói: “Cái ông mà tui chôn ở đây mấy chục năm trước nhang nhác giống thằng cha này… Chỉ có điều, cái ông chết lớn con hơn một chút…”. Ông còn nói thêm, đó là đêm trăng sáng nên dù trời đã tối, tôi vẫn nhìn khá rõ và kể lại: “Trận đụng độ trên sông Vàm Cỏ Đông năm đó lớn hết biết. Sau bọn nó đi lùng sục suốt cả tháng hòng tìm được xác đằng mình. Đêm đó, tui và hai du kích xã đi đóng đáy kiếm cái ăn, nhìn cái xác dập dềnh ở kinh rạch. Chúng tôi cùng vớt lên thấy bị thương, nát cả vùng bụng rồi mà sao ông còn lội được hơn 3 cây số đến đây mới táp vào kinh nhỏ mà chết. Nghe đồn rằng cán bộ bự thì không có mang ba lô, mùng mền trên mình. Chỉ có một võng tăng và trong võng tăng có khẩu súng K59, mà năm đó (1969) ai có K59 là chức bự lắm. Khẩu K59 tôi nạp lại cho bộ đội chính quy tập kết về đây. Còn tăng võng tôi dùng để chôn ông đó…”.

Quả nhiên theo lời ông Hai Tờ, khi đào phần mộ lên thấy bộ hài cốt có 3 chiếc răng hàm dưới được bọc bạc trùng khớp với nhận dạng của đồng chí Hoàng Minh Đạo. Vậy là sau gần 30 năm nằm dưới lòng đất Tây Ninh (1969-1998), hài cốt liệt sĩ Hoàng Minh Đạo được di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Ngày 8-8-1998, nghi thức cải táng cho nhà tình báo Hoàng Minh Đạo được diễn ra trang nghiêm, trọng thể, với sự có mặt của nhiều tướng lĩnh cùng các nhà tình báo nổi tiếng như các ông: Ba Quốc, Ba Danh, Phạm Xuân Ẩn, nhóm cố vấn tình báo Vũ Ngọc Nhạ... Hai ngày sau đó, 10-8-1998, nhà tình báo Đào Phúc Lộc/Hoàng Minh Đạo được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 1999, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. 

Tâm nguyện của gia đình cũng như bao đồng chí, chiến hữu, cộng sự đã được thỏa lòng một phần. Nhưng với Minh Vân, chị không quên được câu nói của ông Hai Tờ-người chôn cất cha mình năm ấy: “Trận đụng độ cuối năm 1969 rất lớn, có cả tàu thủy, pháo bay, trực thăng. Bọn tui du kích địa phương cho là tụi Mỹ đụng phải quân chính quy miền Bắc rồi, ai dè là ông bự đằng mình…”. Vậy đêm định mệnh đó diễn ra như thế nào? Cha mình hy sinh ra sao? Chị quyết tâm sang tận nước Mỹ tìm các nguồn tư liệu lưu trữ của đối phương, mong có một sự thật.

Đêm định mệnh trên sông Vàm Cỏ Đông 

Ngày 15-4-2010, chị Minh Vân rời TP Hồ Chí Minh lên đường sang Mỹ. Đây là hành trình dài ngày, chặng đường bay qua nhiều quốc gia trên thế giới. Chị muốn biết đơn vị nào, phiên hiệu của thám báo Mỹ đã bao vây nhằm bắt sống cha mình tại Vàm Cỏ Đông. Và may mắn, chị Vân và cộng sự đã tìm được đúng tài liệu nói về cái đêm định mệnh đó tại Trung tâm lưu trữ Vietnam Archive thuộc Đại học Texas Tech.

Bà Minh Vân trao đổi thông tin với ông Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Vietnam Archive trong hành trình tìm kiếm tư liệu về cha mình. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Trận chiến đấu đó nằm trong lộ trình hành quân của lực lượng tuần tra sư đoàn 552 (Mỹ) phối hợp với lực lượng không quân trực thăng có tên “Sói Biển” yểm trợ. Tư liệu này mô tả hôm ấy có 4 xuồng qua sông, một xuồng qua trước. Quân Mỹ dự định tấn công chiếc xuồng đi trước nhưng không kịp vì chiếc xuồng này đã may mắn thoát lên bờ và nổ súng trước. Chúng lập tức mở hết đèn pha và phát hiện rất rõ còn 3 chiếc xuồng nữa của quân ta ở phía sau. Một cuộc chiến nổ ra giữa 3 chiếc xuồng phía ta với 3 tàu chiến Mỹ của đơn vị 552 đang chờ sẵn. Ngay sau đó, máy bay trực thăng của Mỹ tiếp tục chi viện cho đồng bọn, cùng với các căn cứ quân sự của chúng trong vùng đồng loạt nã pháo vào ngã ba sông Vàm Trảng, Vàm Cỏ Đông. Trong khi thủy quân lục chiến đã được chuẩn bị trước vì chúng biết đây là đoạn sông có xuồng của Việt Cộng cấp lớn qua lại nên đã tập trung lực lượng phục sẵn chờ. 3 chiếc xuồng của ta trúng đạn, đều nổ tung, địch còn cho lùng sục tìm xác nhưng không thấy một ai mà chỉ thu được 2 khẩu B40 và 8 súng AK.

Mọi sự kiện đều trùng khớp với thông tin này, cho thấy xuồng thoát nạn là xuồng của Trung tướng Tám Lê Thanh (sau này). Tài liệu Mỹ cũng ghi lại phía ta có bắn trả một quả đạn B40 trúng tàu chỉ huy khiến tàu chìm và viên chỉ huy cũng chết. Theo tài liệu của phía Mỹ thì trên 3 xuồng chưa bị lật của Việt Cộng có 9 người đang chiến đấu, còn dưới nước thì 7 người đang bơi. Quân Mỹ cho súng từ máy bay trực thăng bắn xuống, súng tự động M6 tốc độ nhả đạn từ 2.000 đến 3.000 viên/phút. Trận chiến kéo dài hai giờ đồng hồ, kết thúc khoảng 19 giờ 52 phút ngày 24-12-1969. Trận hỏa lực đó không một ai sống sót.

Như vậy, nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đồng đội và mình trong trận chiến không cân sức ấy. Đây thực sự là tư liệu quý giá mang tính sống còn, thỏa lòng mong đợi, tìm kiếm, trăn trở, đau đáu về người cha của Minh Vân cũng như những đồng đội trân trọng, yêu quý ông...

Năm nay vừa tròn 50 năm ngày mất của liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Minh Đạo. Tôi rất vinh dự khi là tác giả biên soạn cuốn sách “Chuyện chưa biết về người anh hùng”, được Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành lần đầu tiên năm 2002 và tái bản 4 lần. Năm 2015 và 2018, theo nguyện vọng của đông đảo độc giả, cuốn sách được tái bản lần thứ 5 và 6 với tên gọi mới “Huyền thoại anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành. Cho đến tận hôm nay, khi lật lại từng trang sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như xem lại bộ phim “Con đường sáng” (đạo diễn Phạm Việt Thanh), tôi vẫn vô cùng xúc động, cảm phục trước những cống hiến, sự hy sinh cao cả mà nhà tình báo đã để lại cho muôn đời sau.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...